Năm 2024 chứng kiến những biến động lớn trên chính trường toàn cầu, từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cho đến những xáo trộn chính trị nghiêm trọng ở hàng loạt nước như Hàn Quốc, Đức và Pháp. Theo đó, năm 2025 dự báo sẽ tiếp tục là một năm đầy bất ổn ở bức tranh địa chính trị toàn cầu, với những diễn biến khó lường mà giới quan sát khó có thể dự đoán chính xác.
Biến chuyển lớn 2024
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thu hút sự quan tâm đặc biệt khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố không tái tranh cử, chuyển giao vai trò ứng cử viên đảng Dân chủ cho Phó Tổng thống Kamala Harris. Cuộc đua giữa bà Harris và cựu Tổng thống Donald Trump, đại diện đảng Cộng hòa, diễn ra quyết liệt với sự cạnh tranh khốc liệt tại các bang chiến trường.
Đến cuối cùng, ông Trump giành chiến thắng và trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ. Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện. Chiến thắng này không chỉ đánh dấu sự trở lại của ông Trump mà còn làm thay đổi cục diện chính trị Mỹ.
Trong khi đó, tại Syria, ngày 8-12, lực lượng đối lập do tổ chức Hayat Tahrir al-Sham dẫn đầu đã tiến vào thủ đô Damascus và tuyên bố lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Trước khi kiểm soát Damascus, trong chỉ hơn một tuần phát động chiến dịch phản công, phe đối lập kiểm soát hàng loạt thành phố lớn như Aleppo, Hama, và Homs. Sự kiện này chấm dứt 25 năm cầm quyền của ông al-Assad, được xem là một bước ngoặt lớn tại Trung Đông, làm thay đổi đáng kể bản đồ chính trị khu vực, theo đài CNN.
Chính trường Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng khi Tổng thống Yoon Suk-yeol bất ngờ ban bố thiết quân luật vào ngày 3-12, cáo buộc phe đối lập âm mưu nổi loạn. Dù tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ ngay 6 tiếng sau đó, sự kiện này đã làm bùng nổ làn sóng biểu tình rộng khắp, đồng thời dẫn đến nghị quyết luận tội tổng thống. Vụ việc hiện chờ phán quyết từ Tòa án Hiến pháp, trong khi Tổng thống Yoon đối mặt với áp lực lớn từ cả phe đối lập lẫn dư luận trong nước, theo hãng thông tấn Yonhap.
Tại châu Âu, nước Đức chứng kiến sự sụp đổ của chính phủ do Thủ tướng Olaf Scholz lãnh đạo sau khi thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 16-12. Nguyên nhân chính đến từ tranh cãi trong nội bộ liên minh "Đèn giao thông" liên quan vấn đề ngân sách, từ đó làm tan rã thế đa số của chính phủ.
Trong khi đó, tại Pháp, chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier cũng tan rã sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 4-12. Tổng thống Emmanuel Macron buộc phải bổ nhiệm ông Francois Bayrou làm thủ tướng mới, nhưng tình trạng quốc hội treo tiếp tục đặt ra thách thức lớn cho việc điều hành đất nước, theo hãng tin Reuters.
Những biến động lớn trong năm 2024 không chỉ làm thay đổi trật tự chính trị ở các khu vực mà còn được dự báo sẽ có những ảnh hưởng sâu rộng đến cục diện thế giới. Từ Mỹ đến Trung Đông, châu Âu, châu Á, các sự kiện này dự kiến sẽ tiếp tục là tâm điểm của dư luận và chính trị toàn cầu trong năm tới.
Năm 2025 có thể sẽ là một năm đầy thử thách đối với chính trị toàn cầu, khi các quốc gia phải đối mặt với những quyết định khó khăn trong bối cảnh bất ổn gia tăng và các vấn đề toàn cầu ngày càng phức tạp.
Viễn cảnh 2025
Theo tổ chức nghiên cứu Chatham House (chathamhouse.org), cuộc bầu cử Mỹ thực tế đã hoàn tất, mối quan tâm của dư luận quốc tế đối với quốc gia này năm 2025 sẽ chuyển sang các quyết sách đối ngoại của ông Trump đối với các vấn đề quốc tế nóng hổi, như chiến sự Nga-Ukraine hay quan hệ với Trung Quốc.
Với Nga, ông Trump có thể thúc đẩy một thỏa thuận "đổi đất lấy hòa bình" cho Ukraine hoặc tìm cách tái thiết lập quan hệ Mỹ-Nga bằng các cuộc đàm phán về an ninh châu Âu và kiểm soát vũ khí. Với Trung Quốc, ông Trump phải cân nhắc giữa việc tăng thuế nhập khẩu hoặc tìm kiếm một thỏa thuận lớn, chẳng hạn giảm cam kết với Đài Loan để đổi lấy việc Trung Quốc đóng vai trò nhiều hơn trong giải quyết xung đột Ukraine.
Các kế hoạch này, nếu thành công, có thể tạm thời giảm căng thẳng giữa ba cường quốc nhưng sẽ đi kèm rủi ro cao, trong đó phải kể đến những làn sóng bất mãn trong nước và ngay cả chính đảng của ông này.
Về cục diện ở Syria, theo ông Sanam Vakil - GĐ Chương trình Trung Đông và Bắc Phi của Chatham House, tương lai chính trị của nước này trong năm tới vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Việc ông al-Assad bị lật đổ làm suy yếu Iran và các đồng minh trong khu vực, song cũng đặt ra nguy cơ gia tăng xung đột nếu thiếu các tiến trình ngoại giao phối hợp. Bên cạnh kỳ vọng việc nội chiến ở Syria kết thúc sẽ giúp thúc đẩy ổn định, các diễn biến sắp tới ở đất nước này cũng có nguy cơ làm trầm trọng thêm những bất ổn vốn đã dai dẳng ở Trung Đông.
Tình hình chính trị tại Hàn Quốc, Đức và Pháp vẫn đang chờ các diễn biến tiếp theo. Tại Hàn Quốc, Tòa án Hiến pháp chỉ còn 6/9 thành viên, cần bổ sung thêm ba thành viên nữa để bắt đầu điều trần về nghị quyết luận tội Tổng thống Yoon.
Bên cạnh đó, Đức dự kiến sẽ tổ chức bầu cử chính phủ mới vào ngày 23-2-2025, trong khi chính phủ hiện tại của Pháp đang hết sức nỗ lực để vượt qua các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội và thông qua ngân sách cho năm sau.
2025 - năm của những câu hỏi
Nếu 2024 là năm của các cuộc bầu cử, thì 2025 sẽ là năm của những câu hỏi lớn, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (IMF).
Năm 2025, các chính phủ trên toàn thế giới đối mặt với áp lực phải ứng phó nhanh chóng trước những thách thức ngày càng nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, an ninh, môi trường và công nghệ. Điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo không chỉ tập trung xử lý các vấn đề cụ thể, mà còn phải hướng tới việc xây dựng một khuôn khổ toàn cầu mới. Mục tiêu là thay thế sự bất ổn về an ninh và kinh tế hiện tại bằng một hệ thống thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng bền vững.
Theo IMF, trong năm tới, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phải đối mặt 5 câu hỏi quan trọng:
Một, làm thế nào để tăng cường an ninh trong bối cảnh trật tự toàn cầu đang bị phân mảnh?
Hai, liệu các quốc gia có thể bảo vệ độc lập mà không từ bỏ hợp tác trong các vấn đề toàn cầu?
Ba, làm thế nào để khôi phục và cải tổ thương mại song song quá trình toàn cầu hóa kinh tế?
Bốn, làm thế nào để đảm bảo tiến bộ công nghệ không chỉ tập trung vào một số quốc gia, mà được chia sẻ rộng rãi, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, từ các quốc gia phát triển đến các quốc gia đang phát triển?
Năm, liệu các giải pháp năng lượng mới có thể thúc đẩy tiến bộ trong ứng phó với biến đổi khí hậu?
Những câu trả lời không nhất thiết phải giống nhau, nhưng nếu chúng không hòa hợp, các vấn đề mà thế giới đang đối mặt sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Trong bối cảnh đầy rẫy sự mâu thuẫn và quan điểm trái ngược, việc tìm kiếm sự đồng điệu là điều quan trọng hơn bao giờ hết.