Bản giao hưởng có lời đầu tiên của Nguyễn Cường

* Sau một thời gian miệt mài với dòng nhạc Pop-Rock, nghe nói tới đây ông sẽ cho ra mắt khán giả yêu nhạc một hợp xướng?

- Vâng, tôi đã hoàn tất những nốt nhạc cuối cùng cách đây vài ngày và tôi tin rằng qua bản hợp xướng này khán giả sẽ được biết đến một Nguyễn Cường khác hơn, nồng nàn hơn, bốc lửa và dài hơi hơn. Nói cách khác, đây là một bản giao hưởng có lời dài hơn 30 phút.

* Ông có thể nói cụ thể hơn về nội dung của bản hợp xướng này?

Bản giao hưởng có lời đầu tiên của Nguyễn Cường ảnh 1

- Đầu năm nay, trong một lần vào Tây Nguyên dự trại sáng tác tôi có gặp nhà thơ Lưu Trọng Văn, anh có cho tôi xem một bài thơ, một tổ khúcĐại bàng và giọt đắng ngợi ca về người trí thức, người đã mang lại sự tiến bộ cho nhân loại. Nhưng trong sự “tiến hóa” đó người trí thức cũng đã phải chịu nhiều đau đớn để có được như ngày hôm nay. Trong đó có những câu thơ rất hùng tráng như :

“Nước mắt trắng thì mặn/ A a a…/ Nước mắt đen thì đắng/ Thì đắng/ Thì đắng/ Thì đắng/ Đại bàng vỗ cánh lửa bay đi/ Không bao giờ trở lại/ Chiêng ngưng/ Trống ngưng/ Kể rằng: Đôi cánh đại bàng đã cháy rụi/ Bụi tro thành đất đỏ bazan/ A a a…/Nước mắt trắng thì mặn/ Nước mắt đen thì đắng/ Đôi cánh đại bàng đã cháy rụi/ Bụi tro thành đất đỏ bazan/ Nước mắt đen/ Nước mắt đen/ Nước mắt đen/ Nước mắt đen/ Lăn trên đất đỏ bazan nở bông hoa trắng, đồi đồi hoa trắng, rừng rừng hoa trắng…”.

Tôi đã viết nhiều về Tây Nguyên, nhiều đến nỗi nhiều người gặp tôi vẫn hỏi “Anh vừa ở Tây Nguyên ra à?” trong khi đó hộ khẩu của tôi vẫn ở Hàng Bạc (cười). Tất nhiên đó là niềm hạnh phúc mà nhạc sỹ nào cũng mong có.

* Ông có nghĩ rằng, tác phẩm này sẽ vượt qua những nhạc phẩm về Tây Nguyên mà anh đã viết?

- Tất nhiên tôi đã làm hết mình và tôi nghĩ mình sẽ thành công. Tôi cũng đã ấp ủ một tác phẩm lớn hơn, dài hơi hơn về Tây Nguyên và trong lần gặp gỡ này, tôi và Lưu Trọng Văn đã đi đến một thống nhất là tôi sẽ viết một hợp xướng Đại bàng - Giọt đắng gồm 3 chương. Chương một, có tên là Ngọc đen, kể về truyền thuyết của con đại bàng bật lên từ lòng đất, rồi bay lên và bốc cháy. Giọt nước mắt của nó thành viên ngọc đen rơi xuống đất đỏ bazan và lại nở thành bông hoa trắng, đồi hoa trắng, rừng hoa trắng. Chương 2 là Giọt đắng, trong đó có câu hát được nhắc đi nhắc lại “Nước mắt mặn thì trắng, nước mắt đắng thì đen” - Đó là “giọt nước mắt” đã xây nên hoa trái sinh sôi. Chương 3 là chương Thiên đường với sự kết hợp của một dàn đồng ca thiếu nhi hát một câu nhạc trong bản giao hưởng thứ 9 nổi tiếng của Beethoven phổ thơ Schiller ca ngợi về niềm vui của nhân loại, với ca từ “Bao đau buồn trong trái tim người sẽ lụi tàn trong ánh dương ngời. Uống từng giọt đắng. Uống từng giọt đắng…”. Nói theo một cách khác thì đây là một bản giao hưởng có lời đầu tiên của Nguyễn Cường, và sự “bốc lửa” của nó thì những ca khúc đã qua không “đọ” lại được (cười)

* Đây sẽ là một mốc dấu ấn quan trọng nhất trong hành trình âm nhạc của Nguyễn Cường từ trước đến nay chứ?

- Tôi vừa hoàn thành bản demo và nếu xét trên bình diện dài hơi thì đây là một tác phẩm tôi dành nhiều thời gian và công sức nhất từ trước đến nay. Nếu đưa tác phẩm này ra công diễn sẽ phải cần đến 200 diễn viên, dàn nhạc giao hưởng khoảng hơn 100 người và 50 em thiếu nhi phụ họa tập trong vòng một tháng. Đây cũng sẽ là một tác phẩm tôi chuẩn bị để chào mừng lễ kỷ niệm Ngàn năm Thăng long với sự cộng tác phối khí rất quan trọng của nhạc sỹ Minh Đạo.

* Nhạc cổ điển vốn kén người nghe, làm chương trình này ông có sợ mình sẽ bị mất đi không ít khán giả hâm mộ?

- Tôi là người sáng tạo, tôi đã có những đường link tới công chúng thì tôi cũng phải tự tin mình là người đủ tài để thu hút được người nghe cho dù mình thử sức ở một “sân” mới. Khi mình có tâm, có tài, có sự khát vọng thực sự thì sẽ lay động được lòng người. Tôi cũng tin rằng mình đủ đời sống để không “chạy” quá xa khối cộng đồng, nên cho dù là hợp xướng nhưng nó cũng sẽ rất gần gũi với công chúng.

* Có người nói rằng, nhạc của Nguyễn Cường ít thấy những nỗi buồn thấp thoáng để gợi lòng cảm thương, ông thấy sao?

- Đối với tôi, nỗi buồn là một giá trị, tôi kính trọng nỗi buồn, nhưng tôi không xài nó.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thiên Lam Anh (TT&VH)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm