Nhiều “thủy điện đầm lăn” bị sự cố

Vì sao các thủy điện Sơn La, Bình Điền (Huế), Sê San 4 (Gia Lai), Sông Ba Hạ (Phú Yên)… cũng bị thấm nước như sự cố ở thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam)? Ngày 12-4, trả lời PV Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, chỉ cho biết các đơn vị liên quan đang tổ chức kiểm tra các thủy điện này. Theo ông Liên, những sự cố ở các thủy điện nêu trên không nguy hiểm, không ảnh hưởng đến an toàn của đập.

Nứt bê tông, thấm nước

Sau khi thủy điện Sông Tranh 2 bị sự cố, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế, thi công thủy điện có thông tin cho biết khá nhiều thủy điện ở Việt Nam cũng mắc bệnh tương tự. “Đây là một trong những lỗi dễ phát hiện nhất đối với các đập thủy điện ở Việt Nam. Tuy nhiên, nguyên nhân vì sao thì đến nay vẫn chưa có đơn vị nào nghiên cứu, công bố” - một chuyên gia cho biết.

Theo tìm hiểu của PV Pháp Luật TP.HCM, các sự cố ở thủy điện xảy ra trong khoảng từ năm 2007 đến nay. Trong đó, thủy điện bị sự cố giống với Sông Tranh 2 nhất là Sê San 4. Theo một số đơn vị đã từng tham gia khảo sát, trong đường hầm thu gom nước ở thủy điện này cũng bị tình trạng thấm nước. Thủy điện Sông Ba Hạ cũng từng xuất hiện tình trạng thấm nước trong đường hầm nên tháng 4-2011, Công ty Thủy điện Sông Ba Hạ phải thuê một đơn vị bên ngoài vào chống thấm với chi phí khoảng 1 tỉ đồng.

Thủy điện Bình Điền (Huế) sau khi xây dựng xong cũng xuất hiện các vết nứt bê tông ở mái đập hạ lưu, chạy dài từ trên đỉnh xuống dưới chân đập. Ngoài ra, ở một số cửa van cũng xuất hiện tình trạng rò rỉ nước. Trong năm 2008, Công ty Cổ phần Thủy điện Bình Điền phải thuê một đơn vị xử lý bằng cách bơm keo chống thấm vào để trám khe nứt.

Nhiều “thủy điện đầm lăn” bị sự cố ảnh 1

1. Xì nước trong đường hầm thủy điện Sê San 4.

Nhiều “thủy điện đầm lăn” bị sự cố ảnh 2

2. Vết nứt chạy dài từ đỉnh xuống chân đập ở thủy điện Bình Điền.

Nhiều “thủy điện đầm lăn” bị sự cố ảnh 3

3. Xử lý sự cố thấm nước ở đường hầm thủy điện Sơn La.

Nhiều “thủy điện đầm lăn” bị sự cố ảnh 4

4. Đồng hồ đo theo dõi vết nứt ở thủy điện Sơn La.

Thủy điện Sơn La trước khi đưa vào sử dụng cũng xuất hiện các vết nứt bê tông. Ngoài ra, tại một số hành lang thu gom nước cũng xuất hiện tình trạng rò rỉ. Năm 2010, đơn vị thi công các hạng mục trên phải thuê một đơn vị khác để xử lý các vết nứt này bằng cách bơm keo để trám, trét.

Có phải do công nghệ đầm lăn?

Qua hình ảnh, thông tin chúng tôi thu thập được, bước đầu các chuyên gia về thủy điện nhận định sự cố ở các thủy điện nêu trên có thể là do việc thi công chống thấm không tốt. “Theo thiết kế, phần tiếp xúc với đập nước là một lớp bê tông có chức năng chống thấm cực tốt. Có thể ví đây cũng giống như “bức tường lửa” trong lĩnh vực tin học. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng “bức tường lửa này” cũng có thể bị hư hỏng, rò rỉ nước. Vì thế, ngay phía sau nó còn có một hệ thống thu gom nước, đưa vào các rãnh thoát nước trong đường hầm… Tóm lại, nếu việc chống thấm tốt cùng hệ thống thu gom nước hoạt động hiệu quả thì sẽ không có tình trạng nước thấm qua đường hầm hay mái đập hạ lưu như chúng ta thấy ở thủy điện Sông Tranh 2” - một chuyên gia giải thích.

Vì sao theo thiết kế các thủy điện đều có lớp bê tông chống thấm và hệ thống thu gom nước nhưng vẫn có tình trạng nước rò rỉ, thấm qua mái đập hạ lưu? Về vấn đề này, nhiều chuyên gia cùng chung nhận định nguyên nhân có thể là do việc thi công lắp đặt các khe nhiệt không tốt. Theo thiết kế, để nước không thấm qua, tại các khe nhiệt được lắp đặt khoảng ba khớp nối chống thấm hình omega, được làm bằng đồng nguyên chất. Các khớp nối này được lắp đặt từ trên đỉnh xuống đáy đập nên được gọi là “watter stop” (không cho nước qua). Do đó, nếu thi công đúng thiết kế thì sẽ không có hiện tượng nước thấm qua lớp bê tông chống thấm rồi luồn qua các khe nhiệt, chảy trong khối bê tông rồi đổ chảy ra mái đập hạ lưu.

Liên quan đến những sự cố ở các thủy điện nói trên, theo nghiên cứu của PGS-TS Nguyễn Thống, giảng viên khoa Kỹ thuật Xây dựng - ĐH Bách khoa TP.HCM, có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là các thủy điện như Sông Tranh 2, Sơn La, Bình Điền, Sê San 4 đều là thủy điện được thi công bằng công nghệ bê tông đầm lăn. Ông cho biết công nghệ bê tông đầm lăn được các nhà thầu Trung Quốc đưa sang Việt Nam hơn 10 năm nay. Hiện các đơn vị thi công thủy điện trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm về công nghệ này. “Bê tông đầm lăn là bê tông mác thấp vì ít tốn xi măng. Nó có hiệu quả kinh tế cao vì giá rẻ, thi công lại rất nhanh. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố thấm nước thì việc khắc phục sẽ khó hơn đập bê tông truyền thống” - PGS-TS Nguyễn Thống nói. Về nguyên nhân vì sao nhiều đập bê tông đầm lăn ở Việt Nam bị sự cố thấm nước, PGS-TS Nguyễn Thống cho rằng cần phải có một nghiên cứu chuyên sâu thì mới có thể đưa ra câu trả lời.

Để làm rõ thêm về sự cố ở các thủy điện, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhưng không vị nào nghe máy.

Để nước thấm qua là rất nguy hiểm

Nhiều chuyên gia cho rằng cần phải khảo sát, nghiên cứu thật kỹ, chỉ rõ nguyên nhân sự cố ở các thủy điện thì mới có thể tìm ra phương án khắc phục hiệu quả. Theo các chuyên gia, việc để nước thấm qua thân đập như ở thủy điện Sông Tranh 2 là rất nguy hiểm. “Nó không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng bê tông như một số chuyên gia đã nhận định. Nguy hiểm hơn, khi thân đập bị ướt đồng nghĩa với việc khả năng chống trượt của đập cũng bị giảm đi. Nói thẳng ra là đập sẽ mất an toàn, là nguy cơ vỡ đập có thể xảy ra. Vì thế, chúng ta không nên chủ quan đối với bất kỳ sự cố nào ở đập thủy điện” - một chuyên gia có nhiều năm công tác trong lĩnh vực thiết kế, thi công thủy điện cảnh báo.

TRUNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm