Dòng chia sẻ của nhà văn Triệu Xuân trên trang cá nhân. Ảnh chụp lại từ màn hình.
Trên trang cá nhân, nhà văn Triệu Xuân báo tin: "Nhà văn Vũ Hạnh vừa từ trần vào sáng sớm ngày 15-8-2021, nhằm ngày 8 tháng Bảy năm Tân Sửu, thọ 96 tuổi.
Nhà văn Vũ Hạnh - tác giả của "Bút máu", tác phẩm này được xem là tuyên ngôn nghệ thuật cho nghiệp cầm bút của nhà văn Vũ Hạnh.
Cách đây 13 năm (2008-2021), tôi có dịp trò chuyện cùng nhà văn Vũ Hạnh xung quanh tác phẩm "Bút máu".
Ông cho biết hoàn cảnh ra đời tác phẩm này: "Bút máu ra đời khi tình hình miền Nam ngày càng chìm đắm trong bầu không khí ngột ngạt.
Chính quyền Ngô Đình Diệm trong cơn say máu đã tàn sát không ghê tay những người Cộng sản và người dân yêu nước. Trong bối cảnh đó, Bút máu mượn chuyện xưa để chửi đám bồi bút Sài Gòn, qua đó cũng lên án sự giả dối, tàn bạo của chế độ nhà Ngô.
Truyện ngắn Bút máu đã tiếp thêm sức mạnh, tiếp thêm ý chí chiến đấu cho những người Cộng sản. Thậm chí những người không theo cách mạng nhưng chống Diệm cũng hoan nghênh. Chính quyền Sài Gòn thì nghi hoặc vì sau đó báo Thống Nhất ở miền Bắc đã in lại.
Sau khi Bút máu được đăng tải thì một ngày nọ, thiếu úy an ninh của quân đội ngụy là Lương Minh Đức bạn học của tôi trước Cách mạng, ở trường Chấn Thanh, Đà Nẵng –tìm tôi để cho biết rằng ngoài Bắc in lại truyện này, đồng thời cảnh cáo nếu tôi có truyện thứ hai được ở ngoài ấy đăng lại thì an ninh sẽ không để tôi yên”.
Vĩnh biệt ông - nhà văn Vũ Hạnh người đã sống, chiến đấu, sáng tác qua hai thế kỷ.
Vài nét về Nhà văn Vũ Hạnh
Ông tên thật Nguyễn Đức Dũng, sinh ngày 15-7-1926, quê quán tại Bình Nguyên, Thăng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng. Tham gia Cách mạng từ năm 1945. Sau hiệp định Paris, ông ở lại hoạt động tại nội thành Sài Gòn, đấu tranh trên mặt trận văn hóa. Ngoài ra ông còn sử dụng nhiều bút danh khác: Cô Phương Thảo, Nguyên Phủ, Minh Hữu, Hoàng Thanh Kỳ. Vũ Hạnh viết nhiều thể loại với hơn 20 tác phẩm: truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình văn học. Ngoài "Bút máu", ông còn có các tác phẩm: Người Việt cao quý (1965), mang bút hiệu một người Italia là "A.Pazzi", có nghĩa là bất di không thay đổi lập trường). Sau Hiệp định Paris được ký kết, tác giả đổi tên thành “Người Việt kỳ diệu” cũng của A.Pazzi mà Vũ Hạnh làm “dịch giả”. Đọc lại Truyện Kiều (1966), Tìm hiểu văn nghệ (1970)... Ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm 2007. |