Nhìn lại 21 lần chính phủ Mỹ đóng cửa

(PLO)- Chính phủ Mỹ đang đứng trước nguy cơ đóng cửa vào cuối tuần này, song nếu xảy ra thì cũng không phải là lần đầu tiên.

Chính phủ Mỹ đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vào cuối tuần này nếu nghị sĩ lưỡng đảng quốc hội không thể thông qua được thỏa thuận về ngân sách hoạt động, theo đài CNN.

Hạn chót để hai bên tìm tiếng nói chung là đến hết ngày 30-9, nếu không đạt được, chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa từ ngày 1-10.

Trong lịch sử nước Mỹ đã có tới 21 lần chính phủ đóng cửa.

Việc chính phủ đóng cửa sẽ dẫn đến đình chỉ các chức năng không thiết yếu của liên bang và làm hàng triệu nhân viên liên bang không được trả lương, đồng thời chức năng của nhiều bộ phận khác nhau trong chính phủ có thể bị ảnh hưởng.

Tuy vậy, các dịch vụ an sinh xã hội và các khoản thanh toán bắt buộc khác của chính phủ Mỹ vẫn sẽ được thực hiện.

a.png
Khách du lịch đi ngang qua tấm biển thông báo đóng cửa tham quan tượng Nữ thần Tự do do việc chính phủ Mỹ đóng cửa hồi 2013. Ảnh: AFP

Dưới đây là 21 lần chính phủ liên bang phải đóng cửa.

Đóng cửa chính phủ 3 lần dưới thời Tổng thống Donald Trump

Lần đóng cửa chính phủ liên bang gần đây nhất kéo dài 35 ngày từ tháng 12-2018 đến tháng 1-2019 dưới thời Tổng thống Donald Trump. Đây là lần đóng cửa chính phủ dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Việc đóng cửa xảy ra do ông Trump yêu cầu quốc hội duyệt chi 5,7 tỉ USD cho bức tường dọc biên giới Mỹ-Mexico nhưng bị các nhà lập pháp đảng Dân chủ phản đối mạnh mẽ.

Việc đóng cửa chấm dứt sau khi ông Trump đồng ý ký dự luật tài trợ ngắn hạn để mở cửa lại chính phủ trong 3 tuần và không cấp tiền cho bức tường biên giới.

Vài tuần sau, quốc hội đã ngăn chặn một đợt đóng cửa khác bằng cách thông qua gói chi 1,375 tỉ USD cho bức tường biên giới, ít hơn nhiều so với con số 5,7 tỉ USD mà ông Trump đề xuất.

Trước đó còn 2 lần đóng cửa dưới thời ông Trump và đều ở năm 2018. Đợt đóng cửa chính phủ lần 1 kéo dài trong 3 ngày, từ 19 đến 21-1.

Nguyên nhân là đảng Dân chủ từ chối bỏ phiếu về gói chi tiêu của ông Trump, trừ khi quốc hội có thỏa thuận đảm bảo bảo vệ trẻ em theo chương trình Trì hoãn hành động dành cho trẻ em đến Mỹ (DACA), nhằm bảo vệ những người di cư trái phép đến Mỹ khi còn nhỏ.

Đảng Dân chủ đã nhượng bộ sau khi đảng Cộng hòa cam kết nỗ lực hướng tới một thỏa thuận giải quyết DACA và ông Trump đã ký dự luật mở cửa trở lại chính phủ.

Lần đóng cửa thứ 2 vào ngày 8-2 và kéo dài chỉ vài giờ.

Nguyên nhân là Thượng nghị sĩ Cộng hoà Rand Paul liên tục ngăn cản Thượng viện bỏ phiếu về thỏa thuận ngân sách 2 năm của chính phủ, trong đó bao gồm việc tăng tài trợ liên bang. Thượng viện đã thông qua dự luật vào ngày hôm sau và chính phủ mở cửa trở lại.

Năm 2013, dưới thời Tổng thống Barack Obama

Lần đóng cửa duy nhất xảy ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama kéo dài 17 ngày, bắt đầu từ ngày 30-9-2013.

Lần đóng cửa này xuất phát từ việc các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện cố gắng thúc đẩy gói chi tiêu có thể gây trì hoãn Đạo luật Chăm sóc Y tế Giá cả phải chăng (Obamacare) của ông Obama.

A.jpeg
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Nhà Trắng vào tháng 9-2022. Ảnh: GETTY IMAGES

Ông Obama kêu gọi một dự luật chi tiêu không có điều kiện kèm theo nhưng đảng Cộng hòa không chấp nhận, dẫn đến đóng cửa chính phủ.

Tuy nhiên phe Cộng hòa tại Hạ viện cuối cùng đã nhượng bộ phe Dân chủ và thông qua dự luật chi tiêu ngắn hạn không bao gồm những thay đổi đối với Obamacare.

Đóng cửa chính phủ 2 lần dưới thời Tổng thống Bill Clinton

Lần đóng cửa chính phủ đầu tiên xảy ra dưới thời Tổng thống Bill Clinton kéo dài 5 ngày (bắt đầu từ ngày 13-11-1995), khi ông phủ quyết một nghị quyết của Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich (thuộc đảng Cộng hòa) và lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Bob Dole.

Nghị quyết này bao gồm việc tăng phí bảo hiểm Medicare, bãi bỏ các quy định về môi trường và yêu cầu cân bằng ngân sách trong vòng 7 năm.

Lần đóng cửa chính phủ thứ 2 kéo dài 21 ngày, bắt đầu từ ngày 15-12-1995.

Theo trang Vox, việc đóng cửa xuất phát từ sự khác biệt giữa ông Clinton và đảng Cộng hòa tại Hạ viện về việc nên sử dụng dữ liệu từ Văn phòng Ngân sách của quốc hội hay từ Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng để đánh giá xem kế hoạch ngân sách của chính phủ Mỹ có cân bằng hay không.

Năm 1990, dưới thời Tổng thống George HW Bush

Theo tờ The New York Times, lần đóng cửa chính phủ duy nhất dưới thời Tổng thống George HW Bush kéo dài 4 ngày, bắt đầu từ ngày 5-10-1990, do ông Bush phủ quyết dự luật chi tiêu tạm thời vì không bao gồm kế hoạch giảm thâm hụt.

Cuối cùng quốc hội đã thông qua một nghị quyết ngân sách chung vạch ra kế hoạch giảm thâm hụt và Tổng thống đã ký nghị quyết mở cửa lại chính phủ.

Đóng cửa chính phủ 8 lần dưới thời Tổng thống Ronald Reagan

Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan đã đóng cửa tổng cộng 8 lần, gồm 1 lần vào năm 1981, 2 lần vào năm 1982, 1 lần vào năm 1983, 2 lần vào năm 1984, 1 lần vào năm 1986 và 1 lần vào năm 1987.

Tất cả lần đóng cửa chính phủ đều xuất phát từ bất đồng giữa Tổng thống Reagan và các nghị sĩ Dân chủ về nhiều khía cạnh, chẳng hạn như về dự luật tội phạm, dự luật dân quyền; về các vấn đề như tài trợ giáo dục; tăng viện trợ cho Israel và Ai Cập, giảm viện trợ cho Syria và El Salvador cũng như chi tiêu quốc phòng ít hơn;...

Đóng cửa chính phủ 5 lần dưới thời Tổng thống Jimmy Carter

Có 5 lần đóng cửa chính phủ dưới thời Tổng thống Jimmy Carter. Lần đầu tiên vào năm 1977, kéo dài 12 ngày, do Thượng viện và Hạ viện không tìm được tiếng nói chung về việc tài trợ cho hoạt động phá thai.

Theo The Hill, Thượng viện muốn sử dụng tiền Medicaid để tài trợ cho các ca phá thai trong các trường hợp phụ nữ bị hiếp dâm, cận huyết, khi sức khỏe của người mẹ gặp nguy hiểm,.... Ngược lại, Hạ viện nhất quyết giữ lệnh cấm phá thai chặt chẽ hơn.

a.png
Ảnh chụp cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter tại bang Georgia (Mỹ) hồi năm 2019. Ảnh: GETTY IMAGES

Trong 5 lần đóng cửa chính phủ, lần dài nhất kéo dài 17 ngày (vào năm 1978), bắt đầu khi ông Carter phủ quyết dự luật chi tiêu quốc phòng, cho rằng gói chi tiêu này lãng phí.

Năm 1976, dưới thời Tổng thống Gerald Ford

Lần đóng cửa chính phủ năm 1976 dưới thời Tổng thống Gerald Ford cũng chính là lần đóng cửa chính phủ đầu tiên của Mỹ.

Đợt đóng cửa này kéo dài 11 ngày, xảy ra sau khi ông Ford phủ quyết dự luật của quốc hội nhằm tài trợ cho Bộ Lao động-Y tế-Giáo dục-Phúc lợi. Bộ này về sau được chia ra thành 2 bộ là Bộ Giáo dục và Bộ Y tế-Dịch vụ Nhân sinh.

Hệ luỵ xưa ra sao, sắp tới thế nào?

Trong thời gian đóng cửa, chính phủ Mỹ chỉ có thể chi tiền cho các dịch vụ thiết yếu, chẳng hạn như những dịch vụ liên quan đến thực thi pháp luật và an toàn công cộng. Điều này đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn nhân viên liên bang bị cho nghỉ việc tạm thời hoặc bị chậm trả lương.

Điều này có thể gây ra khó khăn tài chính nghiêm trọng cho một số gia đình Mỹ vào thời điểm nhiều gia đình vẫn đang phải vật lộn với giá cả tăng cao do lạm phát và các khoản vay sinh viên sắp phải trả.

Các cơ sở giải trí do chính phủ liên bang tài trợ sẽ buộc phải đóng cửa, do đó du khách không thể đến thăm các công viên quốc gia hoặc bảo tàng trong thời gian chính phủ ngừng hoạt động. Cơ quan Công viên Quốc gia ước tính rằng đợt chính phủ đóng cửa năm 2013 đã tổn thất 500 triệu USD tổng thu từ khách du lịch.

Một số sân bay cũng có thể gặp phải tình trạng gián đoạn và trì hoãn, chẳng hạn như trong đợt chính phủ ngừng hoạt động năm 2019 các nhân viên kiểm soát không lưu làm việc không lương đã đe dọa nghỉ việc. Văn phòng hộ chiếu ở một số khu vực nhất định cũng có thể đóng cửa, gây bất tiện cho những người có kế hoạch đi du lịch quốc tế.

Theo tạp chí TIME, nếu chính phủ liên bang đóng cửa từ ngày 1-10 tới và vụ việc này kéo dài, thì nhiều chương trình phúc lợi liên bang cũng sẽ bị gián đoạn, trong đó có Chương trình Dinh dưỡng Bổ sung Đặc biệt dành cho Phụ nữ, Trẻ sơ sinh và Trẻ em (WIC).

Nhà Trắng ước tính khoảng 10.000 trẻ em sẽ mất khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em kể từ tháng 10 do sự gián đoạn đối với các chương trình như Head Start (chuyên tài trợ cho các tổ chức chăm sóc trẻ em) và một số trung tâm chăm sóc trẻ em buộc phải đóng cửa.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực cứu trợ thiên tai sau trận cháy rừng ở đảo Maui (bang Hawaii) và bão lũ ở bang Florida, Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) đã cảnh báo rằng Quỹ Cứu trợ Thiên tai đang có nguy cơ cạn kiệt nếu chính phủ đóng cửa mà không phê duyệt nguồn tài trợ khẩn cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm