LTS: Chủ trương xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch TP.HCM tại Thủ Thiêm đã được HĐND TP.HCM thông qua. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại sau khi xây xong sẽ khai thác, sử dụng nhà hát ấy thế nào cho có hiệu quả. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu ý kiến đóng góp của ông JOHNATHAN HẠNH NGUYỄN, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Liên Thái Bình Dương-IPP, người từng có ý tưởng tham gia đầu tư về dự án này.
ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Liên Thái Bình Dương-IPP. Ảnh do tác giả cung cấp
Để phát triển toàn diện cả kinh tế và xã hội, chúng ta cần song song phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và cho cả lĩnh vực tinh thần, văn hoá nghệ thuật. Thậm chí nếu làm tốt thì việc phát triển văn hoá còn là sự cộng hưởng hưởng thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Chỉ mỗi opera là chưa đủ
Có một điều chúng ta phải nhìn nhận, đó là nguồn đầu ra của dự án nếu chỉ dựa vào chương trình opera sẽ khó trang trải cho hoạt động của nhà hát. Chi phí bảo trì duy tu bảo dưỡng, trả lương cho nhân viên và chi phí tổ chức các chương trình biểu diễn nhạc giao hưởng là rất lớn...
Vậy làm sao để nhà hát có phương án khai thác vận hành mà không cần phải bù đắp bằng ngân sách nhà nước?
Từng xin được đầu tư dự án nhà hát giao hưởng và tổng hợp tại Khu đô thị Thủ Thiêm, tôi đã có những nghiên cứu nhất định về dự án này và có đôi lời chia sẻ cũng như một hiến kế để TP.HCM có thêm góc nhìn, nhằm lựa chọn phương án đầu tư tốt nhất.
Để tồn tại và phát triển, nhà hát ngoài mục tiêu phục vụ cho công chúng là người dân TP cần có thêm nguồn thu từ du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh nhà hát opera, cần có một nhà hát nghệ thuật tổng hợp để góp phần “nuôi” loại hình này. Nhà hát nghệ thuật tổng hợp sẽ là nơi trình diễn những show diễn về văn hoá Việt Nam, mời các nghệ sĩ Việt Nam tham gia vừa để nghệ sĩ tài năng có thêm nhiều cơ hội để trình diễn vừa để nuôi dưỡng và giới thiệu văn hoá Việt Nam ra thế giới.
Tuy nhiên, những show này cũng chưa đủ giữ chân người dân và du khách mà phải có thêm những chương trình biểu diễn nghệ thuật lớn mang tầm quốc tế khác như ảo thuật, múa vũ công, ca nhạc đương đại... Chi phí bán vé của nhà hát nghệ thuật tổng hợp có thể “bù lỗ” phần nào cho opera.
Theo dự tính của tôi thì cần khoảng 1 triệu khách du lịch trong và ngoài nước trong một năm mua vé xem các show này. Các hãng du lịch lữ hành cho biết, nếu TP có những show nghệ thuật hấp dẫn thì họ sẵn sàng kéo dài thời gian lưu trú của khách quốc tế thêm một hai ngày nữa để họ thưởng lãm các chương trình này. Chỉ cần du khách lưu trú thêm một hai ngày thì doanh thu từ khách du lịch của thành phố đã tăng rất lớn từ dịch vụ ăn uống ngủ nghỉ đi lại và mua sắm…
Hiện du khách đến TP chỉ tham quan số điểm nổi tiếng, chụp hình ăn uống rồi đi vì không có những thứ đủ hấp dẫn để lưu giữ họ lại lâu hơn. TP cần nhiều hơn nữa những hoạt động giải trí đa dạng đẳng cấp cho họ.
Đấu thầu hoặc hợp tác đầu tư để dự án có hiệu quả cao hơn
Tuy nhiên, doanh thu từ hai nguồn này cũng chỉ vừa vặn trang trải cho chi phí hoạt động, bảo trì bảo dưỡng nhà hát. Muốn dự án có hiệu quả cao hơn thì cần mở thêm một kênh nữa, đó là đầu tư thêm khu kinh doanh các mặt hàng đẳng cấp thường gọi là hàng hiệu và các mặt hàng lưu niệm độc đáo giá trị cao.
Đây là những dịch vụ du lịch và dịch vụ mua sắm không thể tách rời nhau và được áp dụng thành công tại các nước ở khu vực lân cận như Singapore, Hong Kong… Đồng thời, dự án còn mang lại nguồn lợi kép cho đất nước.
Ban ngày khách tham quan mua sắm, tối xem các show nghệ thuật Việt Nam hoặc quốc tế- lời giải đầu ra cho dự án nhà hát là như vậy.
Phối cảnh dự án nhà hát giao hưởng do công ty nước ngoài thiết kế cho ông Jonathan Hạnh Nguyễn khi ông xin đầu tư dự án này năm 2014. Ảnh: C.T
Để dự án nhà hát đáp ứng được các yêu cầu trên, vừa có nhà hát opera, vừa có nhà hát nghệ thuật tổng hợp lẫn trung tâm mua sắm đẳng cấp thì kinh phí 1.500 tỷ đồng, theo tôi là chưa đủ. Số tiền này chỉ đủ để đầu tư một nhà hát opera thuần tuý.
Theo phân tích sơ bộ của tôi, tổng kinh phí cho tổ hợp các công trình nêu trên cần khoảng 6.000 tỷ đồng.
Để giảm áp lực chi đầu tư ngân sách của TP và phân bổ cho các dự án khác, TP có thể xem xét huy động từ nguồn lực xã hội thông qua hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Khi đó, trước mắt TP sẽ tiết kiệm được khoản chi phí thiết kế và lập phương án đầu tư vì đây là con số không hề nhỏ.
Đối với các công trình có ý nghĩa văn hoá xã hội lớn như nhà hát opera, chi phí thi tuyển kiến trúc, lập phương án ý tưởng và tác quyền cho tác phẩm tinh hoa nhất của các nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.
Nếu TP thực hiện đấu thầu chọn nhà đầu tư cho toàn dự án, các nhà đầu tư phải có phương án thiết kế thuyết minh và trình bày để TP chọn ai làm tốt nhất. Khi có nguồn thu ổn định thì việc tổ chức các chương trình nghệ thuật miễn phí phục vụ xã hội cộng đồng mà không dùng ngân sách tại nhà hát này là hoàn toàn khả thi. Thậm chí TP có thể đưa các điều kiện này vào hồ sơ đấu thầu để buộc các nhà đầu tư phải thực hiện.
Trên thực tế, năm 2014, tôi đã từng xin đầu tư dự án, thậm chí đã thuê các công ty thiết kế của nước ngoài để lên nhiều phương án bản vẽ cho công trình nhà hát với chi phí hàng trăm ngàn đô la Mỹ.
Trong trường hợp không xã hội hoá toàn bộ dự án mà cần có sự tham gia của Nhà nước thì phương án hợp tác công tư cũng là phương án có thể thực hiện được. Từng tâm huyết đầu tư dự án này, nếu TP cho đấu thầu, tôi sẽ là người sẵn sàng tham gia.