Chưa thông qua được ngân sách hoạt động cho chính phủ Mỹ

(PLO)- Còn chưa đầy một tuần trước khi bước vào năm tài chính mới nhưng Quốc hội Mỹ chưa thông qua được ngân sách hoạt động cho chính phủ.

Theo đài CNN, chính phủ Mỹ đang tiến gần tới nguy cơ đóng cửa vào cuối tuần này khi nghị sĩ lưỡng đảng Quốc hội không thể thông qua được thỏa thuận về ngân sách hoạt động. Hạn chót để hai bên giải quyết với nhau là ngày 1-10 (giờ địa phương) và giới chuyên gia cảnh báo viễn cảnh chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ là một thảm họa về kinh tế và chính trị cho nước này.

Tiến trình đàm phán giữa hai bên ra sao?

Đến nay, Quốc hội Mỹ hiện vẫn chưa thông qua được bất kỳ dự luật nào trong số 12 dự luật chi tiêu thường xuyên để tài trợ cho các chương trình của cơ quan liên bang trong năm tài chính tiếp theo bắt đầu từ ngày 1-10.

Ở Hạ viện, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hòa trước đó tuyên bố sẽ thúc đẩy một kế hoạch đầy tham vọng trong tuần này để giành được sự chấp thuận đối với bốn dự luật lớn nhằm tài trợ cho quân đội và an ninh nội địa.

ảnh-p16-27-9.jpg
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington, D.C. hồi tháng 7. Ảnh: AP

Ông cho rằng nước đi này sẽ đủ để thuyết phục các đảng viên Cộng hòa cực hữu đồng ý để chính phủ Mỹ có khoản chi tạm thời. Nghị sĩ Cộng hòa Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, cũng kêu gọi các nhóm cực hữu trong đảng ngừng chặn các dự luật chi tiêu do đảng Cộng hòa hậu thuẫn và cùng ngồi lại với đảng Dân chủ để tránh viễn cảnh đóng cửa chính phủ. Dù vậy, một số nguồn tin nội bộ cho biết các đảng viên Cộng hòa cực hữu muốn đàm phán để cắt giảm thêm 120 triệu USD trong các khoản chi tiêu sắp tới.

Trong khi đó, ở Thượng viện, các nghị sĩ ở đây cũng đang cố gắng ngăn chặn nguy cơ đóng cửa bằng một kế hoạch lưỡng đảng ở riêng cơ quan này nhằm “câu giờ” và duy trì tài chính cho các văn phòng sau thời hạn 1-10 để công việc tại Quốc hội không bị gián đoạn. Tuy nhiên, các kế hoạch giải quyết viện trợ bổ sung cho Ukraine đã gặp rắc rối khi một số đảng viên Cộng hòa ở cả hai viện phản đối việc tăng viện trợ cho Ukraine, không muốn kéo dài chiến tranh.

Cựu Tổng thống Donald Trump, người có mối quan hệ gần gũi với nhóm nghị sĩ cực hữu nói trên, đã kêu gọi họ kiên định lập trường. “Đây còn là cơ hội cuối cùng để ngắt ngân sách cho những vụ truy tố chính trị chống lại tôi và những người yêu nước khác” - ông Trump tuyên bố.

Hậu quả là gì?

Tổng thống Joe Biden đã lên tiếng cảnh báo việc các đảng viên Cộng hòa cực hữu ngăn chặn thông qua ngân sách của chính phủ sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng người da màu, bao gồm việc giảm phúc lợi dinh dưỡng, kiểm tra các khu xử lý chất thải nguy hại và thực thi luật nhà ở công bằng, theo hãng tin Reuters.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack chi biết phần đông trong số 7 triệu người tham gia Chương trình Dinh dưỡng bổ sung đặc biệt dành cho phụ nữ, trẻ sơ sinh và trẻ em (WIC) sẽ bị giảm quyền lợi ngay lập tức trong vài tuần, thậm chí là vài ngày, sau khi chính phủ đóng cửa.

Chương trình Hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung (SNAP), một chương trình phúc lợi riêng biệt, sẽ tiếp tục hoạt động bình thường trong tháng 10 nhưng có thể bị ảnh hưởng sau đó. Hơn 40 triệu người Mỹ dựa vào SNAP để kiếm sống vào năm 2022 trong khi lạm phát đã gây áp lực mới lên ngân sách hộ gia đình, với giá cả hàng hóa từ bánh mì, rau tươi và sữa bột trẻ em tăng cao kể từ đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, các dịch vụ của chính phủ Mỹ khi bị gián đoạn thì hàng trăm ngàn nhân viên liên bang sẽ tạm thời nghỉ việc và không được trả lương. Tuy một số cơ quan chính phủ sẽ được miễn trừ nếu chính phủ ngừng hoạt động, các cơ quan chức năng khác sẽ bị cắt giảm nghiêm trọng. Các cơ quan liên bang sẽ dừng mọi hành động được coi là không cần thiết. Những người đăng ký các dịch vụ của chính phủ như thử nghiệm lâm sàng, đăng ký giấy phép hành chính hoặc làm hộ chiếu có thể bị chậm trễ.

Các doanh nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ với chính phủ liên bang, chẳng hạn như các nhà thầu liên bang hoặc dịch vụ tham quan tại các công viên quốc gia cũng có khả năng gặp phải tình trạng gián đoạn và suy thoái.

Theo Hiệp hội Công nghiệp du lịch Mỹ, ngành du lịch có thể thiệt hại 140 triệu USD mỗi ngày nếu chính phủ ngừng hoạt động. Giới chuyên gia cũng cảnh báo chính phủ Mỹ đóng cửa có thể làm rung chuyển thị trường tài chính. Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Mỹ) ước tính viễn cảnh đóng cửa sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ 0,2% mỗi tuần và chỉ phục hồi khi chính phủ mở cửa.•

Moody’s cảnh báo về viễn cảnh chính phủ Mỹ đóng cửa

Báo cáo ngày 25-9 của Tập đoàn tài chính Moody’s (Mỹ) cho biết việc chính phủ Mỹ đóng cửa sẽ gây tổn hại đến xếp hạng tín nhiệm của nước này. Cảnh báo của Moody’s được đưa ra sau một tháng Fitch Ratings hạ bậc xếp hạng của Mỹ do khủng hoảng trần nợ, theo hãng tin Reuters.

Ông William Foster, chuyên gia thuộc Moody’s, cho biết khả năng đóng cửa sẽ là bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy sự phân cực chính trị ở Washington đang làm suy yếu việc hoạch định chính sách tài chính như thế nào vào thời điểm áp lực ngày càng tăng đối với khả năng chi trả nợ của chính phủ Mỹ do lãi suất cao hơn.

Hiện Moody’s xếp hạng chính phủ Mỹ ở mức Aaa với triển vọng ổn định, đây cũng là mức tín nhiệm cao nhất của Moody’s. Đồng thời, đây cũng là cơ quan xếp hạng lớn cuối cùng duy trì xếp hạng cao nhất đối với Mỹ sau khi Fitch Ratings hạ chính phủ này một bậc vào tháng 8 xuống AA+. “Nếu việc hoạch định chính sách tài khóa ở Mỹ kém hiệu quả hơn so với nhiều nước được xếp hạng Aaa thì một đợt đóng cửa nữa sẽ là bằng chứng rõ ràng hơn cho sự yếu kém này” - báo cáo cho hay.

Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ Lael Brainard cho biết báo cáo của Moody’s đã nêu rõ những rủi ro do sự chia rẽ ở Quốc hội Mỹ gây ra và các động thái của đảng viên Cộng hòa đang tạo ra những “rủi ro hoàn toàn không cần thiết cho nền kinh tế”, dẫn đến sự gián đoạn đối với các cộng đồng và gia đình trên khắp nước Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm