Những 'chiêu' lừa lấy xe SH khó tin tại Sài Gòn

Cơ quan Cảnh sát Điều tra công an TP.HCM những tháng gần đây liên tiếp triệt phá nhiều ổ nhóm trộm xe, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Đáng lưu ý, các thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi , người dân và các lực lượng chức năng dù cảnh giác, đề phòng vẫn không dễ đối phó, phát hiện…

Các bãi xe nhà hàng, quán ăn luôn là mục tiêu lừa đảo của tội phạm (ảnh minh họa).

Trần Văn Đạo, Đỗ Thành Phú (trú ở Q.Thủ Đức), Lê Duy Chiến (quê Bình Phước), Nguyễn Tấn Thành (trú ở Q.Tân Bình), Nguyễn Thanh Tùng (quê Vĩnh Long) và Phạm Văn Thương (quê Quảng Nam) cùng một số đối tượng chưa rõ lai lịch thường xuyên vào các quán sang trọng ở trung tâm TP.HCM - nơi những khách trẻ, giàu có hay lui tới.

Nắm rõ quy trình giữ, trả xe của quán cà phê Roman trên đường Nguyễn Văn Cừ, Chiến và Phú vào quán, sau đó Phú ra bãi xe tìm một chiếc Honda SH mới, ghi biển số vào thẻ xe giả rồi đưa cho Đạo ra lấy xe.

Nhận được đơn trình báo của nạn nhân là chị T.K.H. (SN 1971, ở huyện Nhà Bè), tổ hình sự đặc nhiệm Công an TP.HCM đã rà soát địa bàn, phối hợp công an địa phương và phát hiện 1 chiếc SH ở quán cà phê quận Bình Thạnh có nhiều điểm trùng khớp với tang vật vụ án. Qua xác minh, các trinh sát Phòng cảnh sát hình sự - Công an TP.HCM đã bắt khẩn cấp nhóm của Đạo.

Qua lời khai ban đầu, Đạo cử đàn em dùng điện thoại chụp vé xe của một số quán cà phê, quán ăn, nhà sách, câu lạc bộ bida, nhà hàng..., dù bằng chất liệu gì chúng cũng có thể làm giả giống hệt để chiếm đoạt xe tay ga đắt tiền. Đáng chú ý, nhiều tài sản sau khi chiếm đoạt được, nhóm của Đạo tiếp tục làm giả giấy tờ đem lừa hiệu cầm đồ. 

Ông Thái Vĩnh Thành, ở P.9, Q.Gò Vấp tiếp khách hàng ở một quán lẩu dê thuộc P.14 gần nhà. Sau khi tiễn khách, ông Thành đưa vé xe cho nhân viên, một lúc sau, nhân viên chạy ra đòi đưa chìa khóa xe để dắt ra cho nhanh. Tin tưởng quán quen, ông Thành đưa chìa khóa chiếc Air Blade nhưng lát sau, vẫn cậu nhân viên này chạy ra nói không tìm thấy xe…

Sự việc được công an phường xuống lập biên bản, chủ quán cam kết tìm xe và trả lại khách hàng. Tuy nhiên mấy ngày sau, chủ quán nói rằng, nhân viên trông giữ xe mới làm được 1 tuần đã bỏ việc, không biết tìm ở đâu để truy cứu trách nhiệm. Nghi vấn, ông Thành đã nhờ Đội cảnh sát hình sự công an Q.Gò Vấp vào cuộc.

Dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua, trong một lần tiếp khách ở Q.12, ông Thành phát hiện tay nhân viên từng “làm mất xe” của mình, đã báo các trinh sát theo dõi. Quả nhiên khi nhân viên kia đang thực hiện việc lấy vé, đưa xe cho đồng bọn tẩu tán thì bị các trinh sát tóm gọn.

Tại cơ quan công an, Trịnh Văn Dũng (quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa) khai rằng thường lân la đến các quán nhậu xin làm nhân viên bảo vệ, phát hiện khách nào ngà ngà say, vờ xin vé và chìa khóa xe để dắt xe ra ngoài đường cho khách, nhân lúc khách không để ý hoặc mải nói chuyện, Dũng đánh lạc hướng để đồng bọn đưa thoát xe ra ngoài, còn Dũng vờ đi tìm mà không thấy xe. Từ đầu năm 2013 đến nay, Dũng đã lừa được 3 vụ, bỏ lại… trách nhiệm bồi thường cho các chủ quán.

Đội cảnh sát điều tra công an Q.5 cũng thông tin, thời gian qua trên địa bàn quận liên tiếp xảy ra các vụ trộm xe trong các bãi trông giữ xe bệnh viện. Tội phạm thường mang xe có giá trị thấp rồi đánh tráo xe đắt tiền, đưa các ổ tiêu thụ xe gian để “luộc đồ” rồi tiếp tục dùng phương tiện đó gây án, gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, truy tìm tang vật. 

Thượng tá Đoàn Văn Phê, Phó trưởng công an Q.Thủ Đức cũng kể vài thủ đoạn lừa đảo xe thuộc dạng… hiếm gặp.

Trịnh Cẩm Tiêu (SN 1963, trú P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân) lên mạng chat rồi làm quen với một phụ nữ tên Dung ở Q.Gò Vấp. Tiêu giới thiệu là Việt kiều mới về đang đi tìm người yêu để tiến tới hôn nhân, sau nhiều lần trao đổi tình cảm qua thư, chị Dung nhận lời yêu Tiêu. Đọc trên báo thấy có đăng thông tin chị H.T.H. ở Q.7 cần bán chiếc xe SH 150i còn khá mới nên Tiêu điện thoại hẹn chị H. xem xe.

Tiêu ra chợ mua nhiều xấp tiền “đôla âm phủ” loại in như thật rồi gói trong túi nilon, sau đó điện thoại nhờ chị Dung đến chở đi mua chiếc xe gắn máy làm phương tiện đi lại trong thời gian ở Việt Nam. Chị Dung đã đón Tiêu trên đường Quang Trung, Q.Gò Vấp, Tiêu cầm “gói tiền” đưa chị Dung, bảo: “Cất giùm anh 200 triệu đồng vào cốp xe”.

Khi Tiêu và chị Dung đến nhà chị H., Tiêu giới thiệu chị Dung là “bà xã”. Sau khi thỏa thuận, Tiêu đồng ý mua chiếc xe giá 7.000 USD rồi nói chị Dung đứng tên mua xe, làm thủ tục mua bán xe với chị H. Trong lúc 2 người đang viết giấy mua bán, Tiêu lén lấy đăng ký xe và nói chị H. cho chạy thử xe. Chị H. không đề phòng tiếp tục làm nốt các thủ tục mua bán với chị Dung. Sau hơn 1 giờ không thấy Tiêu quay lại, chị Dung ra mở cốp xe lấy tiền để trả chị H. thì tá hỏa, toàn tiền…. âm phủ. 

Ông Nguyễn Đình Hảo là chủ cửa hàng bán xe gắn máy cũ ở đường Lê Văn Thọ, Q.Gò Vấp, chia sẻ, đầu tháng 4/2013, có người đàn ông trung niên đến xem chiếc Piaggio LX. Tỏ vẻ khá ưng ý chiếc xe màu đen, ông khách trả giá 60 triệu đồng, đặt trước 5 triệu và hẹn sẽ quay lại lấy xe. 3 ngày sau, khi ông Hảo có việc phải đi gấp, được chừng 10 phút, người đàn ông mua xe đến. Ông ta sẵng giọng hỏi nhân viên cửa hàng: “Anh Hảo đâu rồi cháu?” rồi khề khà kể chuyện quen biết với chủ, chuyện xe cộ... Tưởng đây là khách quen của ông chủ, cậu nhân viên không hề nghi ngờ. Người đàn ông còn điện thoại gọi ông Hảo: “Anh Hảo hả, em Phương đây. Em đến lấy chiếc LX, anh nói với nhân viên một tiếng nhé” rồi chuyển máy… Trong lúc nhân viên đang làm các thủ tục, vị khách yêu cầu đưa chìa khóa để nổ máy thử, ông khách đề máy, tăng ga rồi rất nhanh gạt chân chống vọt ra ngoài đi mất.

Trung tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó đội trưởng Đội 8, Phòng cảnh sát hình sự, cho biết, thành phố đang xuất hiện khá nhiều đối tượng tội phạm làm hồ sơ giả để xin vào công ty vệ sỹ, sau khi được bố trí công việc ở các công ty, kẻ gian lợi dụng tìm cơ hội lấy trộm xe máy của cán bộ, công nhân, khu công nghiệp, khu chế xuất đem ra ngoài cho đồng bọn mang đi tiêu thụ.

Nhiều đối tượng lang thang lân la tại các bãi giữ xe siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn… giả vờ hỏi chuyện nhân viên bảo vệ để đồng bọn bẻ khóa, đánh tráo biển số, vé xe trong bãi, trong hầm nhà xe rồi ung dung đưa xe ra ngoài… Có đối tượng từ miền Tây lên thường làm giả CMND rồi thuê xe sau đó đem đặt hiệu cầm đồ; tụ tập ở các quán cà phê, làm quen với các sinh viên, rồi lừa mượn xe… Những thủ đoạn trên cho thấy tính chất, mức độ các vụ lừa đảo , chiếm đoạt xe máy của tội phạm ngày càng tinh vi , rất khó phát hiện. 

Theo An Ninh Thủ Đô

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới