Nhãn lồng Hưng Yên được vinh danh

Đây là sản vật thứ 49 trên cả nước được công nhận chỉ dẫn địa lý. Nhãn các vùng khác sẽ không được mạo nhận tên Hưng Yên. Đây là lần đầu tiên có chỉ dẫn địa lý cho nhãn. Trước đó, nhiều loại vải thiều, bưởi, cam, gạo... được bảo hộ.

Việc công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý có thể giúp nông sản có giá trị hơn, được bảo vệ tên tuổi tốt hơn khi đưa ra thị trường nội địa, nước ngoài.

Nhãn lồng Hưng Yên nổi tiếng từ lâu. Dân gian tương truyền rằng có một vị quan đi tuần qua đúng mùa nhãn chín, ngài nếm thấy hương vị đạm đà khó quên, biết đây là sản vật quý, ngài bèn đem tiến vua, từ đó nhãn lồng còn được gọi tên khác là nhãn tiến vua.

Để được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản vật phải có các điểm đặc trưng mà sản vật cùng loại ở vùng khác không thể có được. Nhãn lồng Hưng Yên có đặc trưng về hương vị, mùi thơm tinh khiết và dịu mát, cùi quả dày, ráo nước, màu trắng trong, giòn, vị ngọt đậm. Quả nhãn tròn, vỏ quả màu nâu sẫm. (Xem hình).


Nhận biết  nhãn lồng Hưng Yên, loại nhãn nổi tiếng vừa được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Cục Sở hữu trí tuệ

Sở dĩ nhãn vùng khác không thể có hương vị như nhãn Hưng Yên là vì vùng đất Hưng Yên, cụ thể là TP Hưng Yên, huyện Khoái Châu, huyện Tiên Lữ, huyện Kim Động (tỉnh Hưng Yên) có đặc trưng riêng, vùng cao thấp xen kẽ nhau như làn sóng. Do nằm dọc theo sông Hồng và sông Luộc nên đất đai màu mỡ, phần đất cao xen với những ô đất trũng thường xuyên bị ngập nước tạo thành các dải, các khu.

Đặc biệt, kinh nghiệm và bí quyết canh tác nhãn tại Hưng Yên cũng giúp nhãn vùng này trở nên khác biệt. Người dân chủ động diệt lộc đông, khoanh cành, cuốc đất xung quanh tán và chủ động nuôi ong mật.

Ngoài ra, tính đến nay đã có sáu chỉ dẫn địa lý nước ngoài được công nhận tại Việt Nam, gần đây nhất là tiêu Kampot và đường thốt nốt Kampong Speu của Campuchia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới