Hai làng nghề “sinh đôi” bánh tráng Mỹ Lồng - bánh phồng Sơn Đốc đã hình thành và tồn tại từ trên 100 năm nay.
Bánh tráng Mỹ Lồng làm không kịp bán
Bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm) từ lâu đã nổi tiếng khắp nơi. Theo lời kể của nhiều người dân Mỹ Thạnh, họ không biết chính xác nghề làm bánh tráng có từ thời gian cụ thể nào mà chỉ nhớ rằng lớn lên họ đã thấy ông bà tráng bánh. Con cháu cứ thế mà làm theo nối nghiệp từ đời này sang đời khác và giữ nghề cho đến nay. Cũng theo người dân nơi đây, thời xưa bánh tráng chỉ làm vào dịp Tết. Dần dần sau đó nhiều người biết tiếng ngon của bánh tráng Mỹ Lồng nên khách đến đặt hàng ngày càng đông. Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, bánh tráng được làm ở đây quanh năm nhưng cao điểm nhất là vào mùa Tết.
Ở Mỹ Lồng ngày nay nhiều gia đình có đến 2-3 thế hệ sống bằng nghề này. Bà Nguyễn Thị Kim Hoàng (65 tuổi, ở ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh) cho biết lúc nhỏ bà đã phụ giúp gia đình tráng bánh rồi quen tay, thạo nghề lúc 15 tuổi, lớn lên nối nghiệp ông bà cho đến nay. Bà Hoàng cho biết trung bình mỗi ngày gia đình bà tráng 1.800-2.000 bánh nhưng vào dịp Tết, do lượng khách hàng đặt mua nhiều nên phải tráng số lượng bánh gấp đôi, gấp ba (3.000-5.000 bánh/ngày) và phải mướn thêm thợ tráng bánh mới kịp đủ bánh giao cho khách hàng.
Theo kinh nghiệm làm bánh của người dân Mỹ Thạnh, bí quyết làm nên tên tuổi của bánh tráng Mỹ Lồng được làm bằng nguyên liệu gạo dẻo, còn gọi là gạo lúa mùa được trồng ở Trà Vinh và nước cốt dừa béo đậm đặc của cơm dừa Bến Tre. Vì vậy chiếc bánh có mùi gạo thơm nồng nàn rất đặc trưng, lại mềm mịn, dẻo thơm.
Cả hai làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc đều rất bận rộn làm bánh ngày đêm vào những ngày cận Tết. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Để làm bánh kịp đơn hàng mùa Tết, mỗi nhà phải thức dậy đốt lò củi, tráng bánh từ lúc 1 giờ khuya đến 11-12 giờ trưa mới xong. Công việc tuy rất cực nhọc, phải thức khuya dậy sớm nhưng càng làm nhiều thì thu nhập càng cao nên các gia đình ở đây đều chịu khó.
Cách nhà bà Hoàng vài chục mét, lò bánh gia truyền của hộ bà Nguyễn Thị Mẫu Đơn (67 tuổi, ấp Nghĩa Huấn) vào dịp Tết cũng đỏ lửa cả ngày lẫn đêm. Gia đình bà Đơn có ba đời làm bánh tráng, riêng bà Đơn đã theo nghề hơn 40 năm nay. “Dịp Tết, khách hàng đặt số lượng bánh rất nhiều nên tôi phải làm việc cả ngày lẫn đêm mới kịp” - bà Đơn cho biết. Ngày nay một số hộ ở Mỹ Lồng đã công nghiệp hóa việc xay bột bằng máy và bổ sung thêm sữa, hột gà… nâng thêm tầm giá trị của bánh tráng ở làng nghề.
Bánh phồng Sơn Đốc ngày càng sáng tạo, thơm ngon
Cũng như bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc cũng lấy tên từ một địa danh của chợ Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm). Theo người dân ở khu vực chợ Sơn Đốc, lúc trước nghề làm bánh phồng nơi đây còn tự phát, nhỏ lẻ. Làm bánh phồng chủ yếu để phục vụ cúng ông bà tổ tiên vào dịp Tết hoặc để biếu người thân làm quà, một số ít đem ra chợ Sơn Đốc bán để kiếm thêm thu nhập cho gia đình chứ chưa ai nghĩ đến làm bánh phồng lại nổi tiếng như bây giờ. Hiện ở làng nghề Sơn Đốc có 24 hộ chuyên sản xuất bánh phồng quanh năm. Ngoài ra, vào thời điểm Tết có thêm hơn 30 hộ làm bánh thời vụ để bán vào dịp này.
Từ chiếc bánh phồng nếp, bánh phồng mì truyền thống, trong quá trình lao động sản xuất, ngày nay người dân làng nghề đã sáng tạo, cải tiến ra nhiều loại bánh mới như bánh phồng nếp sữa, bánh phồng mì tráng chuối tạo ra nhiều vị đặc trưng riêng cho bánh phồng ở Sơn Đốc. Hộ ông Phạm Văn Hát (67 tuổi, ấp 1, xã Hưng Nhượng) nối nghiệp cha truyền làm bánh phồng nếp đến nay đã hơn 20 năm. Ông Hát cho biết trước kia ông làm bánh thủ công, quết bánh bằng cối, cán bánh bằng tay rồi đem phơi nên sản lượng mỗi ngày làm ra không cao như bây giờ. “Ngày nay có máy quết, máy cán hết rồi nên không phải cực nhọc như hồi thời của ông bà mình. Mấy năm nay nghề này rất phát triển, rất nhiều khách hàng đặt mua. Mỗi ngày gia đình tôi cán khoảng 3.000-5.000 bánh mà cũng không đủ bán. Dịp Tết này công việc lại bận rộn hơn rất nhiều, phải cán bánh cả ban đêm” - ông Hát chia sẻ.
Nhiều năm nay nghề làm bánh tráng, bánh phồng đã tạo nguồn thu nhập cao và ổn định cho nhiều gia đình, đồng thời cũng góp phần phát triển kinh tế cho địa phương.
Cố gắng giữ nguyên bản truyền thống cho hai làng nghề Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc hiện vẫn còn thủ công nguyên sơ như từ trước đến giờ. Để tiếp tục giữ gìn nguyên bản truyền thống của hai làng nghề này, hiện Sở VH-TT&DL tỉnh đang nghiên cứu, điều tra làm hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận hai làng nghề là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông TRẦN DUY PHƯƠNG, |