Nhà báo "ngoại" ở Hoàng Sa nói về những hành động phi pháp của Trung Quốc

Nhà báo "ngoại" ở Hoàng Sa nói về những hành động phi pháp của Trung Quốc ảnh 1Phóng viên Mine của Đài truyền hình Fuji tác nghiệp tại Hoàng Sa. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Mặc dù đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng hầu hết đều chia sẻ mối quan ngại sâu sắc trước hành động gây hấn của Trung Quốc. Họ cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, phía Trung Quốc nên rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam và ngồi lại để đàm phán với các bên trong thiện chí hòa bình.

Nhà báo “ngoại” ở Hoàng Sa

Từ lúc tàu CSB 2013 tiếp cận gần vị trí mà Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng biển Việt Nam, Trưởng văn phòng đại diện của Thời báo Ashhi Shimbun tại Việt Nam, anh Manabu Sasaky đã đứng hẳn lên phía boong trước của tàu. Gió từ biển phần phật thổi vào khuôn mặt đã dần xạm đen vì nắng Hoàng Sa gay gắt của nhà báo người Nhật Bản này.

9 giờ 30 phút sáng 27/5, những bóng tàu cách xa chừng chục hải lý trước mặt đã dần lờ mờ hiện ra. Sasaky đứng phắt dậy, cầm ống nhòm quan sát. Nhóm phóng viên của Đài truyền hình FUJI cũng lục tục chĩa máy quay về phía trước.

Sasaky, làm việc cho Asashi Shimbun từ năm 1996, và mới chỉ có gần 2 năm gắn bó với Việt Nam. Nhưng, trong con mắt của anh, người Việt Nam đã gây thiện cảm rất lớn bởi sự tốt bụng và tình yêu hòa bình.

Đăm đăm ngó ra nhóm tàu đang ẩn hiện ngoài chân sóng, Sasaky cho hay: “Ngay sau khi sự kiện Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôi đã tình nguyện đăng ký theo tàu Cảnh sát biển của các bạn ra biển.”

Và tới những ngày cuối tháng 5, anh đã chính thức được trực tiếp cùng nhóm tàu Việt Nam băng sóng Biển Đông. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng nhiều năm qua, một phóng viên đến từ Ashahi Shimbun ra vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ. Bởi vậy, Sasaky cảm thấy có trách nhiệm trong việc truyền tải những hình ảnh trung thực nhất về tình hình hiện tại trên biển cho độc giả Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung.

Giống Sasaky, đây cũng là lần đầu tiên Enas McKirdy, phóng viên đài CNN tới Hoàng Sa để làm tường trình. Anh cho hay: “Hiện, rất nhiều độc giả của CNN đang quan tâm tới tình hình trên vùng biển Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép.”

McKirdy cũng cho biết thêm, "với trách nhiệm của một phóng viên độc lập, tôi đã có mặt để phản ánh một cách trung thực và khách quan nhất cho tới độc giả.”

Nhà báo "ngoại" ở Hoàng Sa nói về những hành động phi pháp của Trung Quốc ảnh 2Nhà báo Sasaky: "Việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam theo tôi là rất nguy hiểm." (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Mặc dù là phóng viên của đài truyền hình Fuji (Nhật Bản), nhưng Takeshi Mine lại chỉ ra tác nghiệp tại vùng biển Hoàng Sa một mình. Bởi vậy, mỗi khi cần dẫn lời gửi về đài, Mine lại phải nhờ chính những phóng viên Việt Nam có mặt trên tàu trợ giúp. Mine cho hay, nhiệm vụ của anh là phải ghi lại những hình ảnh chính xác nhất về tình hình trên khu vực Nam Tri Tôn thuộc Việt Nam để truyền tải trung thực nhất cho người xem tại quê hương mình nắm bắt được.

Cùng với lực lượng đông đảo các nhà báo trong nước, đội ngũ nhà báo quốc tế có mặt trên các tàu Cảnh sát biển Việt Nam tại Hoàng Sa đã khiến cả thế giới có được cái nhìn chuẩn xác về những hành động vi phạm nghiêm trọng luật biển Việt Nam, Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 của Trung Quốc tại khu vực Nam Tri Tôn cũng như những nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng chấp pháp Việt Nam. 

“Trung Quốc nên rút giàn khoan”

Trầm ngâm nhìn ra mảng biển xanh biếc phía trước, Sasaky nói: “Hành động lần này của Trung Quốc đã làm dấy lên rất nhiều quan ngại trong cả cộng đồng quốc tế nói chung.”

“Việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép tại vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam theo tôi là rất nguy hiểm. Dư luận thế giới đang hết sức lên án Chính phủ nước này và có thái độ ủng hộ mạnh mẽ đối với những hành động chấp pháp trên cơ sở hòa bình hiện tại của phía các bạn,” nhà báo tới từ Nhật Bản thẳng thắn.

Anh cũng cho biết thêm, rất đông người dân Nhật Bản cũng chia sẻ với nhân dân Việt Nam những lo lắng về tình thế hiện tại, nhưng đồng thời cũng đồng tình và tin tưởng với phương pháp mà lực lượng chấp pháp Việt Nam đang thực hiện ở Hoàng Sa.

Đồng tình với quan điểm trên, nhà báo Takeshi Mine đến từ đài truyền hình Fuji đã cảm nhận rõ tình trạng căng thẳng khi tàu CSB 2013 đưa anh ra tới gần vùng biển “nóng”. Mặc dù vậy, phóng viên đại diện cho Fuji Televisions tại văn phòng Bangkok cũng nhấn mạnh: “Chính Phủ Việt Nam đã chứng minh được lập trường rõ ràng của mình với Trung Quốc nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung là giải quyết bằng phương pháp hòa bình.”

Nhà báo "ngoại" ở Hoàng Sa nói về những hành động phi pháp của Trung Quốc ảnh 3Nhiều nhà báo quốc tế sẽ mở cánh cửa nối tình hình thực tế Hoàng Sa với toàn cầu. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Trao đổi với phóng viên Vietnam+ hiện đang có mặt trên tàu Cảnh sát biển, các nhà báo tới từ nhiều quốc gia khác nhau đều có chung quan điểm: Trung Quốc phải dời giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Anh Manabu Sasaky cho biết: “Người dân Nhật Bản cũng giống người dân Việt Nam đều mong muốn một nền hòa bình ổn định và lâu dài. Hành động của Trung Quốc đã gây nên tình trạng căng thẳng trên biển. Vì vậy, theo tôi, phía Trung Quốc nên rút giàn khoan về và ngồi xuống đối thoại với các bên trên tinh thần tôn trọng và với thiện chí hòa bình.”

Còn riêng với những phóng viên như Sasaky, Mine hay McKirdy… hành động thiết thực nhất mà các anh sẽ làm là phản ánh trung thực nhất, sống động nhất… những hình ảnh tại vùng biển nóng. Đây cũng là cách tối ưu mà các nhà báo yêu hòa bình nói chung đang thực hiện để mở cánh cửa nối từ Hoàng Sa ra với cả toàn cầu./. 

Theo SƠN BÁCH (VIETNAM+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm