Ra mắt các 'ông lớn' dầu khí Mỹ, Pháp, Nhật Bản đầu tư tại Bình Thuận

(PLO)- Đến nay đã có một dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, hai dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức vốn hơn 5,3 tỉ USD.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 4-8, UBND tỉnh Bình Thuận đã công bố quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ với tổng vốn đầu tư gần 1,34 tỉ USD và tổ chức lễ ra mắt các nhà đầu tư chuỗi dự án khí - điện Sơn Mỹ (xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân).

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận tặng hoa các nhà đầu tư. Ảnh: TTD

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận tặng hoa các nhà đầu tư. Ảnh: TTD

Chuỗi các dự án khí - điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại xã Sơn Mỹ bao gồm bốn dự án thành phần: Dự án Kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ; Dự án Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ; Dự án đấu nối Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ vào hệ thống điện quốc gia và Dự án đường ống dẫn khí Sơn Mỹ - Phú Mỹ.

Vị trí của chuỗi dự án trên nằm trong Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 gồm liên danh các nhà đầu tư: PVGas (Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam); AES (Hoa Kỳ); Tập đoàn EDF ( Pháp), Kyushu và Sojitz (Nhật Bản) và Tập đoàn Thái Bình Dương (Việt Nam).

Tại buổi lễ, UBND tỉnh đã công bố quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án Kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ với tổng vốn đầu tư gần 1,34 tỉ USD.

Dự án này sẽ cung cấp 3,6 triệu tấn khí LNG/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2027.

Ngoài ra, dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ I và LNG Sơn Mỹ II đã được Bộ Công Thương phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư với tổng công suất 4.500MW, tổng vốn trên 4 tỉ USD, tiến độ thực hiện đến năm 2028.

Đây được xác định là các dự án trọng điểm, động lực và đóng vai trò quan trọng để triển khai các dự án thành phần trong chuỗi dự án khí - điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng tại xã Sơn Mỹ.

Ông Đoàn Anh Dũng trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khi cảng nhập LNG Sơn Mỹ. Ảnh TTD.

Ông Đoàn Anh Dũng trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khi cảng nhập LNG Sơn Mỹ. Ảnh TTD.

Ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận hoan nghênh các nhà đầu tư đã góp vốn liên doanh đầu tư các dự án nêu trên vào tỉnh Bình Thuận.

“Khi chuỗi các dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần rất lớn trong việc định hình tương lai năng lượng của Việt Nam bằng cách đa dạng hóa cơ cấu năng lượng.

Đây là dạng năng lượng có phát thải thấp, phù hợp với chuyển đổi sang phát triển nền kinh tế xanh theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 (Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu)” - ông Dũng nhấn mạnh.

Các dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình trọng điểm về dầu khí xác định là dự án trọng điểm quốc gia và sẽ góp phần hình thành Trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia tại tỉnh Bình Thuận.

Từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa, phát triển các dự án liên quan đến ngành dầu khí như kho xăng dầu, kho chứa hydrogen, sản xuất các thiết bị phụ trợ cho ngành điện khí, năng lượng… đưa ngành công nghiệp năng lượng tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Bình Thuận và trở thành ngành chủ lực, tạo động lực tăng trưởng của kinh tế tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận hoan nghênh các nhà đầu tư đã góp vốn đầu tư vào tỉnh Bình Thuận. Ảnh: TTD

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận hoan nghênh các nhà đầu tư đã góp vốn đầu tư vào tỉnh Bình Thuận. Ảnh: TTD

Theo PV GAS, đây là lần đầu tiên Tập đoàn hợp tác đầu tư với Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) là một tập đoàn lớn hàng đầu trên thế giới về năng lượng. Đây là một cơ hội cũng như thách thức để PV GAS đánh dấu bước tiến mới, đưa ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm