Người thổi hồn vào những chiếc mặt nạ hát bội

(PLO)- Không phải là hoạ sĩ hay kiến trúc, nhưng với tình yêu hát bội, ông Trần Ngọc Vân đã vẽ hàng trăm chiếc mặt nạ độc đáo khiến nhiều người thích thú. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hơn 20 năm làm nghề quay phim, chụp ảnh liên quan đến nghệ thuật hát bội đã khiến cho ông Trần Ngọc Vân (62 tuổi, phương Ngô Mây, TP Quy Nhơn, Bình Định) thêm yêu loại hình nghệ thuật này; đồng thời, tìm hiểu, nghiên cứu để vẽ mặt nạ chân dung.

Vẽ…để cảm ơn những nghệ sĩ hát bội

Gặp ông Vân tại cuộc triển lãm mặt nạ hát bội ở đền thờ danh nhân văn hoá Đào Tấn, khi ông đang mải mê hướng dẫn cho khách xem những chiếc mặt nạ được trưng bày.

Ông Vân cho biết, để vẽ được những chiếc mặt nạ như thế này đòi hỏi người vẽ phải thật tỉ mỉ, đôi khi phải mất cả ngày mới hoàn thiện được một tác phẩm ưng ý. Trong bộ sưu tập của ông có hàng chục tác phẩm lớn, nhỏ khác nhau, mỗi tác phẩm mang một hình hài riêng và rất độc đáo.

Ông Trần Ngọc Vân giới thiệu những mặt nạ hát bội của mình tại triển lãm. Ảnh QN

Ông Trần Ngọc Vân giới thiệu những mặt nạ hát bội của mình tại triển lãm. Ảnh QN

Nói về niềm đam mê vẽ tranh của mình, ông Vân chia sẻ, mặc dù không phải là nghệ sĩ hát tuồng hay một hoạ sĩ, nhưng từ nhỏ ông đã theo cha đi xem hát bội nhiều lần và rất thích thú với loại hình này.

Sau này lớn lên làm nghề quay phim, chụp ảnh, hướng dẫn du lịch cũng liên quan đến nghệ thuật hát bội khiến cho niềm đam mê hát bội càng ngày càng nhiều hơn.

Vậy là ông bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật hát bội, bắt đầu từ những gam màu trên chiếc mặt nạ của người nghệ sĩ hát bội. “Nhìn những nét vẽ trên khuôn mặt người nghệ sĩ hát bội, tôi rất ấn tượng và tìm cách vẽ lại nó”- ông Vân nói.

Khách thích thú với những chiếc mặt nạ được trưng bày. Ảnh QN

Khách thích thú với những chiếc mặt nạ được trưng bày. Ảnh QN

Trong một lần dẫn khách du lịch tham quan khu trưng bày mặt nạ hát bội tại Bảo tàng Bình Định, ông Vân nhìn thấy du khách rất thích thú đối với những chiếc mặt nạ xanh, đỏ, trắng, vàng. Từ đó, niềm đam mê đối với việc vẽ mặt nạ càng thôi thúc ông sớm thực hiện những bức vẽ của mình.

“Thích thú là thế, đam mê vẽ là thế, nhưng việc định hình một bức mặt nạ chân dung rất khó. Tôi đã phải mất 5 năm vào Sài Gòn để vừa làm việc, vừa học hỏi thêm về cách làm khung, cũng như nhờ các nghệ nhân chỉ thêm về cách định hình khung mặt nạ”- ông Vân kể.

Hàng trăm chiếc mặt nạ đủ kích cỡ được trưng bày. Ảnh QN

Hàng trăm chiếc mặt nạ đủ kích cỡ được trưng bày. Ảnh QN

Tuy vậy, theo ông Vân, điều thôi thúc nhất khiến ông thực hiện những bức vẽ tạo hình mặt nạ hát bội chính là để tri ân những người theo nghề hát bội. Theo ông, có những nghệ nhân cả đời theo nghiệp hát bội nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Có những người 50, 60 năm theo nghề hát bội mới được công nhận nghệ nhân.

Chiếc mặt nạ của ông Vân giữ được cái hồn của nhân vật.
Chiếc mặt nạ của ông Vân giữ được cái hồn của nhân vật.

“Nhiều lần tiếp xúc với những người nghệ sĩ hát bội, tôi mới hiểu được nỗi vất vả của họ, sự hi sinh của họ với nghề quá lớn, điều đó thôi thúc tôi phải làm một việc gì đó để tri ân những nghệ sĩ này. Đây là động lực chính để tôi đến với việc vẽ mặt nạ hát bội ngày hôm nay. Tôi muốn thông qua những mặt nạ tạo hình để nhiều người biết đến họ và nhất là lưu giữ được nét độc đáo về nghệ thuật hát bội”,- ông Vân chia sẻ.

Sẽ mở các lớp dạy vẽ mặt nạ miễn phí

Việc vẽ mặt nạ hát bội có nhiều công đoạn, nhưng theo ông Vân, cái khó nhất chính là định hình được khuôn mặt của người hát bội. Nghĩa là, phải có hình khuôn mặt, rồi sau đó phải tạo khuôn theo hình khuôn mặt đã định sẵn.

Mặt nạ hát bội là sự tri ân của ông Vân đối với những người nghệ sĩ hát bội. Ảnh QN

Mặt nạ hát bội là sự tri ân của ông Vân đối với những người nghệ sĩ hát bội. Ảnh QN

“Đây là khâu thiết yếu nhất để tạo hình một mặt nạ có thần thái. Nhiều lần tôi đã thuê người tạo hình, và ra giá cao, nhưng cũng không ai chịu nhận làm. Bởi việc tạo khuôn khó, khuôn làm không đúng thì khi vẽ lên sẽ khó có được những tác phẩm thu hút người xem” ông Vân chia sẻ.

Những buổi triển lãm mặt nạ hát bội đem đến cho người xem sự trải nghiệm độc đáo. Ảnh QN

Những buổi triển lãm mặt nạ hát bội đem đến cho người xem sự trải nghiệm độc đáo. Ảnh QN

Ông Vân cho biết vẽ mặt nạ thường có gam màu chủ đạo là đỏ và đen. Màu đen đại diện cho những nhân vật phản diện, hung dữ; màu đỏ tượng trưng cho trung thần. Hoặc màu trắng xanh là nhân vật quan nịnh và nhân vật nữ thì thường màu hồng phấn. “Vẽ hoàng tử, công chúa thì dễ vẽ, bởi gam màu đơn giản; khó nhất là vẽ những mặt nạ có vằn” ông Vân nói.

Ba tác phẩm mặt nạ hát bội độc đáo này sẽ được ông Vân đem dự thi. Ảnh QN

Ba tác phẩm mặt nạ hát bội độc đáo này sẽ được ông Vân đem dự thi. Ảnh QN

Cũng theo ông Vân, trong quá trình vẽ mặt nạ, ông đã chọn nhiều chất liệu để tạo hình, nhưng cuối cùng ông chọn vẽ trên chất liệu nhựa composite vì có độ bền cao, màu sắc khó phai theo thời gian. Trong quá trình tạo hình trên chất liệu này, ông cũng dành thời gian nghiên cứu, cũng như tham vấn nhiều người để có được những chiếc mặt nạ ưng ý và độc đáo hơn.

Ông Vân muốn lan toả tình yêu với nghệ thuật hát bội qua những tác phẩm của mình. Ảnh QN

Ông Vân muốn lan toả tình yêu với nghệ thuật hát bội qua những tác phẩm của mình. Ảnh QN

Từ khi theo đuổi đam mê đến nay, ông Vân đã có 10 cuộc triển lãm trưng bày mặt nạ ở nhiều nơi, trong đó chủ yếu là ở các trường học. Theo ông, những cuộc triển lãm này đều miễn phí, chủ yếu là đem đến cho du khách sự trải nghiệm mới mẻ và giới thiệu đến khách nước ngoài về loại hình nghệ thuật hát bội.

Sắp tới ông Vân sẽ mở những lớp dạy vẽ miễn phí cho học sinh và những người có đam mê. Ảnh QN

Sắp tới ông Vân sẽ mở những lớp dạy vẽ miễn phí cho học sinh và những người có đam mê. Ảnh QN

Hiện nay, ông và câu lạc bộ của mình đang mở các lớp dạy vẽ mặt nạ miễn phí cho các em học sinh và những người khuyết tật. “Tôi bắt đầu mở những lớp học miễn phí cho thế hệ trẻ để những người trẻ có thể lan toả nét văn hoá đẹp về nghệ thuật hát bội của Bình Định. Chủ yếu mình làm vì cái tâm, chứ không vì tiền bạc gì cả.

Ngoài ra, tôi cũng sẽ hỗ trợ cho những người khiếm thị ở các trung tâm người khuyết tật trên địa bàn, các làng SOS. Để họ có thể tự tay làm những chiếc mặt nạ đẹp, vừa có thể kiếm tiền, đồng thời lưu giữ và lan tỏa về nét văn hoá của địa phương” ông Vân chia sẻ thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm