“Còn nhiều lắm những chuyện bực mình khi gặp khách đi máy bay thiếu ý thức” - bạn đọc ký tên Thanh Sơn đã bình luận như thế trên PLO khi đọc bài viết “Đi máy bay, làm ơn có ý thức!” (báo Pháp Luật TP.HCM ngày 4-7).
Thoái mải nằm, ngồi ở phòng chờ
Có những chuyến bay không phải do bị hoãn, cũng không phải do giờ bay vào sáng sớm hay nửa đêm gây mệt mỏi nhưng khách vẫn nằm hoặc ngồi la liệt, trông rất khó coi. Cận tết Bính Thân vừa rồi, sân bay Tân Sơn Nhất đông nghịt, nhiều em bé không có chỗ ngồi. Trong khi đó, một nhóm bốn nam nữ tỉnh rụi gác túi xách tay làm gối đầu, chiếm dụng hết hai hàng ghế để nằm. Đã vậy, hai nam thanh niên trong số này còn hút thuốc, phẩy tàn thuốc xuống nền đất, hút hết điếu thì họ dụi luôn cái đầu lọc ngay dưới chân. Mà sao tôi thấy đa phần những người có hành vi thiếu ý thức như thế là người trẻ…
ĐẶNG HOÀNG MẪN (Huyện Thăng Bình, Quảng Nam)
Xếp hàng là điều xa xỉ
Tôi ghét nhất ở người Việt mình là cái tính chen ngang, không chịu xếp hàng theo thứ tự. Mới tuần rồi, trong chuyến bay từ TP.HCM về Hà Nội, trong vòng kiểm tra cuối cùng để chuẩn bị ra xe buýt lên máy bay, chúng tôi đã xếp hàng ngay ngắn từ đầu. Có đôi nam nữ, chàng trai xếp hàng trước, cô gái bảo mỏi chân nên không chịu đứng vào hàng mà ngồi trên ghế chờ. Đợi lúc chàng trai gần đến lượt, cô gái vứt tọt chai nước ngọt xuống sảnh rồi đến đứng vào hàng, ngay trước chàng trai. Khi ấy hàng đã chật, thay vì đề nghị những người sau nhích lui xuống một chút thì chàng trai lại cố đẩy tôi xuống để có chỗ cho cô gái xen vào, làm tôi suýt ngã dúi dụi. Nhân viên kiểm tra thấy vậy cũng chỉ biết lắc đầu. Sau đó cặp đôi hồn nhiên âu yếm nhau như ở chỗ không người.
HOÀNG THUẬN (Quận Bình Thạnh, TP.HCM)
Một mình “chàng” chiếm lĩnh ba cái ghế. Ảnh: HTD
Ai than phiền mặc ai
Máy bay có những khoang hành lý ở phía trên đầu. Thường mỗi khoang là chỗ để hành lý cho vài ba người. Có lần tôi về quê, túi xách của người phụ nữ lên trước nếu đặt dọc thì còn có thể để thêm ba lô nhỏ của tôi và em gái tôi vì hành lý xách tay của chúng tôi cũng không có nhiều. Nhưng không, người phụ nữ ấy ném ba lô lên khoang, mặc cho nó nằm xiêu vẹo rồi cắm tai nghe nghe nhạc. Tôi đề nghị cô ấy để ba lô gọn lại, lần thứ nhất cô ấy im lặng tiếp tục nghe nhạc, lần thứ hai cô ấy tỏ vẻ khó chịu, càu nhàu: “Thích thì tự mà làm”.
MINH NGUYỆT (Quận 3, TP.HCM)
Thật sự là… oải!
Tuần trước trên chuyến bay từ Hà Nội vào TP.HCM, dù đã tự cho là mình gặp may nhờ check in sớm nên được cho ngồi ghế hàng số 3 nhưng chẳng mấy chốc, tôi thấy… oải. Oải thật sự!
Sáu ghế phía trước tôi, tức hàng số 2 - có nghĩa “VIP” hơn tôi một bậc, là sáu cô cậu tuổi trên dưới 30. Các cô cậu vừa ngồi vào ghế là say sưa tám chuyện ngay, nào là “Con S. hôm thứ Sáu bị thằng C. đá rồi…” và kể thêm một số chuyện khác. Rồi cứ như e nói chưa diễn đạt hết ý, cô gái có vẻ là trưởng nhóm còn làm động tác hình thể, xoải người gác bàn chân lên ghế, rồi xoạc người ra bấm bấm, quẹt quẹt cái iPhone một cách hết sức sành điệu. (Mặc dù tiếp viên nhắc tới nhắc lui chuyện tắt điện thoại nhưng hình như cô này “bị khiếm khuyết về thính giác” nên chỉ tập trung vào thị giác!).
Rồi cả nhóm cùng bàn tán chuyện ăn chơi, nói rất to rồi cười hô hố… khặc khặc...
Tôi không nói chuyện “văn minh, lịch sự, văn hóa” gì ở đây, bởi nó có vẻ to tát và vĩ mô quá. Tôi cũng như những người xung quanh lúc ấy chỉ có một mong mỏi nhỏ nhoi là được nghỉ ngơi một chút trong thời gian bay. Nhưng giả sử tôi lên tiếng góp ý, dù chân thành khuyên bảo thì có khi sẽ bị mắng: “Đồ cha già khó tính. Đồ…”. Về phía hãng bay, tôi chỉ có đôi lời: Máy bay giá rẻ không có nghĩa khách phải chấp nhận là tàu chợ, như cái chợ! Khách hàng - thượng đế không muốn bỏ ra một số tiền không nhỏ để đi “chợ” như thế.
HOÀNG DŨNG (Bình Dương)
Vị kỷ, tùy tiện Kinh tế phát triển, đi lại bằng máy bay ngày càng dễ dàng hơn. Chỉ cần một triệu, thậm chí vài trăm ngàn đồng là người ta có thể đi máy bay rồi. Ở nước ngoài, việc đi lại bằng những phương tiện như ô tô, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay… đều được đưa vào giáo trình giảng dạy cho học sinh từ nhỏ: Cách sử dụng trang thiết bị trên phương tiện đó như thế nào, cách ứng xử ra sao, khách hàng được làm gì, không được làm gì. Nhưng ta chưa làm được điều đó nên sự kém ý thức của người dân khi đi máy bay đầu tiên đến từ sự thiếu hiểu biết, không được giáo dục từ trường lớp, nhiều gia đình cũng không dạy. Thứ hai, sự thiếu ý thức đến từ việc được góp ý nhưng thay vì lắng nghe thì lại tự ái cao. Thứ ba, do nếp sống, thói quen, sự thiếu ý thức đã thành tính nết. Bởi vậy muốn nâng cao ý thức cho người dân thì cần đưa những nội dung giảng dạy vào giáo trình học chính quy. Thứ hai cần tuyên truyền sâu rộng, tỉ mỉ hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, trong sinh hoạt cộng đồng về những quy tắc ứng xử, quy định khi trên máy bay. Thứ ba, nội dung quy chế khi đi máy bay cần được thực hiện nghiêm. Những trường hợp vi phạm như sử dụng điện thoại di động, hút thuốc, đánh nhau gây mất trật tự… cần thẳng tay phạt theo luật, không du di. PGS-TS PHẠM NGỌC TRUNG, chuyên gia văn hóa Những chuyến bay, đặc biệt là chuyến bay giá rẻ, thái độ ứng xử thiếu văn minh của người Việt mình thể hiện rất rõ. Nhiều người cho rằng những hành động vô ý thức đó là do họ mới đi lần đầu, do thiếu hiểu biết. Nhưng tôi thấy trong rất nhiều trường hợp tuy có hiểu biết, do đông người, tình trạng phục vụ quá tải; cộng thêm suy nghĩ máy bay giá rẻ dẫn đến các bên không tôn trọng nhau. Một bộ phận còn có quan niệm “mình trả tiền vé thì mình là thượng đế, là ông chủ” nhưng họ lại không phải ông chủ văn minh mà là kẻ tùy tiện. Họ cho rằng mình có quyền làm thế. Suy cho cùng, sự thiếu ý thức này xuất phát từ sự vị kỷ, tùy tiện, thiếu kỹ năng hành xử công cộng. Thái độ sống hằng ngày thiếu tính kỷ luật cũng góp phần bộc lộ tính xấu nơi công cộng. PGS-TS TRỊNH HÒA BÌNH, Phó Tổng Thư ký NGUYỄN TRÀ ghi |