Tại hội thảo với chủ đề "Đón đầu cơ hội từ dòng vốn mới" được tổ chức sáng 24-8, tại TP.HCM, ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các tập đoàn đa quốc gia ngày càng đầu tư mạnh mẽ vào khu vực phía Bắc vì đây là vùng địa chất tốt và ổn định nên hỗ trợ rất tốt cho các nhà máy sản xuất công nghệ chính xác.
Một lợi thế quan trọng khác là gần Trung Quốc, vì dễ dàng tận dụng chuỗi cung ứng từ nước này với vị trí địa lý gần và đa phương tiện vận chuyển với chi phí hợp lý và vận chuyển nhanh. Ngoài ra, lực lượng lao động khu vực phía Bắc đông hơn phía Nam và tận dụng được ngay nguồn lao động tại chỗ.
"Đây là những lý do quan trọng khiến cho các tập đoàn đa quốc gia lớn chọn khu vực phía Bắc đầu tư ngày càng nhiều trong vòng 10 năm qua" - ông Sử nói.
Theo ông Sử, hiện nay, ngoài từ "đại bàng" chỉ các tập đoàn đa quốc gia lớn thì có thêm thuật ngữ là hút "ong chúa". Vì ong chúa đi đến đâu thì sẽ hút ong thợ đi theo. Điều này có nghĩa rằng, một tập đoàn lớn qua đầu tư tại Việt Nam sẽ kéo theo hàng chục nhà cung cấp.
Và sau nhiều năm phát triển, họ cũng xây dựng các nhà cung cấp nội địa đưa vào chuỗi cung ứng của họ.
Do đó họ đòi hỏi diện tích đất lớn lên đến hàng trăm héc ta, mà hiện chỉ có khu vực phía Bắc đủ sức đáp ứng diện tích lớn cũng như chi phí thuê hợp lý. Hiện các cơ quan quản lý đang có chính sách thực thi chiến lược này làm sao xây dựng bệ đỡ tốt nhất đón đại bàng.
Ông Đào Xuân Đức, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) chia sẻ. Video: Phương Minh |
Theo ông Đào Xuân Đức, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA), hiện TP.HCM khó thu hút các tập đoàn lớn do diện tích đất hàng trăm héc ta gần như không có. TP chỉ đủ sức cung ứng lượng diện tích đất thuê xây dựng nhà máy thấp hơn rất nhiều, chưa kể giá thuê đất cũng đang rất cao khiến chi phí của nhà đầu tư cũng bị đội lên.
Điều này đã dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư lớn phải dịch chuyển đầu tư sang các tỉnh thành khác hoặc ra phía Bắc đầu tư.