Ba chị em của má tôi sở hữu chung một căn hộ chung cư (do bà ngoại để lại cho chung chưa phân chia). Nay má tôi định cho người chị bà con (ân nhân cũ) ở nhờ một năm nhưng hai dì của tôi không đồng ý vì sợ họ ở luôn không trả nhà. Vậy má tôi đại diện hai người dì ký hợp đồng cho ở nhờ được không hay phải có đủ chữ ký của cả ba người (căn nhà này lâu nay chỉ một mình má tôi ở)?
Tuấn Khanh (tuankhanhtran95_gita@yahoo.com)
Luật sư LÊ ĐĂNG LIỆU, Trưởng Văn phòng luật sư Lê Đăng Liệu (TP.HCM), trả lời: Theo Điều 153, 154 Luật Nhà ở năm 2014, việc cho mượn, cho ở nhờ nhà ở thuộc sở hữu chung được quy định như sau:
1. Việc cho mượn, cho ở nhờ nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất phải được sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu nhà ở đó; trường hợp chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần thì có quyền cho mượn, cho ở nhờ thuộc phần sở hữu của mình nhưng không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ sở hữu chung khác. Bên cho mượn nhà ở có quyền đòi lại nhà ở, bên cho ở nhờ có quyền chấm dứt việc cho ở nhờ khi chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Điều 154 của luật này và theo thỏa thuận trong hợp đồng.
2. Các chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung có thể ủy quyền cho người đại diện ký hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ nhà ở.
Tại Điều 154 luật trên quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng cho mượn, cho ở nhờ nhà ở gồm có:
1. Thời hạn cho mượn, cho ở nhờ đã hết.
2. Nhà ở cho mượn, cho ở nhờ không còn.
3. Bên mượn, bên ở nhờ nhà ở chết hoặc mất tích theo tuyên bố của tòa án.
4. Nhà ở cho mượn, cho ở nhờ có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc diện đã có quyết định giải tỏa, phá dỡ hoặc thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
5. Theo thỏa thuận của các bên.
Như vậy, căn nhà mà má bạn định cho người quen ở nhờ thuộc sở hữu chung hợp nhất của ba người nên cần phải được sự đồng ý của hai người còn lại. Trường hợp, nếu má bạn muốn đại diện ký hợp đồng cho ở nhờ trong căn nhà thuộc sở hữu chung nêu trên thì phải có sự ủy quyền của hai người dì của bạn.