Ngày 28-3, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Thuế tổ chức tọa đàm trực tuyến về nghị định gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước và nghị định gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước.
COVID-19 còn phức tạp nên gia hạn tiếp
Dự thảo tờ trình của Bộ Tài chính về chính sách gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước nêu rõ: COVID-19 bùng phát lần thứ tư tại nhiều tỉnh, thành hồi năm 2021 đã kìm hãm đà hồi phục của thị trường ô tô.
Ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước được tiếp tục gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt. Ảnh: QH
Thực hiện chỉ thị chống dịch của chính quyền các địa phương, nhiều đại lý kinh doanh ô tô của các hãng xe Toyota, Ford, Mitsubishi... tại Hà Nội, TP.HCM tạm dừng hoạt động và gần như rơi vào cảnh đóng băng đặc biệt trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9-2021.
Đồng thời, các nhà máy sản xuất ô tô của một số hãng xe cũng bị ảnh hưởng vì thiếu chip, linh kiện lắp ráp do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. “Chưa có năm nào mà thị trường ô tô Việt Nam trải qua nhiều sóng gió như năm 2021. COVID-19 đã để lại dấu ấn khó quên cho toàn thị trường khi doanh số bán hàng sụt giảm mạnh. Có thể nói sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước là lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cần có sự hỗ trợ của Nhà nước” - tờ trình nêu.
Còn khi trình bày về lý do để gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022, dự thảo tờ trình của Bộ Tài chính cho hay: Sản xuất, kinh doanh thời gian qua gặp nhiều khó khăn, doanh số và giao dịch thương mại bị gián đoạn, DN gặp khó khăn trong cân đối nguồn tài chính để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Chính sách hỗ trợ của Nhà nước thông qua cơ chế giãn, hoãn nộp các khoản thuế phát sinh sẽ giúp các DN, cá nhân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, khôi phục sản xuất, kinh doanh” - tờ trình nêu và coi đó là lý do chủ yếu để tiếp tục các chính sách, giải pháp về gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Thực chất là cho vay không tính lãi
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng: Dự thảo gia hạn quy định về nộp thuế dành cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhằm tiếp tục khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu…
“Chính sách này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động liên quan đến thuế của các DN trong hầu hết tất cả ngành nghề sản xuất, đầu tư kinh doanh” - ông Tuấn nhận xét.
Trình bày dự thảo hai nghị định, bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế thuộc Tổng cục Thuế, cho hay: Gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, mặt nước, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước… thực chất là việc Nhà nước cho DN, người dân vay tiền không tính lãi.
“Việc này cũng không ảnh hưởng đến thu ngân sách, nằm trong thẩm quyền của Chính phủ và không phải trình Quốc hội điều chỉnh dự toán thu ngân sách đã được thông qua” - bà Hiền nhấn mạnh.
Thủ tục phải đơn giản
Một số ý kiến cho rằng cần đơn giản hóa thủ tục và xem xét đối tượng, phạm vi của chính sách gia hạn thuế. LS Trần Thị Thanh Thư từ TP.HCM phân tích: Thực tế một số DN chỉ có số lao động nhỉnh hơn tiêu chí DN nhỏ, siêu nhỏ một chút nhưng lại không được hưởng chính sách gia hạn nói trên. Vì vậy, LS Thư đề nghị điều chỉnh tiêu chí, có thể theo doanh thu sụt giảm hay tỉ lệ doanh thu, lợi nhuận sụt giảm theo chu kỳ.
LS Trương Thanh Đức đề xuất đơn giản hóa thủ tục cho DN và người dân. Ông phân tích: “Nếu là chính sách của Nhà nước thì cứ mặc nhiên thôi, chả cần đơn từ, rồi lại nhớ nhớ quên quên… Chúng ta đã có công cụ quản lý. Xử lý cả mấy trăm ngàn cái đơn thì cũng phức tạp, mất thời gian, tốn kém”.
Giải đáp về những nội dung này, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế, cho rằng: Việc xác định đối tượng để gia hạn thuế của nghị định thì cần căn cứ vào tiêu chí đã được Luật DN nhỏ và vừa quy định để bảo đảm thống nhất. Ông cũng giải trình rằng: Nếu theo đúng quy định Luật Quản lý thuế thì thủ tục để gia hạn rất phức tạp. Mặt khác, về nguyên tắc người nộp thuế tự khai, tự chịu trách nhiệm vì họ biết số thuế phải nộp. Cơ quan thuế không phải thông báo nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế.
“Quy định một loại giấy đề nghị gia hạn thuế cho tất cả loại thuế thôi. Anh hoạt động trong lĩnh vực nào thì biết chắc có thuộc đối tượng giãn, hoãn hay không” - ông Huy phân trần. Bà Hiền nói thêm, thật ra giấy đề nghị gia hạn thuế cũng cần thiết cho cơ quan thuế để làm căn cứ thống kê, tổng kết, đánh giá tác động của chính sách nữa.•
Gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô Trong dự thảo tờ trình về việc ban hành nghị định gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính cho biết: Dự kiến gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8 và tháng 9 của năm 2022. Cụ thể, thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8 và tháng 9-2022 chậm nhất là ngày 20-11-2022. Do là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho DN sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký. Bộ Tài chính đánh giá việc giảm thuế này dự kiến giảm thu ngân sách 2.000-3.000 tỉ đồng, tức bình quân mỗi tháng khoảng 170-250 tỉ đồng. Như vậy, tổng số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến phát sinh được gia hạn bốn kỳ từ kỳ tính thuế tháng 6 đến tháng 9 khoảng 9.300-11.400 tỉ đồng. Không làm ảnh hưởng tới thu ngân sách Tổng cục Thuế khẳng định các chính sách giãn, hoãn một số loại thuế, tiền thuê đất không làm ảnh hưởng tới thu ngân sách và không phải điều chỉnh dự toán ngân sách đã được Quốc hội thông qua. Lý do là vì các loại thuế, tiền thuê đất, mặt nước DN vẫn phải nộp trước ngày 31-12. Đánh giá tác động cụ thể của các chính sách gia hạn, Bộ Tài chính nêu rõ: Tổng số thuế giá trị gia tăng gia hạn từ tháng 3 đến tháng 8-2022 và quý I, quý II-2022 là khoảng 53.300-54.300 tỉ đồng. Thuế thu nhập DN tạm nộp quý I, quý II của kỳ tính thuế năm 2022 được gia hạn khoảng 51.000-52.000 tỉ đồng. Số thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn là khoảng 15.304 tỉ đồng; số tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn khoảng 3.500-3.700 tỉ đồng. |