Nhiều địa phương đang dồn sức phát triển du lịch 2023

(PLO)- Các địa phương cho rằng với lợi thế về điểm đến, chiến lược quảng bá, năm 2023 du lịch Việt Nam sẽ bứt phá cả về chất và lượng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Do đó, các địa phương trên cả nước đã đưa ra phương án, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Ông LÊ TRƯƠNG HIỀN HÒA, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM:

Tạo thương hiệu du lịch cho TP.HCM

Năm 2023, ngành du lịch TP tiếp tục tăng tốc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Với quyết tâm cao, ngành du lịch TP kỳ vọng sẽ tập trung triển khai thực hiện chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030 với bốn mục tiêu chính.

Cụ thể, ngành du lịch tiếp tục nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của TP, chú trọng sản phẩm du lịch đặc trưng; tập trung truyền thông, quảng bá về sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến và thương hiệu du lịch TP; thúc đẩy kích cầu du lịch và khai thác ứng dụng số; đón 5 triệu lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa với tổng thu du lịch đạt 160.000 tỉ đồng.

Theo đó, du lịch TP tiếp tục triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm như nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo điều kiện môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp.

Ngành du lịch TP cũng tập trung hoàn thiện, nâng chất các điểm đến và các chương trình du lịch hiện có. Điển hình như tập trung cho các sản phẩm du lịch gắn với cộng đồng, giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng của Cần Giờ; phát triển sản phẩm du lịch đường thủy, sản phẩm du lịch y tế…

TP cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, quảng bá du lịch. Cạnh đó, tập trung triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh, thành.

Bà NGUYỄN THỊ LỆ THANH, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa:

Xúc tiến, khai thác thị trường triển vọng

Tỉnh Khánh Hòa cũng xác định nhiều giải pháp phát triển du lịch. Trọng tâm là ứng phó với các loại dịch bệnh có thể xảy ra; xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến du lịch; phát triển nguồn nhân lực nhằm phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch.

TP.HCM đón khách quốc tế vào dịp đầu năm mới. Ảnh: THU TRINH

TP.HCM đón khách quốc tế vào dịp đầu năm mới. Ảnh: THU TRINH

Đặc biệt, tỉnh Khánh Hòa sẽ chuyển đổi số phương thức quản lý hoạt động du lịch; thực hiện liên kết, hợp tác phát triển du lịch…

Tỉnh Khánh Hòa xác định mục tiêu đón khoảng 4 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế.

Sở Du lịch cùng với các đơn vị tiếp tục đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn cũng như đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Đồng thời, địa phương tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến quảng bá để khai thác các thị trường triển vọng như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga…

Ông PHẠM NGỌC THỦY, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh:

Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

Năm 2023, mở ra nhiều kỳ vọng, cơ hội mới cho ngành du lịch. Quảng Ninh khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp nâng cao chất lượng, làm mới và phát triển sản phẩm; quảng bá, xúc tiến du lịch ở một số thị trường ngoài nước có nhiều tiềm năng…

Du lịch Quảng Ninh đặt mục tiêu đón trên 12,5 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 30.000 tỉ đồng. Để hoàn thành mục tiêu, ngành du lịch tập trung triển khai Đề án phục hồi và phát triển bền vững đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030, Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước; chủ động liên kết với các hãng hàng không, tàu biển, tập đoàn du lịch hàng đầu quốc tế.

Ngoài ra, sở còn đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, sản phẩm du lịch có chất lượng, khác biệt gắn với các khu vực động lực phát triển du lịch như Hạ Long, Vân Đồn, Uông Bí, Móng Cái.

Đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam:

Khơi thông điều kiện hút khách quốc tế

Năm 2023, ngành du lịch tập trung nghiên cứu, tham mưu Bộ VH-TT&DL giải pháp phục hồi thị trường du lịch quốc tế, chính sách xuất nhập cảnh, kết nối thị trường… để tạo điều kiện tốt nhất nhằm thu hút khách quốc tế vào Việt Nam.

Tổng cục và các địa phương tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị, bao gồm du lịch MICE (hội họp, hội thảo, kết hợp khen thưởng…); du lịch văn hóa (ẩm thực và di sản); du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe

Tổng cục phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm: ASEAN, Đông Bắc Á, Úc, châu Âu, Bắc Mỹ.•

Ông VĂN BÁ SƠN, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam:

Quảng Nam định hướng xây dựng du lịch xanh

Du lịch Quảng Nam chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, hiện nay chỉ tập trung ở khu vực phía đông như Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn..., còn phía tây và phía nam còn bỏ ngỏ rất nhiều.

Hiện Quảng Nam thực hiện chính sách thu hút nhà đầu tư mở rộng, xây dựng sản phẩm du lịch dựa vào yếu tố văn hóa và yếu tố tự nhiên.

Năm 2023, tỉnh Quảng Nam định hướng trên nền tảng phải xây dựng sản phẩm du lịch xanh, đảm bảo ba nguyên tắc: Phát triển sản phẩm du lịch dựa vào yếu tố thiên nhiên, đặc trưng của văn hóa phục vụ phúc lợi cộng đồng, người dân; sản phẩm du lịch môi trường phá cách; sản phẩm du lịch có trách nhiệm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm