Thiếu giáo viên – câu chuyện muôn thuở nhưng có thể giải quyết

(PLO)- Thiếu giáo viên trầm trọng không chỉ diễn ra tại TP.HCM, đây là tình trạng chung của cả nước. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD&ĐT, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021-2022 Tuy nhiên, điều đáng nói, năm học 2022-2023, toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc.

Lý do được Bộ GD&ĐT đưa ra chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày; thêm một số môn học mới, bắt buộc, thêm tiết học giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Các ứng viên tham gia đợt tuyển dụng viên chức do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Các ứng viên tham gia đợt tuyển dụng viên chức do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bên cạnh đó, việc tuyển dụng giáo viên phổ thông ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển. Đặc biệt việc thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở nhiều địa phương còn thực hiện một cách cơ học. Một số địa phương không tuyển dụng mới giáo viên để thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế. Và một trong những nguyên nhân căn cơ là thiếu cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề, lương giáo viên mới được tuyển dụng thấp.

Nói thêm về vấn đề này, tại kỳ họp HĐND TP Cần Thơ diễn ra tháng 7-2023, trong phần trả lời chất vấn của mình, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thanh Bình cho biết chế độ, phụ cấp với giáo viên còn thấp nhất là giáo viên mới ra trường, theo thống kê lương bình quân 3,5-4 triệu/thành. Chính điều này đã ảnh hưởng đến chi tiêu hàng ngày và khiến họ không yên tâm công tác.

Không chỉ Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, mà lãnh đạo các Sở GD&ĐT Bình Phước, Hoà Bình... cũng từng lên tiếng về câu chuyện thiếu giáo viên và kiến nghị chế độ đãi ngộ, chính sách tiền lương phù hợp để giáo viên an tâm với nghề, để thu hút nhân lực.

Để giải quyết tình trạng trên, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế và số lượng giáo viên hiện có của các địa phương để phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Trung ương bổ sung biên chế ngành giáo dục năm học 20223-2024 trong tổng số biên chế giáo viên được bổ sung đến năm 2026.

Ngoài ra, các địa phương phải tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao để đảm bảo số lượng và chất lượng; trường hợp chưa tuyển dụng đủ giáo viên thì cần phải bố trí nguồn lực để hợp đồng.

Mặt khác, cần phải nhanh chóng rà soát, hoàn thiện Đề án phát triển đội ngũ giáo viên với tầm nhìn dài hạn, làm căn cứ cho tuyển dụng, bố trí sử dụng giáo viên. Trong đó, nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác.

Các giải pháp trên phải thực hiện một cách đồng bộ mới phát huy được tác dụng.

GD&ĐT là quốc sách hàng đầu. Do đó, để có thể thu hút người giỏi vào nghề giáo, để người thầy sống được với nghề và toàn tâm gắn bó với nghề thì phải có nhiều chính sách thu hút trong đó tăng lương là giải pháp căn cơ.

Chỉ khi nào chính sách được xây dựng và đi vào thực tiễn, bài toán thiếu giáo viên được giải quyết thì chất lượng GD&ĐT mới hy vọng khởi sắc, từ đó đáp ứng những nhu cầu đào tạo nhân lực mà xã hội đặt ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm