Nhiều hoạt động tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm 2023

(PLO)- Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 diễn ra từ ngày 10 đến 14-3 tại TP Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh Đắk Lắk với nhiều chuỗi hoạt động đặc sắc, hấp dẫn…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 10-2, tại Hà Nội, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức họp báo giới thiệu Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới”. Lễ hội sẽ được tổ chức trong 5 ngày, từ ngày 10 đến ngày 14-3 với 6 nhóm, 18 hoạt động chính thức tại TP Buôn Ma Thuột và một số địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk.

Thông tin tại họp báo, Giám đốc Sở VHTT&DL Đắk Lắk Thái Hồng Hà cho biết Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 sẽ được tổ chức quy mô lớn hơn so với những lần trước, hình thức thể hiện theo xu hướng hội nhập quốc tế cùng phong cách hiện đại làm nổi bật chủ đề chính.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 diễn ra từ ngày 10 đến 14-3 tại TP Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TP

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 diễn ra từ ngày 10 đến 14-3 tại TP Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TP

Lễ hội có 18 hoạt động chính thức và một số hoạt động hưởng ứng đặc sắc, hấp dẫn. Trong đó, một số hoạt động mới như Cuộc thi video clip giới thiệu về cà phê Buôn Ma Thuột với chủ đề “Chuyện kể về cà phê Buôn Ma Thuột”; biểu diễn vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn”; lễ hội ánh sáng, triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề “Văn hóa cà phê Việt Nam - Hành trình kiến tạo văn hóa thế giới” và “Lịch sử cà phê thế giới”; hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê…

Dự kiến, Ban tổ chức sẽ mời 160 cơ quan, đơn vị quốc tế tham gia, trong đó có 54 cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài (44 đại sứ quán, 10 tổng lãnh sứ quán); 57 tổ chức quốc tế (5 tổ chức, nhà tài trợ nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, 8 hiệp hội, doanh nghiệp cà phê và 44 tổ chức quốc tế khác); 17 tỉnh, thành phố, 3 đoàn nghệ thuật các nước và 29 cơ quan báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam.

Mục tiêu của Lễ hội nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới. Đồng thời góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, lễ hội góp phần tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê. Lễ hội cũng là dịp để Đắk Lắk giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.

Đại diện UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết cà phê là loại nông sản đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, đem lại nguồn sinh kế cho người dân, nhất là người dân vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Buôn Ma Thuột được mệnh danh là “Thủ phủ Cà phê của Việt Nam”, có diện tích và sản lượng cà phê lớn nhất cả nước, với diện tích khoảng 210.000 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt hơn 520.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng toàn quốc.

Cà phê của tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm