Theo UBND tỉnh Quảng Nam, sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, có tên khoa học là Panax vietnamensis Haet Grushv, thuộc họ nhân sâm (Araliaceae). Cả thế giới chỉ có nước Việt Nam và cả nước chỉ có hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum là có loài sâm này.
Được biết việc xây dựng chỉ dẫn địa lý sâm “Ngọc Linh” xuất phát từ đề xuất của Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam trước yêu cầu cấp thiết phải bảo tồn và phát triển giống sâm này. Đặc biệt là nhằm gìn giữ và phát huy giá trị đặc trưng của nguồn gen quý hiếm thông qua việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh trên thị trường trong và ngoài nước.
Người dân bảo vệ và trồng cây sâm Ngọc Linh. Ảnh: HT
Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum đã có đơn xin đăng ký chỉ dẫn địa lý gửi Cục Sở hữu trí tuệ. Hiện cục này đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ của cả hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, có giá trị vô thời hạn.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030 với tổng diện tích quy hoạch 15.568 ha. Trong đó, diện tích có khả năng trồng sâm là 12.494 ha.
Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay việc thông báo chỉ dẫn địa lý cho Ngọc Linh là việc làm vô cùng ý nghĩa.
“Đây là tài sản thương mại có giá trị, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và quốc gia. Do đó việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát tốt đối với tài sản này, khai thác, thương mại hóa các chỉ dẫn địa lý sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, lâu dài và bền vững” - ông Thanh nói.