Nguy cơ thảm họa hạt nhân Zaporizhzhia tăng từng ngày

(PLO)- Cần gấp quy trình ngăn chặn leo thang ở Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia khi nguy cơ xảy ra thảm họa ngày càng tăng, bất chấp nhiều động thái can thiệp gần đây của cộng đồng thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mọi diễn biến liên quan Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đang được dõi theo sát sao khi nhà máy liên tục bị nã pháo trong vài tuần qua, làm dấy lên bóng ma về một thảm họa hạt nhân. Hiện nỗi lo về nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân ngày càng tăng khi tình trạng pháo kích vào nhà máy vẫn không chấm dứt, bất chấp nhiều động thái can thiệp gần đây của cộng đồng thế giới.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nhìn từ bên này sông Dnipro. Ảnh: CNN

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nhìn từ bên này sông Dnipro. Ảnh: CNN

Lo từng ngày

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nằm ở TP Energodar thuộc tỉnh Zaporizhia (Ukraine), thuộc quyền kiểm soát của phía Nga từ tháng 3 nhưng hiện vẫn do công nhân Ukraine vận hành.

Ukraine cáo buộc Nga đồn trú hàng trăm binh sĩ và tàng trữ vũ khí bên trong nhà máy. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tố cáo quân Nga “núp” trong nhà máy tấn công các khu vực do Ukraine kiểm soát. Ngược lại, các quan chức ủng hộ Nga tố cáo chính lực lượng Ukraine đã gây ra các cuộc pháo kích vào nhà máy Zaporizhzhia.

Nói với hãng tin AFP ngày 14-8, Thị trưởng TP Energodar Dmytro Orlov bày tỏ sự lo lắng rằng nguy cơ xảy ra thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu đang “tăng lên mỗi ngày” khi nhà máy bị pháo kích cả “ngày lẫn đêm” và có thể bị phá hủy bất cứ lúc nào.

Giữa tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã họp khẩn về tình hình khủng hoảng “nghiêm trọng” Nhà máy Zaporizhzhia, theo yêu cầu từ phía Nga.

Tham gia họp tại Hội đồng Bảo an, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cảnh báo rằng “những hành động quân sự gần một cơ sở hạt nhân lớn như vậy có thể dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng”. Ông đánh giá rằng tình trạng “đáng báo động” tại nhà máy đã đến “thời điểm nghiêm trọng” khi nhiều bộ phận của nhà máy đã bị đánh sập do các vụ tấn công gần đây, tiềm tàng nguy cơ rò rỉ phóng xạ. Theo IAEA, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này chứa tới 60 tấn uranium và plutonium đã được làm giàu trong các lõi lò phản ứng và kho chứa nhiên liệu đã qua sử dụng.

Trong khuôn khổ cuộc họp, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cảnh báo nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân nghiêm trọng. Theo ông Nebenzia, nếu thảm họa xảy ra thì phóng xạ có thể gây ô nhiễm cả một vùng rộng lớn: Ít nhất tám tỉnh của Ukraine (bao gồm cả thủ đô Kiev và các TP lớn như Kharkov hay Odessa) và hai vùng ly khai Luhansk và Donetsk ở vùng Donbass, một số vùng lãnh thổ của Nga và Belarus nằm giáp Ukraine, cũng như Moldova, Romania, Bulgaria.

Phần mình, ông Zelensky cáo buộc Nga đang đặt toàn bộ châu Âu vào tình thế nguy hiểm, yêu cầu Nga rút quân khỏi nhà máy, trao trả quyền kiểm soát nhà máy cho phía Ukraine. Khi đó, chuyện khôi phục an toàn hạt nhân cho toàn châu Âu mới được đảm bảo.

Cần gấp quy trình ngăn chặn leo thang

Trước mắt, Energoatom - cơ quan hạt nhân của Ukraine cho biết mức độ phóng xạ tại khu vực nhà máy vẫn trong giới hạn bình thường. Ông Vladimir Rogov, một thành viên hội đồng chính của chính quyền quân sự - dân sự khu vực, ngày 14-8 cho biết tới thời điểm này, nhà máy vẫn hoạt động bình thường, theo hãng tin Sputnik.

Tuy nhiên, với cảnh báo của các nhà quan sát về một cuộc khủng hoảng “chết người” có khả năng gây ra thảm họa phóng xạ từ việc một khu vực chứa chất thải phóng xạ bị pháo đánh trúng, người dân sống gần sông Dnipro, đối diện nhà máy, đang rất lo lắng về nguy cơ phóng xạ bị rò rỉ.

Tình trạng đáng lo hiện tại của Nhà máy Zaporizhzhia làm nhiều người nhớ lại vết sẹo sâu của Ukraine từ thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986, khi một lò phản ứng thời Liên Xô phát nổ và phát tán phóng xạ khắp châu Âu. Số người chết chính thức vì thảm họa hạt nhân Chernobyl vẫn chỉ là 31, tuy nhiên nhiều báo cáo ước tính rằng hàng ngàn người có thể đã nhiễm tia phóng xạ chết người khi tham gia khắc phục hậu quả thảm họa.

“Thường thì gió thổi theo hướng của chúng tôi. Vì vậy, phóng xạ sẽ đi ngay đến chúng tôi và sẽ đi vào nước” - AFP dẫn lo ngại của ông Viktor Shabanin, 57 tuổi.

“Chúng tôi có thể có số phận giống như người dân thời Chernobyl” - một phụ nữ 63 tuổi có chồng chết trong khi khắc phục thảm họa hạt nhân Chernobyl nói với AFP.

Trước tình hình này, cộng đồng thế giới nỗ lực can thiệp để ngăn chặn thảm họa. Thị trưởng TP Energodar Orlov nhận xét “tình hình rất nguy hiểm và điều gây lo lắng nhất là không có quy trình giảm leo thang”.

Nga yêu cầu Ukraine ngừng các hành động “bất cẩn” để tránh gây ra thảm họa hạt nhân với thế giới. Trong khi đó, được sự hậu thuẫn của các đồng minh phương Tây, Ukraine đã kêu gọi thiết lập một khu phi quân sự xung quanh nhà máy và yêu cầu các lực lượng của Nga rút lui. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đồng ý với phương án này.

Ông Guterres cho rằng chuyện gây rủi ro với nhà máy là “không thể chấp nhận” và đề nghị Nga và Ukraine đối thoại để lập một vùng phi quân sự ở khu vực nhà máy, cùng rút quân và khí tài khỏi khu vực này.

Các nước G7 (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Anh, Mỹ) kêu gọi Nga trao trả nhà máy cho Ukraine để bảo đảm sự an toàn và an ninh các hoạt động của nhà máy. Trung Quốc thì đề nghị các bên liên quan đối thoại thống nhất giải pháp về vấn đề nhà máy.

Tổng giám đốc IAEA Grossi đề nghị Nga và Ukraine tạo điều kiện để thanh sát viên của IAEA đến kiểm tra nhà máy “càng sớm càng tốt”.

Chưa biết diễn biến sắp tới sẽ thế nào khi chưa thấy dấu hiệu nhà máy Zaporizhzhia sẽ thôi bị pháo kích. Tổng thống Zelensky ngày 13-8 khẳng định lực lượng Ukraine sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các binh sĩ Nga ẩn nấp trong nhà máy, theo tờ Guardian. Ông Zelensky cũng khẳng định rằng bất kỳ ai ra lệnh tấn công nhà máy này hoặc các thị trấn và TP lân cận sẽ phải đối mặt với sự xét xử của tòa án quốc tế.•

Nhà máy thủy điện Kakhovka trong tình trạng nguy hiểm

Theo đài RT, Nhà máy thủy điện Kakhovka ở tỉnh Kherson (Nam Ukraine) đang bị pháo kích liên tục. Nga kiểm soát nhà máy thủy điện này không lâu sau khi phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine. Cuối tuần rồi, ông Arseniy Zelensky, Phó Giám đốc nhà máy, cho biết hiện Nhà máy Kakhovka đang hoạt động ở chế độ khẩn cấp “rất nguy hiểm”. Nhà máy thủy điện Kakhovka đã làm việc ở chế độ khẩn cấp “kể từ những ngày đầu xung đột”.

Theo lời ông Zelensky, “trong trường hợp có vấn đề với đập của Nhà máy thủy điện Kakhovka, sẽ có những rắc rối lớn ở Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, điều này có thể dẫn đến một thảm họa hạt nhân”. Ông giải thích rằng nếu con đập bị phá hủy, Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia sẽ không có đủ lượng nước cần thiết để làm mát các lò phản ứng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm