Theo thời gian, nhiều người đã có hiểu biết sâu sắc về sâm Ngọc Linh, trong đó có những người sở hữu khối tài sản lớn về loài sâm chỉ có ở Việt Nam này, đồng thời biến chúng thành một thú chơi - sưu tập cao cấp giàu tính nghệ thuật. Chơi sành sỏi, đầy đam mê, tích trữ nhiều.
Cúng thần rừng trước khi vào vùng đất của sâm quý. Người mặc áo trắng là dược sĩ Đào Kim Long - người tìm ra sâm Ngọc Linh năm 1973.
Những người mê “Nam Việt Tiên Sâm” hiện đã kết nối với nhau thành Hội chơi sâm Ngọc Linh với niềm tin mạnh mẽ “quý vật tầm quý nhân” cũng như “phước duyên” trong đời họ về việc gặp được loại bảo vật này. Có thể kể tên những người sưu tập sâm sừng sỏ hiện nay như anh Sơn “rắn” ở Hóc Môn (TPHCM), lương y Phùng Tuấn Giang ở nhà thuốc gia truyền Thọ Xuân Đường (Hà Nội)... Không chỉ là niềm tự hào riêng của ngành thực vật dược liệu Việt Nam, những kiểm định từ thực tế đã cho thấy, sâm Ngọc Linh có hàm lượng Saponin cao gấp 3 lần sâm Triều Tiên, hơn gấp 2 lần sâm Trung Quốc và sâm Mỹ. Không những thế, nhóm Ocotilol - M-R2 (Majonosid R2) chiếm tới hơn 50% hàm lượng Saponin toàn phần của sâm Ngọc Linh mà các loại sâm khác không có. Đây là đặc trưng riêng, đồng thời với thành phần đặc biệt này đã khiến sâm Ngọc Linh có tác dụng chữa bệnh vô cùng đa dạng và quý hơn các loài sâm khác.
Đặt chông trong vườn sâm để đề phòng sự phá hoại của thú rừng. |
Anh Nguyễn Thanh Tuyền, hiện là lãnh đạo một đơn vị của Mobifone đồng thời là một người sưu tập sâm, kể: “Khoảng năm 2007, tôi có được củ sâm đầu tiên. Vốn là người chơi đá tự nhiên nên tôi để ý tới hình dáng lạ lùng của loài cây đặc sản đặc hữu này. Có những củ sâm đẹp đến nỗi, 4 năm về trước tôi đã cho đúc để giữ lại hình dáng của nó bằng công nghệ 3D, riêng tiền đúc đã mất 15 triệu đồng. Khi có điều kiện tiếp xúc được nhiều sâm tốt, tôi gửi đi kiểm định xem có đủ thành phần và hàm lượng cao hay không, tốt thì giữ cho mình, không tốt thì trả lại.
Chơi sâm có thể chơi theo hình dạng củ, chơi theo lá. Lá có thể ngâm, có thể làm tiêu bản. Có những cây sâm còn nguyên hoa lá, thả trong bình rượu thủy tinh quá đẹp khiến tôi từng ngồi ngắm mãi không chán. Đến khi màu xanh diệp lục của lá bạc đi, tôi lại thấy cây sâm có vẻ đẹp khác, vừa mơ màng vừa lung linh huyền ảo. Tôi cũng có thể ngồi trước một củ sâm để chiêm ngưỡng qua nhiều giờ với nhiều góc độ khác nhau. Nhìn ngắm nó, những mệt mỏi đời thường của tôi được xua tan. Những lúc dùng sâm giúp đỡ được cho ai đó khỏi bệnh hoặc khỏe mạnh, tôi thấy niềm vui của mình như được nhân lên gấp nhiều lần”.
Cuối tháng 4-2012, anh Tuyền đi cùng dược sĩ Đào Kim Long - người tìm ra sâm Ngọc Linh năm 1973 - lên vùng trồng sâm, anh gọi chuyến đi này là một “nhân duyên lớn”. Được sự chấp thuận của lãnh đạo tỉnh Kon Tum, mọi người đã vượt qua những cung đường nguy hiểm để đến núi Ngọc Linh thăm vương quốc của sâm. Vườn sâm trồng và chăm sóc dưới tán rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt, công nhân phải đặt cả chông và bẫy để tránh sự phá hoại của thú rừng. Khách quý đến thăm sâm phải di chuyển 1 kèm 1 để tránh bị thương. Mỗi năm, 1 cây sâm Ngọc Linh trưởng thành (từ 5-6 tuổi) chỉ lên 1 thân chia làm 5 nhánh lá tỏa tròn và 1 nhánh hoa thẳng đứng, cuối mùa thân cây sẽ tự gãy và lộ ra 1 mắt sâm. Vì vậy, để biết tuổi sâm, chỉ cần đếm số mắt của các củ sâm là đủ. Sau chuyến đi này, anh còn vài chuyến đi khác nữa đến những nơi trồng sâm cheo leo hiểm trở của đồng bào thiểu số, mà trước khi vào vùng sâm mọi người đều phải thực hiện lễ nghi thắp hương cúng thần rừng. Tại những vườn sâm đồng bào trồng giữa rừng đại ngàn heo hút ấy, luôn có 2-3 người đàn ông túc trực hằng ngày vừa để chăm trồng cẩn thận, vừa để đề phòng lòng tham của kẻ gian.
Những bình sâm đẹp của anh Nguyễn Thanh Tuyền. |
Ban đầu bị thu hút bởi công dụng của loài sâm quý, thế nhưng người càng chơi sâu lại càng đam mê bởi hình dáng đặc biệt của chúng. Đến nay, hễ cứ nghe tin ai sở hữu củ sâm nào đẹp và lâu năm, thành viên Hội chơi sâm đều cố gắng tìm đến và mua sưu tập. “Sâm Ngọc Linh không chỉ quý ở công dụng, mà đối với tôi nó còn là một tác phẩm nghệ thuật mà tạo hóa đã ban tặng” - anh Tuyền nói.
Đường lên “vương quốc sâm”. |
Sau nhiều năm gắn bó, Hội chơi sâm đã sưu tập được nhiều củ sâm Ngọc Linh đẹp, lạ và “khủng”. Có củ sâm nặng tới 2kg, có củ mang hình dạng của một con rồng, có củ dài gần trăm đốt, tức là đã gần 100 năm tuổi. “Gần 10 năm nay, số lượng Sâm Ngọc Linh mà nhóm anh em chúng tôi thu mua và sưu tập được khoảng gần 5.000 củ, với giá thành hàng chục tỉ đồng. Tất nhiên trong số này, những củ sâm đẹp và độc đáo chỉ được vài chục củ. Những củ sâm Ngọc Linh ấy chúng tôi chỉ trao đổi giữa anh em chơi sâm với nhau để giao lưu chứ không mua bán. Chúng tôi coi đây là tài sản quý của quốc gia nên mong muốn gìn giữ nguyên chủng, lâu dài cho con cháu sau này và tạo được một cộng đồng những người yêu sâm và bảo tồn sâm Ngọc Linh - loại Nhân Sâm hàng đầu thế giới” - anh Tuyền nói.
Đề án phát triển cây sâm Ngọc Linh hiện đã được thông qua. Theo đó, đây là cây đặc sản quốc gia, thuộc địa bàn 15 xã của 3 huyện nghèo Nam Trà My (Quảng Nam), Đăkglei và Tumơrông (Kon Tum); vùng đại ngàn Ngọc Linh sẽ trở thành thủ phủ sâm quốc gia, dự kiến năm 2025 Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm đứng thứ hai thế giới (sau Hàn Quốc), với sản lượng 500-1.000 tấn, cho nguồn thu từ 1,5-2 tỉ USD mỗi năm… Nhiều người đã có công trạng không nhỏ để loại danh thảo số 1 này phát triển, trong đó có các thành viên của Hội chơi sâm Ngọc Linh.
TheoNGUYỄN HUY MINH (Lao Động)