Nhiều lợi ích cho doanh nghiệp từ bộ tiêu chí chuẩn hội nhập

(PLO)- Bộ tiêu chí chuẩn hội nhập giúp các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí để thuận lợi xuất khẩu cũng như lợi thế khi đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ trong nước
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-2, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tổng kết chương trình HVNCLC - Chuẩn hội nhập và tọa đàm chia sẻ và định hướng về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) .

Nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, ngày nay hàng Việt muốn ra thế giới phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của thế giới. Hội DN HVNCLC tiên phong đưa ra bộ tiêu chí Chuẩn hội nhập đáp ứng kịp thời yêu cầu của thời đại mới.

“Nếu trước đây HVNCLC chỉ do người tiêu dùng bình chọn thì hiện nay phải đạt Chuẩn hội nhập. Đó là hàng hóa sản phẩm phải đáp ứng được các hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế” - ông Quân nói.

Bà Vũ Thị Bích Thủy, đại diện Saigon Co.op cho biết, chuẩn hội nhập được DN tiếp cận khá sâu và đánh giá cao tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, để người tiêu dùng nhận thức chuẩn hội nhập thế nào cần được truyền thông mạnh mẽ.

“Chúng tôi ưu tiên hàng hóa của những đơn vị đạt chứng nhận liên quan về quản lý chất lượng tiên tiến, tối thiểu phải đạt HVNCLC và sắp tới là HVNCLC-Chuẩn hội nhập. Đây là công bố trong chính sách chất lượng của Saigon Co.op” - bà Thủy nói.

Hàng hóa đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao-Chuẩn hội nhập lợi thế khi chào hàng với siêu thị

Hàng hóa đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao-Chuẩn hội nhập lợi thế khi chào hàng với siêu thị

Theo ông Phùng Nhi Phương, Chuyên gia đánh giá tiêu chuẩn HVNCLC-Chuẩn hội nhập cho biết, do quan hệ quốc tế thay đổi, thị trường thay đổi nên chuỗi cung ứng của các DN nước ngoài sẽ dịch chuyển.

“Đơn cử một số DN Hàn Quốc, Nhật Bản dịch chuyển từ nước khác về Việt Nam thì Hội DN HVNCLC giới thiệu những DN đạt chuẩn để các DN nước ngoài có thể lựa chọn vào chuỗi cung ứng. DN Việt cần nắm bắt sự dịch chuyển này để cung ứng cho họ” - ông Phương chỉ ra.

Tuy nhiên, chuyên gia dự án Chuẩn hội nhập cho biết, qua sáu năm triển khai, các DN trong ngành thực phẩm vẫn còn một số vướng mắc và phải khắc phục.

Trong đó, kiểm soát nguyên liệu đầu vào có 26% DN vướng; 19% DN vướng về nguồn nước, 17% DN vướng về ghi nhãn sản phẩm…

Đối với DN ngành phi thực phẩm, tỉ lệ DN chưa đáp ứng được là tiêu chí an toàn sức khỏe nghề nghiệp chiếm nhiều nhất 15%.

Bên cạnh đó, 13% DN chưa phân tích rủi ro, cơ hội để có kế hoạch ứng phó.

“Tiêu chuẩn hội nhập được xây dựng giúp DN đảm bảo chất lượng ổn định đúng như cam kết với người tiêu dùng. Tùy năng lực của mình DN thực hiện cho phù hợp, tiến bộ mỗi ngày, DN tránh tưởng tượng quá sức để không bị đứt gãy trong quá trình đáp ứng bộ tiêu chí” - ông Phương nói.

Theo đại diện Hội DN HVNCLC, giai đoạn 2023-2025 hội sẽ đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn và xúc tiến thương mại. Trong đó thực hiện tốt thỏa thuận với Bộ KH-CN và Bộ NN&PTNT giúp DN và nông dân xây dựng tiêu chuẩn hội nhập.

Đồng thời, hợp tác tốt với các hiệp hội ngành hàng, các hệ thống phân phối giúp DN và nông dân phát triển thị trường bán hàng; tư vấn ghi nhãn đáp ứng yêu cầu của thị trường...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm