Nguyễn Thái Luyện lý giải vì sao vợ và 2 em trai không kêu oan

(PLO)- VKS "khen" Nguyễn Thái Luyện rất giỏi luật, còn Luyện trả lời VKS là “pháp luật giống nhau nhưng mọi người có cách hiểu khác nhau”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 9-12, TAND TP.HCM tiếp tục phần thẩm vấn vụ Nguyễn Thái Luyện và 22 bị cáo khác bị truy tố về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền. Do Nguyễn Thái Luyện, người điều hành “tập đoàn” Alibaba kêu oan nên HĐXX dành thời gian để VKS hỏi, làm rõ cáo buộc bị cáo được xác định là chủ mưu.

Bị cáo Luyện được dẫn vào phòng xét xử. Ảnh: H.YẾN
Bị cáo Luyện được dẫn vào phòng xét xử. Ảnh: H.YẾN

VKS xoáy vào nội dung chỉ trong vòng 1 năm từ 2016, công ty có vốn điều lệ 1 tỉ nâng lên thành 1.600 tỉ, số tiền này có thật không và lấy từ đâu. Nguyễn Thái Luyện khẳng định có thật và cho rằng lần tăng vốn thứ 3 là đáp ứng nhu cầu của đối tác.

Bị cáo nhắc lại nội dung trả lời chủ toạ, ban đầu là môi giới nên lập công ty vốn ít, sau chuyển sang làm chủ đầu tư thì vốn lên 100 tỉ. Và sau đó có cổ đông góp vốn để thực hiện dự án Tây Bắc Củ Chi nên nâng lên 1.600 tỉ đồng…

Khi VKS hỏi về đối tượng hợp đồng là đất thổ cư nhưng thực ra bị cáo chỉ có đất nông nghiệp, bị cáo Luyện phản ứng với VKS là hiểu không đúng, bị cáo bán đất có quy hoạch đất ở…

Trước những câu trả lời của Luyện, đôi khi VKS phải “khen” bị cáo là người rất giỏi luật. VKS cũng thừa nhận Luyện là một trong những bị cáo kỹ càng nhất từng câu chữ trong quá trình lấy lời khai. Còn bị cáo Luyện thừa nhận và cho rằng cuối các bản khai đều có ghi ý kiến.

Với tội lừa đảo, 2 em trai của Luyện là bị cáo Nguyễn Thái Lực, Nguyễn Thái Lĩnh và vợ là Võ Thanh Mai đều thừa nhận, riêng bị cáo kêu oan. Luyện nói: “pháp luật giống nhau nhưng mọi người có cách hiểu khác nhau. Tôi thì nhất quán và trong vụ án này tôi không có sai sót gì”.

Bị cáo Võ Thanh Mai, vợ Luyện. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bị cáo Võ Thanh Mai, vợ Luyện. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trả lời HĐXX trước đó, bị cáo Mai (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm, vợ Luyện) cho rằng cáo trạng truy tố tội rửa tiền là bị oan. Bị cáo Mai khai không chỉ đạo em chồng rút tiền, nhưng thừa nhận hành vi lừa đảo. VKS có đề cập đến một lá thư về vấn đề tình cảm cũng như có nội dung dính dáng đến việc Luyện "nếu bị bắt" giữa 2 vợ chồng, nhưng nữ bị cáo chưa đưa ra được câu trả lời hợp lý.

VKS chỉ trích câu Luyện dặn: "Nếu anh bị bắt thì bán đất đi trả tiền cho khách hàng". Trả lời VKS về việc tại sao Luyện lại biết trước việc mình bị bắt, vợ Luyện khai rằng trước đó Luyện có phát ngôn không phù hợp trên mạng khiến cơ quan chức năng mời lên làm việc. Lúc đó, Luyện nghĩ có thể mình sẽ bị khởi tố vì phát ngôn này nên dặn Mai và các nhân viên trong Công ty Alibaba rằng nếu mình bị bắt thì bán đất để trả tiền cho khách hàng.

Về số tiền 13 tỉ bị cáo buộc rửa tiền, Mai khai do công ty có nợ nên Mai rút tiền ra trả nợ. Mai đã trả cho ngân hàng 2 tỉ, còn 11 tỉ thì trả cho người quen đã góp vốn vào công ty Alibaba. VKS hỏi những người được trả nợ là ai thì câu trả lời của bị cáo này như từ lúc bị khởi tố điều tra đến giờ đều là "không thể khai tên những người nhận tiền bởi đây là chuyện riêng tư".

Theo VKS, đây là tiền thu của khách hàng nhưng Mai đã sử dụng vào việc riêng là không đúng, đây là hành vi rửa tiền như truy tố. Còn Mai cho rằng người góp vốn đã đe dọa đến sự an toàn của con và gia đình nên không thể khai ra ai đã được trả nợ.

Cũng tại phiên tòa, các bị cáo từng giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống 22 công ty con do Luyện thành lập để phục vụ việc kinh doanh của Công ty Alibaba khai "có tiếng nhưng không có miếng". Theo họ, dù được bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo ở các công ty con nhưng vẫn nhận lương bằng với nhân viên bán hàng của công ty, nếu không đạt được doanh số theo yêu cầu của Luyện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm