Vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết gây sốc thế giới không chỉ vì các chi tiết bí ẩn trong cái chết của ông mà cả vì nơi nó đã diễn ra: trong một lãnh sự quán, nơi có sự bảo vệ đặc biệt theo luật quốc tế. Vụ việc đặt ra các câu hỏi về quyền miễn trừ đã cung cấp cho các nhà ngoại giao và các cơ sở ngoại giao, và nguy cơ quyền miễn trừ này bị lạm dụng để thực hiện các hành động phi pháp và cản trở các cuộc điều tra.
Các nghi can có được miễn trừ ngoại giao?
Quyền miễn trừ ngoại giao được cấp cho các nhà ngoại giao và nhân viên lãnh sự theo luật quốc tế. Theo đó, các thành phần này được miễn bị khởi tố hình sự cũng như miễn trả thuế cho nước chủ nhà. Quyền miễn trừ này là một vấn đề quan trọng trong quan hệ quốc tế và được đề cập trong Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao và Công ước Vienna về Quan hệ lãnh sự.
Saudi Arabia đến lúc này không đòi quyền miễn trừ ngoại giao cho 18 nghi can. Trong 18 người này, Thổ Nhĩ Kỳ xác định có ba nhân viên lãnh sự và 15 nhân viên an ninh từ Saudi Arabia sang vài tiếng trước khi nhà báo Khashoggi bị giết. Theo ABC News dẫn nhận định nhiều chuyên gia luật pháp, luật miễn trừ ngoại giao khả năng sẽ không được áp dụng. Theo các công ước Vienna, không như các đại sứ hay các nhà ngoại giao cấp cao làm việc tại đại sứ quán, các nhân viên lãnh sự không có quyền miễn trừ hoàn toàn và có thể bị nước chủ nhà truy tố ra tòa nếu bị nghi ngờ liên quan đến các tội ác nghiêm trọng.
Các công ước Vienna cũng có các quy định về những hoạt động gì được phép diễn ra bên trong các lãnh sự quán và các đại sứ quán. Cao ủy Đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini gọi vụ việc nhà báo Khashoggi bị giết là “sự vi phạm gây sốc” đối với Điều 55 Công ước Vienna về Các quan hệ lãnh sự, vốn quy định các trụ sở lãnh sự “không được sử dụng trong bất kỳ hành động nào không tương thích với chức năng lãnh sự”. Tới giờ, Saudi Arabia vẫn nói việc nhà báo Khashoggi chết là tai nạn trong quá trình thẩm vấn, ẩu đả.
Bộ trưởng Tư pháp Saudi Arabia Saud al-Mojeb (đội khăn) rời đi sau cuộc gặp với trưởng công tố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 29-10. Ảnh: GETTY IMAGES
Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ không thể khám xét sớm hơn?
Mãi ngày 15-10, gần hai tuần sau khi nhà báo Khashoggi mất tích, các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ mới có thể vào khám xét lãnh sự quán Saudi Arabia. Tại sao tiến trình này không diễn ra sớm hơn? Lãnh sự quán Saudi Arabia nằm trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cảnh sát địa phương không thể vào nếu không có sự đồng ý của Saudi Arabia. Các trụ sở lãnh sự được xem là “bất khả xâm phạm” theo các công ước Vienna, và trường hợp duy nhất chính quyền địa phương có thể vào mà không cần phép là “trong trường hợp có hỏa hoạn hay các thảm họa khác cần phải có hành động khẩn cấp”.
Tuần trước, ông Erdogan yêu cầu Saudi Arabia mở cửa lãnh sự quán “ngay lập tức” và đề nghị xem xét lại các quy định quốc tế về quyền miễn trừ ngoại giao. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế nói các nước sẽ không chấp nhận thay đổi miễn trừ ngoại giao, một nguyên tắc đã được thừa nhận rộng khắp và rất hiếm khi bị vi phạm, như trường hợp phong tỏa Đại sứ quán Mỹ ở Iran.
Nước nào sẽ xét xử nghi phạm?
Câu hỏi đang được đặt ra là nước nào có quyền xét xử vụ việc? Thổ Nhĩ Kỳ hay Saudi Arabia? Có một suy nghĩ sai lầm là các đại sứ quán và lãnh sự quán nước ngoài là lãnh thổ của nước ngoài đó. Thực ra không phải thế, lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul là thuộc lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và điều này đã được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Tayyip Erdogan khẳng định tuần trước. Theo đó thì rõ ràng quyền xét xử vụ việc thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ, theo chuyên gia luật quốc tế Scott Anderson tại Viện chính sách Brookings (Mỹ) và từng là một nhà ngoại giao Mỹ.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thể khởi tố các thủ phạm giết nhà báo Khashoggi. Vì tất cả nghi can đều ở Saudi Arabia, họ chỉ có thể bị xét xử ở Thổ Nhĩ Kỳ một khi Saudi Arabia đồng ý chuyển giao. Và Saudi Arabia thì đã nói thẳng sẽ tự mình điều tra và trừng phạt những người liên quan. Còn ông Erdogan thì dù yêu cầu Saudi Arabia chuyển giao nghi can cho Thổ Nhĩ Kỳ điều tra, xét xử nhưng cũng thừa nhận “quyết định là ở họ”.
Thổ Nhĩ Kỳ - Saudi Arabia leo thang căng thẳng Cuối tuần rồi, Bộ trưởng Tư pháp Saudi Arabia Saud al-Mojeb sang Thổ Nhĩ Kỳ điều tra vụ việc. Saudi Arabia vẫn chưa công bố thông tin về nơi giấu xác nhà báo Khashoggi, dù cả Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan yêu cầu. Ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có trong tay nhiều chứng cứ hơn những gì đã công khai nhưng không vội công bố. Từ phát ngôn này có thể thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn tăng áp lực lên Saudi Arabia “một cách có phương pháp”, theo Independent. Ông Erdogan yêu cầu Saudi Arabia chuyển các nghi can cho Thổ Nhĩ Kỳ điều tra, xét xử. Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel Jubeir bác bỏ, nói Saudi Arabia sẽ xét xử các thủ phạm. Theo Fox News, yêu cầu dẫn độ của ông Erdogan là một động thái nữa tăng áp lực lên Saudi Arabia. Chuyên gia địa chính trị Trung Đông Kamran Bokhari tại ĐH Ottawa (Canada) cho rằng tới đây Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục viện tới pháp lý để thực hiện chiến lược hạ thấp Saudi Arabia. Trong khi đó, Saudi Arabia sẽ phải đảm bảo những điều Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ không ảnh hưởng đến vị thế thái tử Mohammed bin Salman. |