Chiều 25-5, Hội Sáng chế Việt Nam tổ chức hội nghị “Đổi mới sáng tạo và sáng chế xanh cho sự phát triển bền vững”.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam cho biết, năm 2012, Chính phủ phê duyệt chiến lược tăng trưởng xanh. Đến nay các sáng chế xanh tăng gấp 10 lần so với trước khi có phê duyệt của Chính phủ.
Theo ông Bình, nhiều sáng chế chủ yếu tập trung vào không tiêu tốn tài nguyên môi trường. Điển hình có một sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ là máy tách sợi chuối.
Việt Nam trồng rất nhiều chuối nhưng đa số chỉ lấy trái, phần thân cây chuối ít được dùng đến. Tuy nhiên, công ty này thu mua tất cả thân chuối về ép. Sau đó, thân chuối được xử lý tách thành sợi thô làm các đồ thủ công mỹ nghệ, sợi tinh hơn được cung cấp cho các nhà máy dệt thay thế bông…
“Một quy trình mà hiện nay công nghệ Việt Nam chưa phát triển được từ sợi chuối thô thành sợi tinh như Úc, NewZealand. Một số nước phát triển đã có công nghệ và dùng sợi tinh từ chuối có thể thay thế cacbon sản xuất các vật liệu nhẹ.
Thậm chí sản xuất lốp máy bay, vỏ cho xe đua công thức cao và nhu cầu rất nhiều. Vì vậy, các sáng chế phải áp dụng vào thực tiễn, thương mại hóa thành công mới phát triển bền vững" - ông Bình nói.
Sáng chế máy tách sợi chuối được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ. Ảnh minh hoạ Internet |
Theo ông Bình, tại Việt Nam tỉ lệ thương mại hóa sáng chế rất thấp khoảng 5%, (thế giới 20-25% là cao). Nguyên nhân các nhà sáng chế không có nguồn lực, có những sáng chế tư duy thiết kế không thấu hiểu được người dùng hoặc doanh nghiệp nhận thấy khó mang lại lợi nhuận nên không đầu tư.
Hội Sáng Chế Việt Nam luôn có các khóa đào tạo cho hội viên, khuyến cáo nên sáng chế ra những cái xã hội cần, cũng như phải lưu ý đến khả năng thương mại chứ không chỉ cần đam mê là được.
Theo ông Bình, Cơ quan Sáng chế Hàn Quốc có chương trình giống Việt Nam là hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Khi hỗ trợ một doanh nghiệp có sáng chế, họ không chỉ hỗ trợ một phần tiền mà lập một nhóm chuyên gia công nghệ và chuyên gia thị trường.
Nhóm này đánh giá sáng chế đó nên áp dụng công nghệ nào sẽ sản xuất ra sản phẩm tốt nhất, liệu sản phẩm đó được thị trường chấp nhận hay không.
Trong khi đó, các nhà sáng chế Việt Nam dù đã hỗ trợ nhiều nhưng còn nhiều khó khăn. Do đó, người có những quỹ đầu tư về sáng chế, một số nước có ngân hàng sáng chế, những chính sách hỗ trợ trong thương mại hóa.
“Đặc biệt, mong có chính sách ưu đãi về nguồn lực, công nghệ và tiếp cận nguồn vốn. Tôi biết nhiều nhà sáng chế để tạo ra một sáng chế đôi khi phải bán nhà nhưng không đủ nguồn lực để đầu tư tiếp cho sáng chế đó”- ông Bình nói.
Năm 2022 Việt Nam có 153 bằng sáng chế độc quyền
Số liệu từ Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2022 số đơn đăng ký sáng chế đã nộp là 8.707, trong đó người nộp đơn nước ngoài 7.812, còn lại 875 người nộp đơn Việt Nam.
Năm 2022 đã cấp 3.868 bằng độc quyền sáng chế trong đó người nộp đơn nước ngoài là 3.715 bằng, còn lại 153 là người nộp đơn Việt Nam.
Theo ông Bình, đây là động lực để nhà sáng chế Việt Nam đổi mới sáng tạo nhiều hơn.