Nhiều hệ lụy khi rơi vào bẫy tín dụng đen

(PLO)- Bằng hình thức đòi nợ khủng bố, hoạt động tín dụng đen đã và đang gây ra những vấn đề phức tạp về tình hình an ninh trật tự tại TP.HCM.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 7-12, báo Người Lao Động tổ chức talkshow “Làm sao để không rơi vào cạm bẫy tín dụng đen”.

Đòi nợ khủng bố con nợ, người thân

Phát biểu tại đây, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự VKSND TP.HCM, cho hay tín dụng đen trong những năm gần đây hoạt động phức tạp trên địa bàn TP. Nhiều vụ án đòi nợ, tạt sơn, tạt chất bẩn vào nhà con nợ hoặc những người thân của họ... đã xảy ra gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự VKSND TP.HCM, thông tin về tình hình tội phạm tín dụng đen trên địa bàn TP.HCM.
Bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự VKSND TP.HCM, thông tin về tình hình tội phạm tín dụng đen trên địa bàn TP.HCM.

Bà Nhuệ cho hay, nổi cộm trong hoạt động tín dụng đen là vụ việc bỏ gián vào bát phở của tiệm Phở Hòa. Sau khi bị bắt giữ, các đối tượng khai mục đích là ép chủ quán phải trả nợ thay cho người em rể và hạ uy tín của quán phở này.

Cũng theo bà Nhuệ, trước đó vào cuối năm 2018, cơ quan chức năng đã phải cắt cử lực lượng để bảo vệ cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hiếu (GV tiểu học ở quận Bình Tân) khi cô này trở thành nạn nhân của tín dụng đen dù không hề vay tiền. Cô giáo Hiếu đã phải làm đơn “kính gửi những anh xã hội đen” để cho cô được đi dạy học.

“Nguyên nhân, cô giáo không phải là người vay tiền nhưng bị nhóm người gây áp lực để đòi món nợ của chị dâu. Trong gần nửa tháng, nhóm hơn chục người đã đến nhà cô ném mắm tôm, đổ keo dán sắt, khóa trái cửa nhốt cả nhà... gây hoang mang” - bà Vũ Thị Xuân Nhuệ cho hay.

lam-sao-de-khong-roi-vao-cam-bay-tin-dung-den (4).jpg
Ông Lâm Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-CN TP.HCM thông tin về hoạt động của tín dụng đen trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo ông Lâm Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-CN TP.HCM, tín dụng đen đã len lỏi vào công nhân lao động tại một số khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong đó, tập trung vào những công nhân có khó khăn đột xuất, không chú ý lãi suất của tín dụng đen dẫn đến lãi chồng lãi.

Khi người vay không trả kịp thì khủng bố bằng tin nhắn, điện thoại đến công ty, đồng nghiệp tạo áp lực phải trả tiền.

Những “biểu hiện” của tín dụng đen

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc, Trưởng Bộ môn nghiệp vụ ngân hàng thương mại, Trường ĐH Ngân hàng, qua thực tế tại Việt Nam, có một vài biểu hiện có thể nhận dạng tín dụng đen.

lam-sao-de-khong-roi-vao-cam-bay-tin-dung-den (2).jpg
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc, Trưởng Bộ môn nghiệp vụ ngân hàng thương mại, Trường ĐH Ngân hàng phân tích các biểu hiện của tín dụng đen tại Việt Nam.

Thứ nhất là hình thức quảng cáo, tín dụng đen quảng cáo thông qua phát tờ rơi, dán các quảng cáo trên cột điện, góc tường, trong khi ngân hàng hay các tổ chức tín dụng được cấp phép không ai tiếp cận người vay với những hình thức quảng cáo như vậy.

Thứ hai, biến tướng từ quảng cáo tờ rơi thành quảng cáo thông qua các app, trang web tiếp cận người vay. Các công ty tín dụng đen sử dụng tên gọi, hình ảnh, mô tả nhằm gây nhầm lẫn với các công ty tài chính được cấp phép. Đó là hình thức đánh lừa người vay.

Thứ ba, khi vay ở các công ty được cấp phép thì thủ tục rất chặt chẽ, cần nhiều giấy tờ, yếu tố mới được phê duyệt.

“Đánh vào việc nhiều thủ tục gây nản lòng người có nhu cầu, tín dụng đen đưa ra các quảng cáo cho vay nhanh, không cần nhiều thủ tục, chỉ cần CCCD, giấy tờ xe… và trong thời gian ngắn là giải ngân được dễ dàng” - Tiến sĩ Lộc phân tích và cho biết đó là cái bẫy giăng sẵn cho người có nhu cầu vay vốn nhanh, dễ dàng.

Cạnh đó, nếu là tín dụng đen thì sẽ yêu cầu cung cấp thông tin về người thân hoặc cho phép truy cập vào danh bạ đoạn thoại, hình ảnh để sử dụng trái phép các thông tin nhằm xử lý nợ khi con nợ không trả được về sau này.

Đặc biệt, với các ngân hàng, công ty tài chính được cấp phép thì lãi suất cho vay được niêm yết công khai tại trụ sở. Tuy nhiên, với tín dụng đen, lãi suất thường được thể hiện thông qua mức lãi mà một người phải trả mỗi ngày. Nếu quy đổi thành lãi suất theo năm thì mức lãi suất có thể lên đến vài trăm %/năm.

Làm gì để tránh tín dụng đen?

Theo bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, người đi vay thường là lao động tự do, thu nhập thấp, thiếu kiến thức về pháp luật nên khi nhìn thấy các quảng cáo dạng tờ rơi, áp phích dán trên các tuyến đường, cộng với thủ tục nhanh gọn, đơn giản nên thường bị "dính bẫy".

Để tránh thành nạn nhân của tín dụng đen, bà Nhuệ đề nghị trước khi vay, người vay cần tìm hiểu xem pháp nhân đó có được quyền cho vay cũng như tính hợp pháp của việc cho vay.

Luật sư Vũ Phi Long, Nguyên Phó chánh toà hình sự TAND TP.HCM, cho biết Bộ luật Dân sự quy định lãi suất cho vay không được vượt quá 20 %/năm. Tuy nhiên, hầu hết các giao dịch cho vay liên quan đến tín dụng đen thì mức lãi suất có khi gấp 10 lần.

lam-sao-de-khong-roi-vao-cam-bay-tin-dung-den (3).jpg
Luật sư Vũ Phi Long nêu ý kiến tại talkshow.

Cũng theo quy định tại Bộ luật Hình sự, khi cho vay với mức lãi suất gấp 5 lần quy định là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn một số điều kiện khác như thu lợi bất chính lớn, số tiền lớn…

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người dân nếu không may rơi vào bẫy tín dụng đen thì phải có kế hoạch trả nợ. Khi vượt quá khả năng thì thu thập chứng cứ làm đơn tố cáo để xử lý đối tượng cho vay với hành vi cho vay lãi nặng.

Về vấn đề này, ông Lương Quốc Cường, Trưởng phòng quản lý tín dụng tổ chức tài chính vi mô CEP, đề nghị Ngân hàng nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ ngân hàng và tổ chức tài chính khác đơn giản thủ tục cho người lao động, đặc biệt là người thu nhập thấp, giúp họ thuận lợi trong tiếp cận vốn, tránh mắc phải tín dụng đen.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm