Nhiều hộ dân mất nhà đất do vay lãi cao ở Gia Lai

(PLO)- Nhiều hộ dân tộc thiểu số tại xã Ia Le, huyện Chư Pứh (Gia Lai) làm đơn cầu cứu gửi cơ quan chức năng trước nguy cơ mất đất đai, nhà cửa vì vay vốn bị áp lãi cao.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, PLO nhận được đơn cầu cứu của hàng chục hộ dân tại xã Ia Le (huyện Chư Pứh, Gia Lai) phản ánh vay tiền của bà Mị Trang (tên thật là L.T.T, thôn Phú An, xã Ia Le) để đầu tư sản xuất, mua gạo bị tính lãi vượt số tiền gốc 5-7 lần. Đồng thời, mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc, cứu giúp người dân, tránh tình mất đất đai, tài sản gia đình.

Vay tiền bị ép trả lãi khủng

Nhiều ngày nay, gia đình ông Rma Lan (45 tuổi, làng Kênh Mét, xã Ia Le) đứng ngồi không yên, lo sợ mất hẳn hai lô đất vì đã lấy đất này gán nợ cho người cho vay tên Mị Trang. Trước đó, năm 2013, do thiếu vốn sản xuất, ông Lan có vay bà Mị Trang 50 triệu đồng để trồng hồ tiêu. Từ đó đến nay, số nợ trở thành gánh nặng của gia đình, đeo bám dai dẳng. Đỉnh điểm, ông Lan buộc giao hai lô đất cho chủ nợ.

Hàng chục dân người dân tộc thiểu số tại xã Ia Le làm đơn kêu cứu vì lỡ vay tiền chịu lãi suất cao.

Hàng chục dân người dân tộc thiểu số tại xã Ia Le làm đơn kêu cứu vì lỡ vay tiền chịu lãi suất cao.

Ông Lan cho biết, sau vay nợ, hàng năm ông đều cầm 10-15 triệu đồng mang trả lãi. Đến năm 2017, hồ tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt khiến ông không có khả năng chi trả nữa. Vừa qua, chủ nợ báo số tiền còn thiếu phải trả hơn 120 triệu đồng. Không có tiền, ông Lan đành đem gán nợ hai lô đất: một lô tại mặt đường, sát nhà rộng 1.500 m2 và một lô đất rẫy 7 sào.

“Tôi không biết Mị Trang tính lãi như thế nào, hàng năm tôi đều trả từ 10-15 triệu đồng. Sau khi hồ tiêu chết, tôi không có khả năng trả nợ nữa nên đưa bìa đỏ cho người ta. Mới đây, Mị Trang có dẫn tôi lên huyện nói là làm giấy tờ chuyển nhượng”, ông Lan nói.

Tương tự, hộ bà Rmah H’Đoan (làng Kênh Mét, xã Ia Le) rơi cảnh khốn cùng, bà có vay Mị Trang 38 triệu đồng, sau ba năm không trả lãi nổi, bị tính nợ lên 120 triệu đồng. Gia đình bà bán hàng chục bao ngô, bán hồ tiêu vẫn trả không đủ. Bà đành lấy năm sào đất trồng mì gán nợ.

Bà H’Đoan nói: “Gia đình khó khăn lắm, mình có sáu đứa con, chồng đau ốm. Năm ngoái Mị Trang lấy năm sào ruộng của mình, gia đình không có ruộng để làm ăn nữa. Mị Trang nói tính không đủ tiền lãi nữa, đòi lấy xe công nông, lấy xe máy”.

Ông Rma Lan cho biết, ông đã vay 50 triệu đồng và đã trả lãi rất nhiều lần nhưng nợ còn hơn 120 triệu đồng nên phải gán hai lô đất trả nợ.

Ông Rma Lan cho biết, ông đã vay 50 triệu đồng và đã trả lãi rất nhiều lần nhưng nợ còn hơn 120 triệu đồng nên phải gán hai lô đất trả nợ.

Theo ông Ksor Sương, trưởng thôn Kênh Mét (xã Ia Le): Ở đây có rất nhiều hộ dân vay tiền của bà T. Thôn đã báo lên xã vấn đề này để xã giải quyết.

“Trước kia người dân vay vốn để đầu tư vào cây tiêu, phát triển kinh tế. Nhưng thời gian qua cây tiêu chết nhiều, giá thấp nên nông dân thất thu không có tiền để trả nợ. Cũng có một số hộ dân vay vốn của bà T rồi không có tiền trả nên bị dắt con bò, lấy đất”, ông Sương nói.

Chủ nợ nói gì?

Với nội dung tố cáo của người dân, PV đã gặp là bà L.T.T. Bà T cho rằng, bà không cho vay nhiều, chỉ có cho bà con vay mua gạo ăn, cách đây mấy năm có cho người dân vay hàng chục triệu khoan giếng trồng tiêu. Không có chuyện siết nợ.

“Tôi cũng là một người dân rất là khổ nuôi bảy đến tám người con ăn học mà, tôi không bao giờ làm cái gì sai cả. Tôi không cho vay lãi nhiều, còn họ nói siết đất thì không có, họ vu khống vậy thôi”, bà T phân trần.

Theo người dân, khi vay tiền của bà T bị tính lãi rất cao. Hàng năm đều phải trả lãi, nếu không sẽ bị cộng dồn vào tiền gốc dẫn đến lãi ngày càng cao. Một số hộ không có khả năng trả nợ buộc phải gán tài sản. Giấy nợ mà người dân giữ chỉ là một mẩu nhỏ ghi số báo danh, tiền nợ và tên chủ nợ Mị Trang.

Mảnh giấy ghi trả nợ đất của ông Rma Lan.

Mảnh giấy ghi trả nợ đất của ông Rma Lan.

Ông Lê Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Ia Le, cho biết: Xã đã nắm được thông tin và chỉ đạo công an rà soát, xác minh điều tra. Trong đơn người dân nói không chỉ có chừng đó mà còn nhiều hơn nữa, vấn đề này cần xác minh thêm.

“Phần lớn các hộ khi vay mượn tiền đều không có giấy tờ, chứng từ rõ ràng nên việc điều tra gặp khó khăn. Liên quan đất đai giữa bà T và người dân trong vấn đề này, tôi sẽ chỉ đạo cán bộ kiểm tra kĩ hồ sơ chuyển nhượng xem có giao dịch, mua bán gì trên địa bàn hay không”, ông Việt nói.

Thượng tá Dương Đức Việt, Phó trưởng Công an huyện Chư Pứh, cho biết, đơn vị mới nhận được thông tin về vụ việc và đã triển khai kiểm tra, xác minh. Trước mắt yêu cầu công an mời các hộ dân lên làm rõ việc vay nợ này.

Trao đổi với PLO, ông Siu Y Bé, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pứh, cho hay, huyện đã nhận được đơn cầu cứu của người dân và sẽ chỉ đạo cơ quan công an vào cuộc điều tra, làm rõ. Nếu có vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định.

Mảnh giấy nợ của anh A Lun được đánh số 73 và ghi cắt lãi theo năm.

Mảnh giấy nợ của anh A Lun được đánh số 73 và ghi cắt lãi theo năm.

Theo ông Bé, việc cho vay này gây mất an ninh trật tự, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Sắp tới huyện sẽ chỉ đạo các ban ngành vào cuộc, tuyên truyền vận động người dân tránh vướng vào “tín dụng đen”.

Bà Siu Biếp (thôn Kênh Mét, xã Ia Le) cho biết, bà là hộ nghèo, được chính quyền địa phương hỗ trợ xây nhà tình thương (thuộc chương trình 167 của Chính Phủ). Bà vay 15 triệu đồng từ bà T để mua gạo, sau không có khả năng trả, phải gán nhà trừ nợ. Căn nhà này đã được bà T bán cho bà L để kinh doanh tạp hóa. Hiện bà đang ở nhờ nhà người thân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm