Mấy tháng gần đây, tại TP.HCM rất dễ bắt gặp hình ảnh những dãy phòng trọ, mặt bằng ngay mặt tiền những con đường kinh doanh sầm uất hay căn hộ, nhà liền thổ treo biển tìm khách thuê.
Giá cho thuê đã giảm rất nhiều
Theo ghi nhận, những dãy phòng trọ ở gần khu công nghiệp, các công ty lớn lâu nay đều kín phòng thì gần đây lại cửa đóng then cài. Theo chủ nhà, có những khách thuê là gia đình công nhân, ở ổn định nhiều năm bỗng bất ngờ trả phòng.
Một dãy nhà liền kề treo biển cho thuê trong thời gian dài. Ảnh: MINH LONG |
Mấy tháng gần đây, dãy phòng trọ nằm sâu trong hẻm gần đường M1, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM thường xuyên treo bảng có phòng trống. Anh Dũng (làm công nhân) cho biết đã ở trọ tại khu này hơn 10 năm, giá thuê từ hồi còn vài trăm ngàn mỗi tháng giờ đã là 2,5 triệu đồng/tháng. Khu trọ luôn đắt khách, chỉ cần có người chuyển đi là có người mới đến thuê ngay. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay nhóm công nhân bị mất việc do công ty đóng cửa nên họ trả phòng về quê khá nhiều.
“Kinh tế khó khăn, lỡ mất việc thì kiếm việc làm khác rất khó nên nhiều người quyết định về quê, bởi ở lại TP mỗi ngày mở mắt ra là tốn tiền, giá cả đều tăng nên không kham nổi” - anh Dũng chia sẻ.
Tương tự, các khu phòng trọ vùng giáp ranh TP Thủ Đức, quận 12… gần Bình Dương cũng rơi vào tình cảnh đìu hiu. Bà Thanh Hà, chủ dãy trọ ngay gần Quốc lộ 1A, quận 12, có hơn 30 phòng trọ, giá cho thuê 2,5-4 triệu đồng/tháng. Gần đây, bà Hà đã phải giảm giá mỗi phòng 500.000 đồng/tháng vì thấy công nhân bị cắt giảm thu nhập, không tăng ca và mất việc nhiều.
Không chỉ phòng trọ bình dân mà cả những khu cao cấp hơn dạng căn hộ mini ở các quận trung tâm như Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh cũng... ế. Lý do là khách thuê di chuyển ra khu vực xa, có giá thuê thấp hơn để giảm áp lực tài chính.
Kể cả thị trường căn hộ cho thuê cũng trầy trật. Anh Tâm Bảo - chủ nhà rao cho thuê căn hộ ở TP Thủ Đức đã mấy tháng nay, giảm giá từ 10 triệu xuống 9 triệu đồng/tháng mà vẫn không có khách.
“Khách hỏi thuê rất ít, nhiều khách chỉ muốn ở ngắn hạn vài tháng nên tôi cũng không muốn cho thuê” - anh Bảo nói.
Ngay cả nhà liền thổ vốn là mặt hàng ít khi để trống mà nay nhiều chủ nhà cho biết họ phải rao tin cho thuê đến vài tháng mà vẫn không có ai hỏi ngoài người môi giới.
Phải chia sẻ, chấp nhận giảm giá thuê sâu hơn
Nguyên nhân thị trường nhà cho thuê ế ẩm, theo TS Lê Bá Chí Nhân - chuyên gia kinh tế là do ảnh hưởng của nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Nửa đầu năm, số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng, nhiều công ty lớn tại TP.HCM cắt giảm hàng ngàn công nhân. Công ty xuất khẩu giảm đơn hàng nên công nhân không tăng ca, thu nhập giảm. Đây cũng là nguyên nhân các phòng trọ trống ngày càng nhiều do người lao động bỏ về quê hoặc chuyển sang địa phương khác làm việc.
Bên cạnh đó, sức cầu của thị trường giảm sút, người dân lẫn doanh nghiệp đều tiết giảm chi phí, thắt lưng buộc bụng. Khi thị trường tiêu thụ giảm thì kinh doanh ngành nào cũng khó khăn, các đơn vị kinh doanh buộc thu hẹp, đóng cửa hoặc chọn mặt bằng có chi phí thấp hơn.
Theo TS Nhân, bất động sản cho thuê sẽ còn tiếp tục khó khăn trong nửa cuối năm 2023 vì nền kinh tế chung vẫn chưa tăng trưởng trở lại. Thị trường cho thuê chỉ phục hồi khi những chính sách kích cầu tiêu dùng, hạ lãi suất thẩm thấu có hiệu quả.
Ông Nguyễn Vũ, Giám đốc Trung tâm giao dịch bất động sản Căn Nhà Mới, cho rằng nhà trọ hay mặt bằng cho thuê nào thì cũng phải chia sẻ với khách thuê mới giữ chân được khách lâu dài. Khi kinh tế khó khăn, thu nhập của người thuê giảm thì cần chia sẻ, giảm tiền thuê phòng.
Còn với những căn nhà phố có thể kết hợp vừa ở vừa kinh doanh, ông Vũ cho rằng có giảm giá thuê nhưng thực sự không nhiều, chưa phù hợp với giá trị khai thác của bất động sản đó. Trong thời điểm khó khăn, chủ nhà phải chấp nhận thu tiền thuê nhà thấp hơn so với thời điểm trước để giữ chân khách thuê dài hạn, hạn chế nguy cơ bỏ trống nhà.
Đối với các khu nhà trọ, đây cũng là thời điểm thích hợp để tận dụng thời gian phòng trống, chủ nhà cho sửa chữa, tân trang lại nhà để thu hút khách trọ tốt hơn.
Quý II-2023, số người thất nghiệp tăng
Thị trường lao động Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II-2023 khoảng 1,07 triệu người, tăng 25.400 người so với quý trước và tăng 1.900 người so với cùng kỳ năm trước.
Tỉ lệ thiếu việc làm quý II tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước, lao động ở vùng Đông Nam Bộ chịu tác động nhiều nhất do là vùng tập trung nhiều khu công nghiệp quy mô lớn. Các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng đã khiến người lao động bị giảm thu nhập, hàng loạt lao động bị mất việc làm, từ đó ảnh hưởng gián tiếp đến thị trường nhà ở tại các đô thị.