Nguyễn Cường nhớ H’Zen

Ấn tượng khi tìm gặp nhạc sĩ Nguyễn Cường là đường lên ngôi nhà trong phố cổ của ông khá cheo leo, tựa như những con dốc của cao nguyên nắng gió. Cảm xúc đầu tiên là “hơi thở” Tây Nguyên bập bùng tỏa ra từ khắp con người, ánh nhìn tới giọng nói của ông, khiến người đối diện hồ như có một chút phấn chấn, một chút khẩn trương và một chút ngập ngừng choáng ngợp.

Nhạc sĩ khá bận rộn với những dự án âm nhạc cho lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Tuy vậy, buổi trò chuyện vẫn diễn ra khá ấm áp cùng kẹo lạc - món ăn ưa thích của ông. Những câu chuyện về Tây Nguyên trong một con người từng được đánh giá là "Hà Nội nhất trong số những người Hà Nội". Kỷ niệm chốn đại ngàn cuối cùng lại tuôn trào qua nhân vật điển hình của nó là H'Zen - cô công nhân làm việc tại nông trường cao su của công ty cao su tỉnh Đăk Lăk từng là ngọn nguồn cảm hứng cho Nguyễn Cường cho ra đời sáng tác nổi tiếng cách đây gần 30 năm. Có chút tiếc nhớ, có chút ngậm ngùi về một hình ảnh rất đẹp trong quá khứ.

Nguyễn Cường thời viết H'Zen lên rẫy
Nguyễn Cường thời viết "H'Zen lên rẫy". Ảnh: N.C.

- Khác với những tổng hòa về cái đẹp, cái rực lửa của Tây Nguyên trong những ca khúc khác, H’zen trong "H'zen lên rẫy" giống một hình ảnh rất thật về một cô gái. Ông có thể kể lại hoàn cảnh sáng tác bài hát này?

- Một buổi chiều xuống núi trở về, tôi tình cờ gặp một cô gái trên đường, bên cạnh rừng cao su, rừng cà phê bạt ngàn, lúc bấy giờ vắng người chứ không đông đúc như bây giờ. Cô bé ấy rất xinh xắn vừa đi vừa đung đưa một chiếc gùi trên vai. Tôi hỏi “Em đi đâu đấy” bằng tiếng Êđê, cô gái trả lời: “Nao ma” tức là đi rẫy. Tôi lại hỏi cô ấy biết tiếng Kinh không, H’zen biết và tôi đã quen H’zen từ đấy. Ngay lúc đó, cảm xúc trước cái đẹp của thiên nhiên, cái đẹp của người con gái, tôi đã sáng tác H’zen lên rẫy.

- Đối diện với một cô gái như vậy, trái tim người nghệ sĩ trong ông rung động thế nào?

- Đấy là sự rung động trước vẻ đẹp của một bức tranh, bức tranh về rừng cao su bạt ngàn cạnh con đường quốc lộ rộng lớn, vẻ đẹp của núi rừng Tây Nguyên, hương vị Tây Nguyên với hương hoa cà phê ngào ngạt, vẻ đẹp của con người Tây Nguyên, cô gái Tây Nguyên trong sáng. Một sự rung động nghệ sĩ chứ không phải rung động nam nữ.

- Sau khi bài hát ra đời, mối liên hệ của ông và H’ Zen ra sao?

- Tôi không còn sự liên hệ nào với H’zen cả. Gần đây, qua lời kể của anh Isan Alio, Trưởng đoàn ca múa nhạc tỉnh Đăk Lăk, tôi được biết, H’zen đã nên vợ nên chồng với Yyop Nie - người thanh niên cao to, đẹp trai cũng là diễn viên múa của đoàn văn công.

Vào thời điểm cà phê đang lên ngôi ở Buôn Ma Thuột, vợ chồng H’zen - Yyop cũng bị cuốn theo sức nóng của cơn bão “hạt đắng” này. Yyop Nie bỏ múa, H’zen bán nhà cửa tại thành phố. Hai người gói ghém toàn bộ gia tài cùng ước mơ đổi đời làm hành trang về quê hương của Yyop Nie - xã Chư Pông huyện Krông Bud, nơi có dòng suối Easoup hiền hòa chảy qua để gây dựng cơ nghiệp. Nhưng trời đã không chiều lòng người, những cố gắng của vợ chồng H’zen đã bị tiêu tan cùng cơn khốn đốn của cà phê.

H’zen ngày ấy đang sống một cuộc sống không dư dả cùng chồng và 3 người con tại Chư Pông xa xôi. Có một niềm vui là con gái của H’zen cũng đang theo học năm thứ nhất về múa ở trên tỉnh.

- Ông có thấy nuối tiếc cho người con gái ấy?

- Đó là cuộc sống riêng của cô ấy. Thật ra hình ảnh của H’zen và núi rừng Tây Nguyên, bức tranh đẹp đó đã đi vào âm nhạc, đã trở thành dân ca, bản nhạc đó đã phát huy được sức mạnh nghệ thuật của nó. Tôi đã hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng của người một người nghệ sĩ trước cái đẹp. Cũng giống như người họa sĩ vẽ tranh với người mẫu của mình vậy, sau khi hoàn thiện bức tranh, người họa sĩ và người mẫu vẽ cũng không có sự liên quan nào cả. H’zen lên rẫy là một bức tranh về vẻ đẹp Tây Nguyên, con người Tây Nguyên.

- So với thời gặp H’zen, ông thấy mình khác gì sau gần 30 năm?

- Tôi thì làm gì có tuổi…

- Bởi vì nghệ sĩ thường nhận mình không có tuổi?

- Không, chỉ tôi là không có tuổi thôi, những người khác vẫn có tuổi đấy (cười lớn).

Nguyễn Cường của hiện tại không có vẻ gì già đi. Ảnh: Trai hn.
Nguyễn Cường của hiện tại không có vẻ gì già đi. Ảnh: Traihn.

- “H’zen lên rẫy” đã được dịch ra nhiều tiếng dân tộc trong nước. Theo ông, vì sao bài hát có được sức mạnh này?

- Đơn giản là vì nó gần gũi, quen thuộc với những người dân tộc, người Tây Nguyên. Họ thấy được hình ảnh của họ, thấy cuộc sống của họ được phản ánh trong đó và yêu thích ca khúc. Bài H’zen lên rẫy này, tôi đã nhìn thấy rất nhiều cô gái Tây Nguyên hát. Họ hát bằng thứ tiếng của riêng họ, tiếng Bana, tiếng Êđê. Rất nhiều cô gái ít tuổi hơn tuổi của bài hát này. Bài này được viết từ năm 1981, cũng là một trong 5 bài hát được giải thưởng của nhà nước của tôi. Bài này người lớn cũng hát, thiếu nhi cũng có thể hát, rất thú vị. Con gái hát mà con trai cũng hát. Mới đây, trong chương trình Đồ Rê Mí, tôi rất bất ngờ khi Vũ Hiệp - một cậu bé 10 tuổi, đến từ Đăk Lăk, hát H’zen lên rẫy. Giọng hát của cậu bé rất đẹp, có cả dấu hiệu của sự bốc lửa. Nó đem bài hát về đúng với vẻ ban đầu của nó, của núi rừng Tây Nguyên với nét đẹp hoang sơ, trong sáng.

- Từng là người phát hiện nâng đỡ tài năng của Y Moan, ông nhìn thấy tương lai gì từ cậu bé Vũ Hiệp này?

- Tương lai thì chưa thể khẳng định gì, Vũ Hiệp có những tố chất tốt. Tuy nhiên, để thành công thì đó là một con đường dài rèn luyện, phấn đấu. Chúng ta có thể kỳ vọng và chờ đợi vào sự thành công của giọng ca này trong tương lai, điều này phụ thuộc vào sự cố gắng của Vũ Hiệp và nhiều yếu tố khác. Tất nhiên là tôi kỳ vọng vào một lứa măng non có thể tiếp bước Y Moan, viết nên những huyền thoại.

- Y Moan gắn bó với ông hơn cả tình cảm thầy trò thông thường. Khi hay tin Y Moan mắc bệnh hiểm nghèo, ông cảm thấy thế nào?

- Tôi cũng có những sự chia sẻ, từng bước, về vật chất và tinh thần, vận động những sự giúp đỡ đối với Y Moan. Mấy hôm trước hai thầy trò vừa ôn lại những kỷ niệm với nhau trong buổi ghi hình của đài truyền hình Đăk Lăk.

- Ông đang cùng gia đình chuẩn bị cho Y Moan một live show ở Hà Nội. Live show này sẽ diễn ra thế nào?

- Live show đang trong quá trình hình thành. Trong chương trình, Y Moan sẽ hát một số bài hát cảm ơn khán giả, cảm ơn người dân Việt Nam. Trong số các bài hát, Y Moan sẽ hát một số tác phẩm của thầy - nhạc sĩ Nguyễn Cường. Ngoài ra, một số bạn bè của Y Moan như Siu Black… cũng sẽ tham gia chương trình. Việc phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho Y Moan cũng đã được đề xuất và đang trong thời gian chờ kết quả.

Xem Vũ Hiệp hát H’ Zen  lên rẫy

Ngọc Trần/VNE thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm