Trong đoạn video do trang web Uriminzokkiri của chính phủ Triều Tiên đăng tải vào ngày 15-7, cô Jeon Hye Sung nói rằng mình bị ép phải "vu khống và phỉ báng" Triều Tiên trong thời gian ở Hàn Quốc.
Cô Jeon đã đào tẩu sang Hàn Quốc vào tháng 1-2014 và được cho là đã trở lại Triều Tiên vào tháng 6 vừa rồi. Hiện vẫn chưa rõ cô Jeon làm thế nào để có thể quay về nước. Trước đó, nhiều người Triều Tiên đào tẩu được cho là bị cưỡng ép trở về nước.
Cô Jeon Hye-sung đào tẩu sang Hàn Quốc vào tháng 1-2014 nay đã quay về nước và xuất hiện trong video tuyên truyền của Triều Tiên. Ảnh: CNN
Cô Jeon sống ở Hàn Quốc với tên Lim Ji-hyun, cho biết đã trải qua "đau đớn cả thể chất lẫn tinh thần" khi ở Seoul. Hiện cô đang sống cùng bố mẹ tại TP Anju, tỉnh Nam Pyongan, Triều Tiên. "Tôi đã nghĩ nếu tôi làm tốt trong chương trình, tôi sẽ có thể tham gia đóng phim và được nổi tiếng" - cô nói trong chương trình phát sóng của Triều Tiên.
Cô là một gương mặt nổi tiếng trong các chương trình truyền hình của Hàn Quốc chuyên phỏng vấn những người đào tẩu. Cô Jeon cũng xuất hiện nhiều lần trên chương trình thực tế Moranbong Club. Trong chương trình này, những khách mời Triều Tiên sẽ ăn uống với người dẫn chương trình và thảo luận về văn hóa và chính trị của phía Bắc.
Đài Chosun sản xuất những chương trình trên đã bác bỏ những cáo buộc cưỡng ép cô Jeon tham gia chương trình. Một quan chức thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc trả lời tờ CNN rằng chính quyền đang điều tra vụ việc của cô Jeon.
Trong đoạn video Triều Tiên công bố, cô Jeon cho biết cô đến Hàn Quốc "với suy nghĩ sẽ được ăn ngon mặc đẹp và kiếm được nhiều tiền". Tuy nhiên, đến Hàn Quốc rồi, cô nhận ra tại đất nước này mọi thứ đều bị phán xét bởi đồng tiền. Cô Jeon cho biết mỗi ngày ở Hàn Quốc "như sống trong địa ngục", cô luôn "đau lòng khi nghĩ tới tổ quốc và cha mẹ”.
Đào tẩu và hối hận
Đến Hàn Quốc là một con đường khá chông gai với những người đào tẩu Triều Tiên. Trong các cuộc phỏng vấn trước đây với CNN, nhiều người đào tẩu đã kể lại chuyện phải trốn cảnh sát, hợp tác với băng nhóm tội phạm để chạy trốn.
Cô Jeon Hye-sung xuất hiện trên chương trình Moranbong Club của Hàn Quốc. Ảnh: CNN
Sau khi đến được Hàn Quốc, họ bị chính quyền Hàn Quốc kiểm tra gắt gao để đảm bảo không phải là gián điệp. Sau đó, họ được đưa vào tham gia chương trình giáo dục chuyên sâu nhằm giúp họ hòa nhập vào xã hội Hàn Quốc.
Tuy nhiên, nhiều người đào tẩu không thích ứng được với một Hàn Quốc phát triển nhanh, xã hội kinh tế tư bản và ám ảnh bởi sự nổi tiếng. Họ gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập cuộc sống, cảm giác thất vọng và bị xa lánh.
Một cuộc điều tra khảo sát bởi Hana Foundation cho thấy trong số 1.700 người đào tẩu vào năm 2015, có hơn 20% người có ý định tự sát, cao gấp 3 lần so với mức trung bình của Hàn Quốc.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, trích dẫn số liệu của truyền thông Triều Tiên, tổng cộng có 25 người đào tẩu đã quay về Triều Tiên từ năm 2012. Trong số đó, có năm người lại tiếp tục đào tẩu lần hai sang Hàn Quốc.
Theo CNN, những người đào tẩu quay về nước rất được hoan nghênh vì mục đích tuyên truyền của Bình Nhưỡng và có thể được khoan hồng.