Nhà nước và người dân... nỗ lực trong thu, nộp ngân sách

(PLO)- Chính phủ đã có các chính sách tài khóa kịp thời, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-5, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay năm 2021, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các chính sách tài khóa đã được điều hành chủ động, tích cực, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch.

Về quyết toán NSNN năm 2021, báo cáo thể hiện dự toán thu tăng hơn 233.000 tỉ đồng (17,2%) so với dự toán. Tỉ lệ động viên thu NSNN đạt 18,7% GDP. Chính phủ cũng đã thực hiện miễn, giảm, giãn nghĩa vụ thuế và một số khoản thu ngân sách với tổng số tiền hơn 132.000 tỉ đồng. Đáng chú ý, năm 2021, ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã chi 97.903 tỉ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, góp phần tích cực sớm kiểm soát tình hình dịch, đảm bảo an sinh xã hội…

“Tổng hợp chung, năm 2021, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hiện chi ngân sách bám sát dự toán được giao; rà soát, cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu.

Tuy vậy, báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; việc tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội còn chậm; số chuyển nguồn kinh phí sang năm sau còn lớn. Việc quản lý sử dụng kinh phí NSNN ở một số bộ, ngành, địa phương còn sai phạm; việc chấp hành thời hạn báo cáo quyết toán chưa đảm bảo quy định...

Trình bày báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 ngay sau đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán trong năm 2022 cho thấy đến ngày 31-12-2022, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN đạt 88,57%; kiến nghị xử lý khác đạt tỉ lệ 80,08%.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Các bộ, cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh trong việc đề xuất bổ sung dự toán chi thường xuyên nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài còn sai sót, chưa đảm bảo tiêu chí đề ra…

Trong phần báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nhìn nhận dù gặp nhiều khó khăn nhưng quyết toán thu NSNN đạt kết quả như trong báo cáo, ngoài lý do lập dự toán thận trọng, các khoản thu về nhà đất, chứng khoán, dầu thô tăng cao… là sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí theo đề nghị của Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm