Sự kiện tàu cá của Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên biển Đông ngày 27-5 khiến dư luận thế giới phẫn nộ. Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định đây là hành vi khiêu khích và hăm dọa. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Itsunori Onodera, bình luận việc làm của Trung Quốc là đáng báo động và không thể tưởng tượng được.
Nhiều bài báo trên Tân Hoa Xã, Thời báo Hoàn Cầu… dẫn lời ông Tần Cương, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, phát biểu: vụ va chạm trên là kết quả của hành động khiêu khích từ phía Việt Nam. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đảo lộn sự thật khi nói tàu Việt Nam quấy nhiễu, cản trở các hoạt động hợp pháp của tàu Trung Quốc.
Tần Cương, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc
Cần nói rõ rằng tất cả các thông tin Trung Quốc đưa ra đều không có căn cứ, hình ảnh hay bất cứ bằng chứng nào để minh định. Trong khi chúng ta có đầy đủ bằng chứng bằng hình ảnh, chứng minh tàu Trung Quốc đã hung hăng rượt đuổi, áp sát, xịt vòi rồng và đâm húc vào tàu Việt nam.
Bộ ngoại giao Trung Quốc vẫn tích cực tổ chức họp báo xuyên tạc thông tin về Việt Nam. Người phát ngôn Trung Quốc khi nói về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển của Việt Nam đã đổ hoàn toàn trách nhiệm cho Việt Nam, bóp méo sự thật một cách trắng trợn rằng Việt Nam đem một lượng lớn tàu ra “quấy nhiễu”.
So sánh tương quan lực lượng giữa Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực giàn khoan trái phép Hải Dương 981, không chỉ báo chí Việt Nam mà rất nhiều hãng thông tấn, nhà báo quốc tế có mặt trực tiếp tại hiện trường ghi nhận. Trung Quốc đã bố trí hơn 100 tàu lớn nhỏ, ráp vòng nhiều lớp để cản trở tàu chấp pháp của Việt Nam thực thi nhiệm vụ.
Tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu Việt Nam. Ảnh: VOV
Thực tế, chính người dân Trung Quốc cũng nhận ra sự sai trái của chính phủ họ. Trên tờ Tân Hoa Xã, không ít ý kiến của độc giả cảm thấy xấu hổ vì sự dối trá của các thông tin phía Trung Quốc đưa ra.
Nhằm trấn an dư luận trong nước cũng như củng cố lý lẽ cho hành động sai trái của mình, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hôm 27-5 đã nói rằng "các nước không cần phải lo lắng về chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông", Bắc Kinh "vẫn đang theo đuổi việc duy trì hòa bình và ổn định" trên vùng biển này.
“Biển Đông quan trọng với Trung Quốc hơn so với các nước khác vì đây là tuyến đường huyết mạch và Trung Quốc mong muốn duy trì hòa bình ở đây", ông Lưu nói.
Trái ngược với lời nói, trên biển Đông, Trung Quốc đã tung ra 5 loại tàu quân sự gồm 9 chiếc. Theo ghi nhận của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, số liệu cụ thể là : 1- là tàu vận tại đổ bộ, lượng giãn nước 17 ngàn tấn, có 8 ống phóng tên lửa phòng không, 1 bệ phapso. 2- Tàu hộ vệ tên lửa, 3- là tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh. 4- Tàu săn ngầm. 5 - tàu khu trục tên lửa.
Tàu quân sự Trung Quốc thường xuyên mở bạt che, hướng về phía tàu Việt Nam. Ngày 25-5, Trung Quốc điều tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo ra đảo Hải Nam. Trước ý kiến các nhà phân tích quân sự rằng Trung Quốc đang tăng cường quân sự ở khu vực này, nhà ngoại giao Trung Quốc "lý sự" rằng đây là hành động cần thiết để bảo vệ "lãnh thổ".
Đỉnh điểm của sự leo thang gây căng thẳng và khiêu khích của Trung Quốc là dùng tàu số hiệu 11209 đâm chìm tàu cá Đà Nẵng, mang số hiệu ĐNa 90152 TS của Việt Nam.
Một mặt đẩy mạnh những va chạm, xung đột trên biển, một mặt dùng lời lẽ “hòa bình, ổn định” để phát biểu trên các phương tiện truyền thông, giới chức Trung Quốc đang lừa dối chính người dân của họ về chính sách đối ngoại của mình.
Phương Dung