Nhiều trường học vắng bóng môn mỹ thuật, âm nhạc

(PLO)- Không đáp ứng về cơ sở vật chất cũng như thiếu đội ngũ giáo viên, năm học 2023-2024, nhiều trường THPT tại TP.HCM không thể tổ chức dạy học môn âm nhạc, mỹ thuật theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Không đáp ứng về cơ sở vật chất cũng như thiếu đội ngũ giáo viên, năm học 2023-2024, nhiều trường THPT tại TP.HCM không thể tổ chức dạy học môn âm nhạc, mỹ thuật theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2023-2024, chương trình mới tiếp tục được thực hiện ở bậc THPT với lớp 11 và đây là năm thứ hai triển khai ở lớp 10.

Sau khi Sở GD&ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10, các trường THPT tổ chức tiếp nhận học sinh trúng tuyển, đồng thời giới thiệu, tư vấn cho phụ huynh học sinh và học sinh về việc lựa chọn môn học lớp 10.

Một tiết học mỹ thuật của học sinh lớp 10 Trường THPT Ngô Thời Nhiệm cơ sở Thủ Đức. Ảnh: HP

Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức tổ chức tám tổ hợp môn lớp 10, trong đó đối với nhóm môn khoa học tự nhiên có năm tổ hợp, còn lại là nhóm môn khoa học xã hội. Ông Đỗ Dương Cung, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm học này trường không dạy môn âm nhạc, mỹ thuật.

Bà Phạm Thị Hồng Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Gò Vấp, cũng cho biết trường không có giáo viên cho những môn này. Hơn nữa, phòng học chưa đáp ứng cho việc giảng dạy.

Năm học này, Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 cũng không tổ chức dạy môn âm nhạc và mỹ thuật. Điều này đã được ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ tại buổi tư vấn cho phụ huynh, học sinh trong việc chọn môn học lớp 10.

Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại các trường THPT Võ Trường Toản, (quận 12), THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ), THPT Trần Quang Khải (quận 11)…

Là ngôi trường có hai cấp học, có giáo viên biên chế môn âm nhạc ở bậc THCS nên năm học 2023-2024, Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1 tổ chức dạy môn học lựa chọn âm nhạc theo chương trình mới. Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết đối với môn mỹ thuật, năm ngoái trường có mở được một lớp nhưng năm nay lượng học sinh đăng ký khá ít nên nhà trường cũng không thể tổ chức.

Trong khi đó, những trường như THPT Gia Định, THPT Nguyễn Hữu Cầu…, để duy trì tổ chức dạy các bộ môn nghệ thuật cho học sinh, nhà trường phải ký hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên dạy tại các trường THCS còn trống tiết trong khu vực.

Khó khăn trong tuyển sinh và đào tạo mỹ thuật, âm nhạc

Hiện nay, tại TP.HCM có hai cơ sở ĐH đào tạo chính về nhóm ngành sư phạm nhằm đáp ứng giáo viên cho TP và các địa phương khác là Trường ĐH Sài Gòn và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Nhưng chỉ có Trường ĐH Sài Gòn có tuyển sinh và đào tạo hai mã ngành mỹ thuật và âm nhạc.

Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 triển lãm các tác phẩm của học sinh lớp 10 được học môn mỹ thuật theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: TÚ NGÂN

Đại diện Trường ĐH Sài Gòn cho biết trường đã đào tạo ngành sư phạm mỹ thuật, sư phạm âm nhạc trình độ CĐ từ năm 1985, trình độ ĐH từ năm 2007. Chỉ tiêu hằng năm của hai ngành dao động 30-40 chỉ tiêu. Tuy nhiên, trường cũng gặp một số khó khăn trong tuyển sinh và đào tạo.

Cụ thể, số thí sinh có năng khiếu phù hợp lựa chọn hai ngành sư phạm này không nhiều, chưa hấp dẫn thí sinh do chi phí cao, không tương ứng với mức lương sau khi ra trường. Hơn nữa, do chỉ mới được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên mức độ quan tâm của học sinh cũng như việc tư vấn tuyển sinh đối với hai ngành học này ở các trường THPT chưa được quan tâm đúng mức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới