Sáng 20-6, với 92,46% đại biểu (ĐB) có mặt tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ 1-7-2018.
Nhận tiền trong vòng 9 ngày
Giải trình về tiếp thu ý kiến ĐB, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng kế thừa các quy định về kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình tố tụng hành chính, tố tụng hình sự, đồng thời quy định người bị thiệt hại khi đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì có quyền khởi kiện tại tòa án yêu cầu giải quyết bồi thường.
Theo luật vừa được QH thông qua, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật; được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường hoặc theo thủ tục tố tụng.
Nhà nước giải quyết bồi thường sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính tại tòa án theo quy định của luật này.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) được thông qua với đa số phiếu tán thành. Ảnh: NG
Thời hiệu yêu cầu bồi thường là ba năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự.
Luật cũng quy định khá chi tiết việc chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại. Nếu hồ sơ bồi thường không có trở ngại gì thì chỉ trong vòng chín ngày làm việc, người bị thiệt hại sẽ nhận được tiền bồi thường.
Xin lỗi oan: Không cần có đơn
Phục hồi danh dự cho người bị oan là vấn đề được nhiều ĐB đề cập trong các phiên thảo luận, khi dự thảo luật vẫn tiếp cận vấn đề theo hướng chỉ khi người bị oan có đơn yêu cầu, Nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho họ; còn nếu như người bị oan không có đơn yêu cầu thì việc xin lỗi công khai và phục hồi danh dự sẽ không diễn ra.
Tuy nhiên, theo một số ĐBQH thì cần chỉnh lý điều này theo hướng là trong mọi trường hợp, sau khi có văn bản xác định là oan thì cơ quan tố tụng chủ động tổ chức xin lỗi công khai người bị oan và phục hồi danh dự cho họ, trừ trường hợp người bị oan đề nghị không tổ chức xin lỗi công khai.
Ủy ban Thường vụ QH cho biết tiếp thu ý kiến đB, dự thảo luật trình QH thông qua đã bổ sung Điều 57 quy định về chủ động phục hồi danh dự, đồng thời chỉnh lý lại các quy định ở các điều có liên quan cho phù hợp.
Hình thức phục hồi danh dự đối với người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự bao gồm trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai; đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.
Đối với các trường hợp bị buộc thôi việc trái pháp luật, bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện bằng hình thức đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.
Luật quy định việc tổ chức trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai phải tiến hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý hồ sơ hoặc trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực. Chủ thể phải tiến hành trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai là thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.
Điều 57 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) quy định trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường hoặc kể từ ngày có bản án, quyết định quy định tại Điều 55 của luật này có hiệu lực pháp luật, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người bị thiệt hại về việc Nhà nước tổ chức thực hiện phục hồi danh dự. |