Khảo sát PAPI do MTTQ Việt Nam ở các cấp phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (CECODES), cùng Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam thực hiện.
Trong báo cáo này, nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” cho thấy mức độ tham nhũng vẫn còn cao, thậm chí có chỉ số còn cao hơn các năm trước.
Cụ thể, báo cáo cho biết người dân ít lạc quan hơn trong đánh giá về hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương so với kết quả của năm năm trước. Ở các lĩnh vực đất đai, y tế, giáo dục, tuyển dụng khu vực công vẫn còn tình trạng vòi vĩnh, “lót tay”.
“Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng một bộ máy nhà nước liêm chính, trong sạch, vững mạnh. Song mục tiêu này rất khó đạt được, nhất là khi thân quen và “lót tay” còn là những yếu tố quyết định sự thành công của một cá nhân khi xin việc vào khu vực công” - báo cáo PAPI nhận định.
Trong báo cáo PAPI năm nay, khoảng 54% số người dân được khảo sát cho rằng cần phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực Nhà nước, cao hơn tỉ lệ 51% của năm 2015 và 46% của năm 2011.
Báo cáo PAPI 2016 được khảo sát từ 14.063 người dân ngẫu nhiên tại 63 tỉnh, TP cả nước về hiệu quả của quá trình tương tác với các cấp chính quyền nhằm thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân trong một năm qua. Ý kiến của người dân được tập trung chủ yếu trong sáu lĩnh vực là: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công.
PAPI 2016, Cần Thơ là địa phương dẫn đầu với tổng điểm 39,57, tiếp theo là Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Phú Thọ, Quảng Bình. Các tỉnh có chỉ số PAPI thấp là Quảng Ninh, Kiên Giang, Bạc Liêu…