Nhận diện các thách thức với kinh tế thế giới trong năm 2025

(PLO)- Các chuyên gia nhận định tình hình tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và cả thế giới trong năm 2025 có thể sẽ kém lạc quan hơn, trong bối cảnh thế giới đã, đang và sẽ trải qua một loạt thách thức.

Bức tranh tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nói riêng có thể khó khăn hơn vào năm 2025, hãng thông tấn Anadolu dẫn dự báo từ nhiều chuyên gia kinh tế.

Điều này được cho là do các nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt một loạt thách thức như xung đột ở Ukraine và Trung Đông, bế tắc chính trị ở Đức và Pháp, cũng như tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Song trên hết, các chuyên gia nhận định trọng tâm thách thức trong năm 2025 sẽ là việc liệu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có ban hành thuế nhập khẩu và gây ra một cuộc chiến thương mại mới hay không. Nguy cơ của một đợt tăng lạm phát mới và tình trạng suy thoái toàn cầu từ chính sách áp thuế tiềm tàng của ông Trump dự kiến sẽ bao trùm viễn cảnh 2025.

Điểm sáng về lạm phát

Sau một khoảng thời gian dài tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát, các nước đã bắt đầu có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên việc nới lỏng này được cho là sẽ hạn chế và sẽ được tiến hành cẩn trọng trong năm tới.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hạ lãi suất cơ bản thêm 0,25% trong cuộc họp vào ngày 19-12, đưa biên độ lãi suất cho vay xuống còn 4,25% - 4,5%, tương đương mức ở thời điểm tháng 12-2022.

Đây là lần cắt giảm thứ ba liên tiếp trong năm 2024, nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định trong bối cảnh lạm phát giảm, song vẫn cao hơn mục tiêu 2%.

Một nhà giao dịch đang làm việc tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ). Ảnh: AFP

Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong năm 2024 cũng đã 4 lần cắt giảm lãi suất. Gần đây nhất, ECB đã cắt giảm lãi suất cơ bản thêm 0,25 % vào hôm 14-12, hạ lãi suất tiền gửi xuống mức 3%, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cho vay xuống lần lượt là 3,15% và 3,4%.

Quyết định này cũng nhằm đối phó với tình trạng tăng trưởng kinh tế yếu và rủi ro bất ổn gia tăng, trong bối cảnh áp lực lạm phát đang giảm dần.

Ông Ahmet Ihsan Kaya - nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NIESR - Anh) - nói với Anadolu rằng lạm phát ở các nước phát triển dự kiến ​​sẽ vẫn được kiểm soát vào năm 2025 nếu lãi suất vẫn được giảm đều như trên.

Ông Kaya dự báo FED sẽ cắt giảm lãi suất chính sách xuống mức từ 3,25%-3,5% và ECB sẽ giảm lãi suất chính sách xuống 2,25% vào cuối năm 2025 nếu các điều kiện vẫn được duy trì ổn định.

Nguy cơ đối với thương mại quốc tế

Các nhà kinh tế cho rằng nếu ông Trump tăng thuế quan như ông từng cảnh báo rằng sẽ áp đặt ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1-2025 thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2025 có thể bị ảnh hưởng đáng kể.

"Chúng tôi thấy tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ chậm lại nhẹ, xuống còn 2,6% vào năm tới từ mức 2,8% vào năm 2024" - ông Brian Coulton, nhà kinh tế trưởng tại tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings có trụ sở tại Mỹ, nói với Anadolu.

Ông Kaya cũng cho rằng rủi ro đáng kể nhất đối với thương mại quốc tế và tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ là chính sách thương mại bảo hộ của Tổng thống đắc cử Trump.

“Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tăng trưởng toàn cầu có thể thấp hơn khoảng 1% nếu mức thuế quan của ông Trump được thực hiện rộng rãi, và dự báo tăng trưởng toàn cầu của chúng tôi cho năm tới là 3,2%” - ông Kaya nói.

Dòng người đang đi qua Cầu London tại khu tài chính của TP London (Anh). Ảnh: EPA-EFE

Tăng trưởng của các nước lớn

Ông Coulton cũng cho biết rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ dự kiến ​​sẽ tiếp tục chậm lại vào năm tới và xuất khẩu sang Trung Quốc cũng có thể giảm tốc. Mỹ cũng sẽ phải đối mặt nhiều nguy cơ cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Ông Coulton lưu ý rằng mức thuế quan thực tế mà Mỹ sẽ áp đặt có thể vượt quá 5%. Ông cũng cảnh báo rằng hành động trả đũa từ Trung Quốc, châu Âu và các đối tác thương mại khác có thể gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế của Mỹ, đồng thời làm gia tăng áp lực lạm phát trên toàn cầu.

“Việc siết chặt nhập cư cũng có thể làm tăng áp lực lạm phát ở Mỹ khi làm giảm tăng trưởng nguồn cung lao động, điều này có thể dẫn đến lộ trình cắt giảm lãi suất của FED sẽ nông hơn so với dự kiến” - ông Coulton nói.

Khu vực đồng euro có khả năng sẽ có sự phục hồi nhẹ về chi tiêu của người tiêu dùng vào năm 2025 do tiền lương thực tế tăng, mặc dù sự phục hồi này có thể yếu hơn dự kiến. Tuy nhiên EU sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn hơn, trong đó có nợ công.

Theo ông Kaya, việc giảm gánh nặng nợ đòi hỏi EU phải có sự củng cố tài chính mạnh mẽ. Song ông lưu ý rằng việc EU khuyến khích các quốc gia tăng tiết kiệm khu vực công và tăng thuế đã dẫn đến phản ứng và bất ổn xã hội, trích dẫn tình hình bất ổn chính trị ở Pháp như một ví dụ cụ thể, theo Anadolu.

Ngoài ra, những cảnh báo áp thuế từ phía ông Trump cũng sẽ có tác động tới tăng trưởng kinh tế của EU. "Giả định Mỹ sẽ áp dụng mức tăng thuế quan trên diện rộng cũng ảnh hưởng đến dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng euro, đặc biệt là đối với Đức” - ông Coulton nhấn mạnh.

Người dân đi bộ trên một con đường ở khu thương mại trung tâm của Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: EPA-EFE

Tương tự, nếu thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc tăng mạnh, dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2025 và 2026 chắn chắc sẽ giảm. Tuy nhiên, ông Coulton cho biết vẫn còn kỳ vọng rằng chính sách tài khóa của Trung Quốc sẽ được nới lỏng mạnh mẽ hơn để giảm bớt tác động của việc tăng thuế quan của Mỹ đối với nền kinh tế.

Sẵn sàng cho bất ổn

Trong buổi họp báo sau cuộc họp cuối năm của ECB hôm 14-12, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhận định sẽ có "nhiều bất ổn" vào năm 2025, theo Reuters.

Vẫn chưa ai đoán được liệu ông Trump sẽ áp dụng mức thuế quan 10-20% đối với tất cả hàng nhập khẩu, tăng lên 60% đối với hàng hóa Trung Quốc hay liệu những lời đe dọa đó chỉ là nước cờ mở đầu trong một cuộc đàm phán. Nếu ông Trump thực hiện, đâu là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, ai sẽ trả đũa và tác động của việc áp thuế sẽ như thế nào?

Đối với nhiều nền kinh tế khác, viễn cảnh các chính sách của ông Trump cùng FED khiến USD mạnh hơn là một viễn cảnh xấu. USD mạnh hơn sẽ hút hết đầu tư khỏi các quốc gia này và khiến khoản nợ bằng USD của Mỹ trở nên lớn hơn.

Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách và thị trường tài chính đang trông cậy vào khả năng nền kinh tế toàn cầu có thể tự vượt qua tất cả những điều này và các ngân hàng trung ương sẽ hoàn tất việc đưa lãi suất trở lại mức bình thường.

Nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất, các quốc gia cần phải "sẵn sàng cho những bất ổn sắp tới".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới