Năm 2010, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) thực hiện dự án “Bình Minh - chung tay giúp phụ nữ di cư chung tay phòng, chống bạo lực gia đình” thông qua mạng lưới những người từng hoạt động trong các dự án hỗ trợ trẻ đường phố, người có HIV, ma túy, mại dâm. Với dự án Bình Minh những thành viên này sẽ kết nối với nhau sinh hoạt theo từng nhóm, được học tập về cách điều hành nhóm, mục tiêu quan trọng nhất là giúp gia đình họ tự xóa bỏ bạo hành.
Phá vỡ sự im lặng
Khoảng một năm về trước, căn nhà của chị Quỳnh trên Rạch Ông (quận 8) không ngớt tiếng huỵch đụi từ những trận chồng đánh vợ. Anh làm công nhân hãng bóng đèn, chị làm công nhân may. Sinh con đầu lòng, anh chị cùng nghỉ việc và mở quán tạp hóa nhỏ tại nhà. Cuộc sống gia đình đã nghèo lại ngột ngạt bất bình đẳng: Anh đi nhậu về mạt sát vợ, đi lại cặp kè với phụ nữ khác và không cho chị giao du với bất kỳ ai. Chị muốn về thăm nhà mẹ đẻ anh cũng không cho. Chị mệt mỏi buông xuôi. Sống với chồng như một cái bóng.
Sống cách nhau mấy căn nhà, chị Hoa tỉ tê khuyên nếu không nói với chồng được thì hãy viết nhật ký. Quỳnh bắt đầu tập viết nhật ký. Một hôm, Quỳnh đi khám bệnh về, người chồng vào bếp phụ vợ lặt rau nấu ăn. Trong bữa ăn, chồng nói: “Bà khùng quá, tui chỉ có mình bà thôi, không thương bà thì thương ai?”. Tuần sau, anh mua cho chị xấp vải kêu chị may đồ mới để mặc. Đi đám tiệc hoặc giao du với bạn bè anh thường chở chị đi. Chị cũng mềm mỏng hơn với chồng, biết cách gợi chuyện để hai vợ chồng hay nói chuyện với nhau. Tiếng huỵch đụi trong nhà thưa vắng hẳn. “Bữa trước, ảnh rủ cả hai mẹ con đi ăn quán. Tui thấy lạ vì cả nhà hiếm khi nào ra quán ăn. Đang ăn, ảnh đưa tui tờ giấy có kẹp 200.000 nói “mừng sinh nhật vợ, muốn mua son phấn gì thì mua chứ tui hổng biết đường lựa”. Nghe thấy vui ghê nơi!” - chị Quỳnh kể.
Các gia đình tham gia thi nấu ăn “Nhà vui - xóm vui” tại một khu nhà trọ ở quận 8. Ảnh: N.HƯNG
Phép lạ từ Dòng sông cuộc đời
Vợ chồng chị Hương ở trọ tại Bình Quới (quận Bình Thạnh). Chồng chị làm phụ hồ nuôi cả gia đình. Nhà tuy thiếu thốn vật chất nhưng cũng đầy tiếng cười. Rồi đứa con thứ hai, thứ ba lần lượt ra đời. Nhà nghèo đi, anh nhậu nhiều hơn. Cứ nhậu vào là lại đánh vợ chửi con. Vợ con ngủ anh cũng dựng dậy để nghe chửi. Thấy chị Hương luôn cúi gằm mặt cam chịu, nghĩ vợ khinh mình nên anh càng đánh bạo hơn. Khi anh bị chấn thương cột sống, chị phải gửi con về quê để đi nhặt và thu mua ve chai.
Chị Hồng (một nhân viên của dự án Bình Minh ở cùng khu phố) lân la rủ chị Hương: “Hôm nay chị bỏ công việc một bữa. Em đưa chị đi chơi”. Chần chừ một hồi, chị đồng ý, họ dự lớp tập huấn dành cho những người bị bạo hành. Sau một hồi văn nghệ hát hò, phổ biến như thế nào là bạo hành, cả nhóm kể chuyện Dòng sông cuộc đời. Mỗi người vẽ ra một đường cong uốn lượn như dòng sông. Họ chấm những dấu mốc trên dòng sông ấy, phía trên là những câu chuyện vui, phía dưới là những chuyện buồn trong đời. Một người, hai người rồi nhiều người cùng lên kể. Chị Hương rụt rè kể ra câu chuyện đời mình, kể về nỗi sợ hãi mỗi khi thấy chồng đi nhậu về vì biết sẽ bắt đầu một trận đòn vô cớ, kể về cảm giác tủi nhục khi phải ngồi để chồng vừa đánh, vừa chửi. Trên đường về lại nhà, chị Hương nắm tay chị Hồng nói trong nước mắt: “Từ hồi nào tới giờ chị chưa bao giờ nói với ai những điều này, kể cả với con. Nói ra được chị thấy nhẹ người”. Sau nhiều lần tập huấn về, chị Hương thay đổi thái độ giao tiếp với chồng, chị cất gương mặt buồn đi, chịu nói chuyện với chồng, cùng chồng bàn tính chuyện dạy con, chuyện tương lai. Chị nói về mong ước của mình: Xây một cái kho để vừa đi nhặt vừa thu mua ve chai tăng thu nhập, đồng thời mua vé số cho anh ngồi xe lăn đi bán để vừa có thêm thu nhập vừa khuây khỏa đầu óc. Dự án Bình Minh đang khảo sát tính khả thi để duyệt cho chị vay vốn.
Những “bà tám” có tổ chức
Chị Hoa mới chỉ học lớp 3 nhưng đã giúp rất nhiều mái nhà giảm hẳn cảnh bạo lực gia đình. Bản thân chị cũng là nạn nhân của bạo lực. Ngày đó, chồng chị nghiện ma túy, những người đồng cảnh đã giúp chị hỗ trợ chồng cai nghiện tại nhà. Chị Hoa được đi sinh hoạt tập thể, được học về phòng, chống nghiện ma túy, HIV và biết cách tập hợp những người phụ nữ nghèo tham gia sinh hoạt nhóm. Khi dự án Bình Minh ra đời, Hoa được mời tham gia với vai trò nhân viên… Hoa tâm sự: “Đi học, em mới nhận ra rằng chính mình cũng đang bị bạo lực và bản thân mình cũng bạo lực ngược lại chồng. Dù không bị chồng đánh đập nhưng em cứ sống trong nơm nớp lo sợ hoài. Nhiều lúc chán quá, em bỏ đói ảnh luôn, không thèm nói chuyện cả tháng trời”. Sau khóa học, Hoa tự thay đổi, cư xử với chồng mềm mỏng hơn. Chị bàn với chồng đi cai nghiện tự nguyện tại một trung tâm. Mấy lần lên thăm thấy anh nói chuyện đằm lại, ngọt ngào với vợ con hơn. Anh đang tính đến chuyện học nghề làm cây kiểng để về phụ vợ nuôi con.
Nhân viên của Bình Minh đều là những nạn nhân của bạo lực gia đình. Từ hơn 10 nhân viên nòng cốt đã vận động và lập ra nhóm Hoa Hồng với 500 chị em phụ nữ tham gia sinh hoạt. Các nhóm sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần. Ngoài ra, họ tham gia các hoạt động “Nhà vui - xóm vui” tập thể thao tập thể… Qua các buổi tập huấn, qua những lần “tám” chuyện với nhau đã dần dần lộ ra gần 300 người là nạn nhân của bạo hành gia đình. Có những người tham gia cả nửa năm trời mới hé lộ chuyện bị chồng đánh. Giữa tháng 6 này, gần 300 người sẽ đến chùa Phước Hải, Long Thành, Đồng Nai tham gia hội thi khéo tay hay làm, trong đó chồng thi bới tóc cho con, vợ chồng thi khâu áo rách, đơm nút áo cho nhau… Trên đường đi từ TP.HCM đến Long Thành, họ phải qua nhiều trạm dừng chân dọc đường để trả lời những kiến thức quanh tình trạng bạo hành gia đình. “Có những người cả đời chưa bao giờ bước ra khỏi bếp. Đưa các gia đình đi vừa chơi, vừa học, vừa hát hò để các thành viên cùng cười với nhau cho đã đời” - chị Nguyễn Thị Kim Dung, nhân viên điều phối hoạt động của Tình Thân, chia sẻ. Mục đích của Bình Minh nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, nhận diện ra những vấn đề gia đình mình đang gặp phải để tìm cách thay đổi cuộc sống của mình theo hướng tích cực. Các hoạt động vui chơi tập thể giúp nhiều người vợ, người chồng tự tin hơn, mở lòng ra, biết nhìn ra bên ngoài để nhận diện và chỉnh sửa mình. Hiện nay nữ nhiều hơn nam. Có những anh chồng chỉ để cho vợ tham gia, còn anh đi lòng vòng xung quanh ngó vào. Cái sự ngó vào đó cũng đã ít nhiều thành công vì những tài liệu vợ đem về nhà cho anh đọc và biết dằn cơn nóng giận để tránh hục hặc trong nhà. Hạt nhân của chương trình là những chị em trong các khu xóm, họ có nhiều trải nghiệm, biết cách khơi chuyện và tập hợp bà con. Nạn nhân bị bạo hành gia đình thường giấu vì tâm lý “xấu chàng hổ ai”. Làm sao để gợi cho họ nói ra được là cả một vấn đề. Ông PHẠM THANH VÂN, Chủ nhiệm Dự án Bình Minh |
THANH MẬN