Nhiều hoạt động giải trí tết Dương lịch ở TP.HCM vẫn e dè vì dịch

Tết Dương lịch thường là mùa phim ùn ùn ra rạp, thế nhưng sau nhiều tháng rạp đóng cửa vì đại dịch, nhiều phim Việt vẫn còn cất kho nhưng các nhà đầu tư, sản xuất phim vẫn không đưa phim ra rạp.

Vắng bóng phim Việt

Sau dịp Giáng sinh vừa qua, dù SpiderMan có doanh thu thị trường Việt Nam tạm ổn (8-9 tỉ đồng/ngày) nhưng phim Việt vẫn chưa nhảy vào cuộc đua phim Tết Tây.

Cụ thể, ngay khi rạp mở cửa trở lại ở TP.HCM, nhiều phim Việt đã có kế hoạch ra mắt dịp Giáng sinh, tết Dương lịch: Bẫy ngọt ngào, Bóng đèNgười lắng nghe: Lời thì thầm, Rừng thế mạng. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại mùa Tết Dương lịch này, khán giả thích phim Việt chỉ có phim mới duy nhất để xem là Rừng thế mạng.

Happy New Year là một bộ phim từ điện ảnh Hàn Quốc ra rạp dịp năm mới này. Ảnh: CJ cung cấp

Hầu hết các nhà đầu tư, phát hành phim Việt âm thầm rút lui khỏi thị trường phim cuối năm bởi thị phần phim cả nước chỉ mới mở cửa 60%. Các thành phố lớn: Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng vẫn chưa được phép mở rạp phim.

Không chỉ rạp chưa mở, ngay cả khán giả cũng e dè ra rạp vì dịch bệnh sau một thời gian ở nhà quá lâu. Lượng sinh viên, học sinh trên 16 tuổi vẫn chưa đến lớp trực tiếp nên dường như rạp phim mất khán giả trẻ.

Chính vì thế, rạp phim mùa tết Dương lịch hầu như phủ kín phim ngoại: Chúc mừng năm mới, Không phải lúc chết, Resident Evil: Quỹ dữ trỗi dậy; Clifford chú chó đỏ khổng lồ…

Đếm ngược ứng phó với kịch bản không khán giả

Không chỉ rạp phim, toàn bộ ê-kíp tổ chức hai chương trình đếm ngược (countdown) được xem là đặc sản của TP.HCM mỗi mùa tết Dương lịch cũng trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với không có khán giả.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ và đường Lê Duẩn năm nay là hai điểm có sân khấu countdown. Hiện để đảm bảo việc an toàn trong phòng chống dịch thì mỗi điểm countdown sẽ giới hạn 1.000 người tham dự. Người dân đến tham dự sự kiện phải có vé mời, đảm bảo các điều kiện như đã tiêm vaccine, thực hiện 5K…

Tuy nhiên, TP.HCM hiện đang cấp độ 2, ban tổ chức đã chuẩn bị phương án tổ chức khi dịch chuyển sang cấp độ 3 và 4. Nếu dịch cấp độ 3 thì tiếp tục tổ chức hạn chế người tham gia hoặc nếu dịch cấp độ 4 thì có thể tạm dừng chương trình. Đồng thời có phương án tổ chức countdown nhưng không mời khán giả, mà sẽ thông qua truyền hình trực tiếp, trực tuyến…

Phùng Khánh Linh trên sân khấu Lễ hội Ánh sáng Virtual Countdown Lights 2022. Ảnh: BTC cung cấp

Và riêng chọn phương cách an toàn từ đầu, Lễ hội Ánh sáng Virtual Countdown Lights 2022 chọn công nghệ thực tế ảo mở rộng (XR – Extended Reality) cho toàn bộ chương trình. Chương trình sẽ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sản xuất bằng công nghệ thực tế ảo tăng cường đẳng cấp quốc tế với các yếu tố truyền thống, góp phần tạo nên những tiết mục hoành tráng và thăng hoa.

Ba sân khấu khác nhau với cảnh quan ảo được tạo ra bằng cách kết hợp hai địa điểm mang tính biểu tượng của Việt Nam là Phố đi bộ Nguyễn Huệ và Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long.

Chương trình ngoài bốn nghệ sĩ: Đông Nhi, Wowy, Vũ Cát Tường và Văn Mai Hương thì còn là cuộc đổ bộ của những nghệ sĩ trẻ, nổi bật như: Thịnh Suy, Wren Evans, Phùng Khánh Linh, Mỹ Anh... Lễ hội Ánh sáng Virtual Countdown Lights 2022 sẽ trực tuyến vào 20 giờ 30 phút ngày 31-12 trên YouTube và Fanpage Billboard Việt Nam, TikTok LIVE Vietnam, Ứng dụng VieON và các ứng dụng khác.

Cũng là một sản phẩm công nghệ, ngày 27-12, Ngày hội văn hoá đọc đã khai mạc trực tuyến. Những ngày nghỉ Tết Dương lịch, người dân TP có thể đăng nhập vào trang mạng của ngày hội để tham quan 15 khu vực khác nhau về văn hoá đặc trưng của TP.

Sau một năm nhiều khó khăn, giải trí trở thành xa xỉ và ít được chú trọng; tuy vậy, với những sự kiện hâm nóng này sẽ là những bước khởi đầu cho một năm mới với nhiều hy vọng hơn cho lĩnh vực văn hoá, văn nghệ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm