Thông tin từ Cơ quan xuất nhập cảnh Thái Lan cho hay những tháng gần đây số lượng người Triều Tiên di chuyển bất hợp pháp vào Thái Lan bất ngờ tăng đột ngột, theo Reuters. Điều này làm dấy lên sự tò mò giữa bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng tăng nhiệt không phanh.
Đi đường vòng
Thái Lan được biết tới là một địa điểm quá cảnh phổ biến cho những người Triều Tiên bỏ trốn khỏi quê hương mình. Hàng trăm người Triều Tiên đã vượt biên giới để sang Trung Quốc mỗi năm, sau đó di chuyển bằng đường bộ sang Thái Lan. Từ đất nước chùa vàng này, những người Triều Tiên thường sẽ được đưa tới Hàn Quốc.
Một đoạn biên giới Trung-Triều ở tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc. Ảnh: AP
Theo số liệu được Cơ quan xuất nhập cảnh Thái Lan ghi nhận, trong năm 2016, có 535 người Triều Tiên đặt chân vào lãnh thổ Thái Lan. Tuy nhiên, chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, con số này là 385 người, hơn 1/2 tổng số người Triều Tiên tới Thái Lan trong cả năm ngoái. “Trung bình cứ khoảng 20-30 người Triều Tiên đi vào khu vực miền Bắc Thái Lan mỗi tuần” – một quan chức của cơ quan trên trả lời phỏng vấn Reuters.
Số lượng người Triều Tiên vượt biên vẫn tăng mặc dù Triều Tiên đã kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới giữa nước này với Trung Quốc. Dữ liệu được công bố trùng với thời điểm tình hình trên bán đảo Triều Tiên ngày càng căng như dây đàn, khi Bình Nhưỡng chỉ trong một tháng phóng liên tiếp hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Liên minh công dân vì nhân quyền Triều Tiên (CANKHR), một tổ chức phi chính phủ tại Hàn Quốc, cho biết số người bỏ trốn thẳng tới Hàn Quốc lại không tăng tính từ đầu năm tới nay. Điều này ngụ ý những người Triều Tiên di chuyển thông qua con đường Thái Lan (như một điểm nối giữa Trung Quốc và Hàn Quốc) có thể chiếm một tỉ lệ ngày càng cao.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết có 593 người Triều Tiên bỏ trốn thẳng tới Hàn Quốc trong sáu tháng đầu năm 2017, trong khi con số này trong năm 2016 và 2015 lần lượt 1.418 và 1.275.
Tại sao lại là Thái Lan?
Hầu hết những người Triều Tiên di chuyển vào Thái Lan từ khu vực miền Bắc nước này, gần với Tam giác vàng. Tam giác vàng là khu vực rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới ba nước Lào, Thái Lan, Myanmar, nổi tiếng là nơi sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các quan chức xuất nhập cảnh Thái Lan cho biết những tuyến đường mới cũng đã xuất hiện ở miền Nam nước này.
Một chiếc tàu di chuyển gần cảng Chiang Saen nằm bên bờ lãnh thổ Thái Lan gần Tam giác vàng ở khu vực sông Mekong vào ngày 3-3-2016. Ảnh: REUTERS
“Trong vài năm trở lại đây, chúng tôi đã phát hiện nhiều người Triều Tiên di chuyển vào Thái Lan thông qua một vài tỉnh ở vùng Đông Bắc, nằm dọc sông Mekong” - Chonlathai Rattanaruang, chỉ huy đơn vị Tuần tra hải quân sông Mekong của Thái Lan, cho biết.
Về mặt chính thức, Thái Lan xem những người Triều Tiên đi vào nước này là những người di cư bất hợp pháp chứ không phải là người tị nạn, theo Reuters. Thái Lan không tham gia ký kết Công ước Geneva năm 1951 về người tị nạn và hiện cũng không có luật cụ thể nào quy định liên quan tới người tị nạn.
Tuy nhiên, về mặt phi chính thức, chính phủ Thái Lan và Hàn Quốc thường xuyên thực hiện các cuộc dàn xếp liên quan tới người Triều Tiên.
“Những người Triều Tiên đến Thái Lan để họ bị bắt giữ. Có như thế thì họ mới được một chỗ ở tại Hàn Quốc” - Roongroj Tannawut, một quan chức tại quận Chiang Khong thuộc tỉnh Chiang Rai nằm gần Tam giác vàng, cho biết.
Những người Triều Tiên đi vào Thái Lan sẽ bị bắt giữ và truy tố vì nhập cảnh bất hợp pháp. Họ sau đó thường được chuyển tới một trại tạm giam nhập cư ở thủ đô Bangkok trước khi bị trục xuất tới một nước khác, thường là Hàn Quốc.
“Kể từ khi hiến pháp Hàn Quốc công nhận tất cả người Triều Tiên là công dân nước này, Thái Lan có thể đã công nhận Hàn Quốc là một điểm đến hợp pháp cho những người Triều Tiên bị trục xuất” - Phil Robertson, phó giám đốc Chi nhánh giám sát châu Á thuộc Cơ quan quan sát nhân quyền (HRW), cho biết.
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn hiếm khi giải quyết các vấn đề liên quan tới người Triều Tiên bỏ trốn vì giữa Thái Lan và Hàn Quốc đã có các thỏa thuận riêng.
Đại sứ Hàn Quốc tại Bangkok hiện từ chối bình luận về vai trò của họ trong vấn đề này.