Báo Pháp Luật TP.HCM gửi quà của bạn đọc, mong phép màu cho các nạn nhân ở cầu Phong Châu

(PLO)- Gần 20 ngày trôi qua, còn bốn nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu vẫn chưa được tìm thấy; người thân đều chưa nguôi hy vọng tìm được họ...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Báo Pháp Luật TP.HCM gửi quà của bạn đọc, cho các nạn nhân ở cầu Phong Châu

Sau chương trình hỗ trợ người dân ở Lào Cai và Yên Bái, ngày 27-9, đoàn báo Pháp Luật TP.HCM tiếp tục đến thăm, chia sẻ và gửi quà hỗ trợ của bạn đọc, nhà hảo tâm tới các gia đình nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ.

Trong sự cố sập cầu Phong Châu, tám người tử vong và mất tích. Hầu hết các nạn nhân đều thuộc tỉnh Phú Thọ, trong đó có trường hợp hai vợ chồng đều tử vong…

Hy vọng phép màu đưa con về với mẹ

Gần 20 ngày sau sự cố sập cầu Phong Châu nhưng thân nhân của người mất tích chưa một ngày nào rời khỏi khu vực này. Bởi họ luôn mong có một phép màu đưa thi thể vợ, con trở về: “Vì nằm dưới nước con sẽ lạnh lắm” - chị Đinh Thị Thịnh nói.

Hai vợ chồng chị Thịnh đều sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ, nhưng cuộc sống khó khăn nên cả gia đình rời quê lên Đắk Nông làm ăn. Lúc đó, con gái chị là em Nguyễn Hà Chi (nạn nhân trong vụ sập cầu) mới 2 tuổi.

sự cố sập cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ
Chị Đinh Thị Thịnh nhận hỗ trợ từ bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM trước sự chứng kiến của lãnh đạo Mặt trận tổ quốc xã Vạn Xuân. Ảnh: N.HINH

Học xong cấp ba, Hà Chi thi đậu vào Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng). Nhân nghỉ hè, Chi xin bố mẹ ra quê Phú Thọ để thăm người thân và dự kiến trở về Đắk Nông trước ngày 9-9. Nhưng do bão số 3, chuyến bay của Chi không thể thực hiện được, nên em lùi ngày về sang ngày 10-9.

Trước ngày về, Chi cùng bạn là em Nguyễn Thị Lan đi xe máy đến nhà người thân chơi, nhưng không ngờ cả hai gặp nạn.

Nhận được tin, chị Thịnh liền bắt xe và có mặt ở cầu Phong Châu lúc 23 giờ cùng ngày để tìm kiếm con. Mỗi khi có người thông báo tìm được thi thể trên sông chị lại mong đó là con mình. Rồi bao ngày trôi qua, bao nhiêu đợi chờ nhưng niềm hy vọng của người mẹ cứ lùi xa.

Chị Thịnh vẫn tin sẽ có phép màu: “Bởi nó đã hứa về với mẹ thì chắc chắn nó sẽ về… và tôi luôn ở đây để đón nó” - chị Thịnh nói rồi đưa tay lau giọt nước trên khóe mắt thâm quầng vì không ngủ mong ngóng tin con.

Cách đó không xa, chị Đinh Thị Niên lập vội bàn thờ con là em Nguyễn Thị Lan. Chị nói từ ngày mất con, chị không đêm nào ngủ được, giờ chỉ biết thắp hương và cầu nguyện mỗi ngày để mong sớm tìm được thi thể Lan.

sap-cau-phong-chau.jpg
Anh Hoàng Nghĩa Nhân (áo trắng bên phải) trao quà hỗ trợ của bạn đọc đến gia đình chị Đinh Thị Niên. Ảnh: N.HINH

Chị Niên kể, ngày hôm đó, chị nhận được tin cầu sập và cũng theo người dân ra xem rồi về, nhưng sau đó ít phút biết tin con gái cũng là nạn nhân. Chị không tin, bởi trước đó không lâu Lan có gọi điện và bảo chị sẽ chở bạn Hà Chi qua nhà dì, đồng thời dặn mẹ nấu cơm để phần cho cả hai, nên chị cứ đinh ninh hai em không sao.

Chúng tôi thường xuyên nắm bắt tình hình, kêu gọi các ban ngành và bà con hỗ trợ các gia đình có người mất tích để giúp đỡ, chia sẻ lúc gặp sự cố.

Cạnh đó, chính quyền địa phương cũng phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ trong công tác tìm kiếm các nạn nhân, ổn định tình hình địa phương.

Ông LƯU ĐỨC THỌ, Chủ tịch UBND xã Thụy Vân, Việt Trì

“Vậy mà gần 20 ngày qua, hôm nào tôi cũng làm cơm mà hai đứa chẳng chịu trở về…” - chị Đinh Thị Niên lạc giọng.

Cùng cảnh ngộ, ông Bùi Trung Kiên, vẫn mân mê tấm ảnh của vợ là chị Nguyễn Thị Yến trên màn hình điện thoại. Ông nói, suốt những ngày qua gia đình thuê thợ lặn tìm kiếm vợ, nhưng cuối ngày chỉ nhận được cái lắc đầu từ đội tìm kiếm. “Dù vậy cả ba cha con tôi chưa bao giờ hết hy vọng tìm được thi thể vợ…” - ông Kiên nói.

Vượt qua nỗi đau để chăm sóc con

Cũng nằm trong số gia đình có nạn nhân tử vong, nhưng chị Đào Hồng Nhung được an ủi phần nào khi tìm được thi thể chồng là anh Hà Quốc Chí chỉ sau vài ngày xảy ra vụ sập cầu. Bởi thi thể của anh vẫn còn trong chiếc xe tải, khi lực lượng chức năng thực hiện trục vớt phương tiện lên bờ.

Chị Nhung kể, trước lúc cầu Phong Châu sập, hai vợ chồng vẫn trò chuyện với nhau, nhưng do trời mưa mạng yếu nên anh hẹn lát sẽ gọi lại. Vậy mà lời hứa đó chẳng bao giờ được thực hiện, khi chiếc xe tải do anh điều khiển bị rơi xuống sông.

“Lúc nhận được tin cầu sập, lòng tôi nóng như lửa đốt, điện thoại cho chồng nhưng đầu dây vẫn im lìm. Đến cuối ngày khi xem lại video thì biết chắc chắn chồng mình là nạn nhân trong vụ sập cầu..." - chị Nhung đau xót nhớ lại.

vu-sap-cau-phong-chau-lam-8-nguoi-chet.jpg
Báo Pháp Luật TP.HCM gửi phần quà của bạn đọc đến các gia đình nạn nhân vụ sập cầu trước sự chứng kiến của lãnh đạo xã Thuỵ Vân và xã Chu Hóa (TP Việt Trì); xã Sơn Vi (huyện Lâm Thao). Ảnh: N.HINH

Sự ra đi của chồng không những mang đến nỗi buồn lớn cho chị Nhung mà còn để lại cho chị một cuộc sống đầy chông gai phía trước, khi hai con còn nhỏ và bố mẹ chồng lâu nay vẫn sống dựa vào nguồn thu nhập của vợ chồng chị.

"Tôi làm công nhân, lương chỉ 7 triệu đồng mỗi tháng, không biết có vượt qua thử thách này không. Giờ tôi chỉ mong ông trời cho sức khỏe để kiếm tiền nuôi các con và bố mẹ già" - chị Nhung chia sẻ và cho biết phần quà của bạn đọc báo rất ý nghĩa với gia đình, khi các con bắt đầu năm học mới.

Còn với anh Lương Xuân Khánh, sự cố sập cầu Phong Châu là cú sốc lớn nhất trong đời và không biết lúc nào mới nguôi ngoai. Bởi anh mất cả hai người thân là bố là ông Lương Xuân Thành và mẹ là bà Nguyễn Thị Hường.

sap-cau-phong-chau-vn-.jpg
Gia đình anh Lương Xuân Khánh nhận hỗ trợ của bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM với sự chứng kiến của lãnh đạo xã Thạch Đồng. Ảnh: N.HINH

Ngày 9-9, ông Thành chở bà Hường đi chữa bệnh. Anh Khánh mong bố mẹ sớm khỏe để vui chơi cùng các cháu, nhưng không ngờ đó là ngày cả hai rời xa thế giới này. “Hiện bố và mẹ đều được tìm thấy, chúng tôi đã làm lễ an táng cho họ, đó là niềm an ủi lớn nhất cho gia đình” - anh Khánh chia sẻ.

Cũng vừa tìm thấy thể em trai cách đây bốn ngày, anh Dương Công Anh cho biết đến gần ngày thứ 10 thì hy vọng tìm thấy thi thể anh Dương Công Chiến cứ thấp dần. Tuy nhiên, gia đình không nguôi hy vọng, tiếp tục thuê thuyền đi tìm và cuối cùng cũng thấy em trai.

sap-cau-phong-chau-vn-net.jpg
Báo Pháp Luật TP.HCM gửi hỗ trợ của bạn đọc đến gia đình nạn nhân Dương Công Minh. Ảnh: N.HINH

Sau khi an táng xong cho người thân, để động viên những gia đình chưa tìm thấy thi thể người thân, những ngày qua, anh Dương Công Anh vẫn thường ghé khu vực tìm kiếm. Hôm nay, anh cũng vừa mua ít thực phẩm nhờ người dân cạnh cầu nấu cơm cho các gia đình khác để động viên họ. “Và cầu trời cho họ tìm được người thân…” - anh Công Anh chia sẻ.

Lúc 10 giờ ngày 9-9, cầu Phong Châu sập hai nhịp khiến 3 ôtô, 6 xe máy, một xe máy điện rơi xuống sông, chỉ có ba người được cứu, tám người chết và mất tích.

Hiện bốn nạn nhân đã được tìm thấy gồm: Dương Công Chiến (43 tuổi, Hạ Hòa, Phú Thọ), Lương Xuân Thành (56 tuổi, Thanh Thủy, Phú Thọ), Nguyễn Thị Hường (48 tuổi, Thanh Thủy, Phú Thọ), Hà Quốc Chí (38 tuổi, TP Việt Trì, Phú Thọ).

Bốn nạn nhân chưa được tìm thấy gồm: Nguyễn Hà Chi (19 tuổi, quê Đắk Nông), Nguyễn Thị Lan (19 tuổi, Tam Nông, Phú Thọ), Nguyễn Thị Yến (45 tuổi, Lâm Thao, Phú Thọ),Nguyễn Thị Bích Hằng (36 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm