Nhiều ý kiến góp ý về việc xây dựng thương hiệu gạo, đầu tư công nghệ cao cho sản xuất nông sản thế mạnh được đưa ra tại "Hội thảo Phát huy tiềm năng và lợi thế của tỉnh Long An nằm trong Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2016" tổ chức ngày 16-9.
PGS Võ Công Thành, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết gạo Nàng Thơm Chợ Đào là một loại gạo đặc sản nổi tiếng của tỉnh Long An, nhưng thương hiệu của loại gạo này đang xuống cấp về chất lượng như: gạo không thơm, cứng... nguy cơ mất thương hiệu của tỉnh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo PGS Thành, bình quân nông dân trồng 1ha lúa Nàng Thơm Chợ Đào sẽ thu được từ 35 - 40 triệu đồng/ha so với các giống lúa thơm khác là thu nhập đạt gấp đôi, gấp ba.
Chính vì vậy, tỉnh Long An cần có chính sách phục tráng được giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào đạt chất lượng thơm, dẻo, xây dựng thương hiệu gạo cho địa phương, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.
Bên cạnh đó tỉnh phải nhanh chóng xây dựng chỉ dẫn địa lý gia tăng cạnh trạnh cho loại gạo đặc sản này trên thị trường quốc tế.
Ngành nông nghiệp cần xây dựng thương hiệu, đầu tư công nghệ cao bảo vệ môi trường
Một vấn đề phát huy thế mạnh của Long An được các diễn giả đề cập là đầu tư công nghệ cao vào các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh ngoài gạo còn có: thanh long, rau quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm phải theo hướng bảo vệ môi trường.
Theo các chuyên gia, Long An đứng đầu các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long trong thu hút vốn đầu tư, đặc biệt thu hút đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế này góp phần giúp Long An duy trì tốc độ phát triển GDP trên 12 %/năm gần gấp đôi so với mức tăng trưởng kinh tế của cả nước. Đưa kinh tế Long An từ tỉnh thuần nông sang tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp.
Tuy nhiên, một số dự án đầu tư vào Long An vẫn nằm trong nhóm “kinh tế nâu” tiềm năng sẽ gây ô nhiễm lớn, điều này ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của tỉnh hiện tại và tương lai. Vì vậy cần chọn lọc những nhà đầu tư công nghệ cao, phát triển xanh vừa tận dụng được lợi thế địa phương vừa thân thiện môi trường.