Chùa Xiêm Cán
Chùa Xiêm Cán tọa lạc tại xã Vĩnh Trạch Đông, cách TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) khoảng 7km, được xem là ngôi chùa cổ kính và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Tây Nam Bộ. Chùa được xây dựng vào năm 1887, diện tích khoảng 5ha.
Lúc đầu chùa Xiêm Cán có tên tiếng Khmer là Komphisako, thể hiện sự uyên bác và sâu xa của trí tuệ Phật pháp. Cái tên Xiêm Cán của Chùa xuất phát từ tiếng Tiều (tiếng của người gốc Triều Châu, Trung Quốc, hiện đang sinh sống nhiều ở Bạc Liêu) có nghĩa là "giáp nước", bởi địa hình vùng đất này trước đây bên cạnh bãi bồi ven biển.
Quần thể kiến trúc chùa Xiêm Cán gồm nhiều hạng mục, được xây dựng theo trường phái Phật giáo Nam Tông đặc trưng nhưng mang đậm dấu ấn kiến trúc Angkor - Campuchia.
Trong đó, nổi bật nhất là Chánh điện, được xây theo dạng hình chữ nhật có chiều rộng khoảng 18m, chiều dài khoảng 36m, mặt chính quay về hướng Đông. Lối vào chánh điện với 18 bậc thang để đi lên, phía trên là tượng Phật Thích Ca.
Trên vách, trần, cột của chánh điện đều được trang trí phù điêu bích họa cầu kỳ, công phu, nhiều màu sắc. Nổi bật các bích họa cỡ lớn kể về cuộc đời đức Phật từ lúc mới sinh ra, cho đến quá trình tu hành đạt thành chánh quả.
Ngoài ra, chùa có đến 115 pho tượng, một bia đá và một quả chuông có từ năm 1887. Các công trình này cách nhau cả trăm mét, xen giữa là những khoảng sân cùng những hàng cây xanh mát, không gian toát lên vẻ thanh tĩnh và trang nghiêm.
Với những đường nét hoa văn tinh xảo, kiến trúc độc đáo, Chùa có tuổi đời hơn một thế kỷ vẫn uy nghi tồn tại và đón hàng ngàn du khách thập phương đến đây tham quan, chiêm bái.
Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (khu lưu niệm) tọa lạc tại khóm 4, phường 2 (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Đến đây, du khách sẽ thưởng thức được trọn vẹn không gian đờn ca tài tử, những cung bậc trầm bổng của bài ca bất hủ Dạ cổ hoài lang.
Đồng thời, chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc đặc sắc mang đậm nét nghệ thuật Đờn ca tài tử. Cạnh đó, du khách còn được nghe kể lại câu chuyện tình yêu trắc trở của cố nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu.
Khu lưu niệm có các công trình, như: Đài nguyệt cầm, tượng cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng vườn nhạc cụ bằng đá, nhà trưng bày nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và sân khấu cải lương. Cùng với đó là nhà trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và lịch sử hình thành bản Dạ cổ hoài lang.
Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu được xây dựng vào năm 2008. Đến năm 2013 đã được Tỉnh ủy, UBND Bạc Liêu giao cho sở VH-TT&DL trùng tu, tôn tạo với khuôn viên hơn 12.500 m2.
Đến năm 2014, khu lưu niệm được Bộ VH-TT&DL xếp hạng là di tích cấp quốc gia và được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của vùng năm 2015. Mới đây, khu lưu niệm tiếp tục được công nhận sản phẩm OCOP bốn sao, đây cũng là sản phẩm du lịch đầu tiên, của khu vực ĐBSCL được chứng nhận là sản phẩm OCOP.
Khu du lịch sinh thái điện gió Hòa Bình 1
Tại huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) có hai công trình điện gió Hòa Bình 1 và Hòa Bình 2, được xem là tổ hợp điện gió lớn nhất Việt Nam. Dự án tổ hợp điện gió với hàng loạt công trình “mọc lên từ lòng biển”, như: cầu dẫn trên biển dài 26km, đóng hai sà lan siêu trọng 10.000 tấn (lớn nhất Việt Nam), nhà máy điện gió HB1 và HB2 với 39 turbine gió trên biển...
Ngoài ra, khu sinh thái điện gió Hòa Bình 1 còn được đầu tư trở thành một điểm đến đầy mới lạ, đặc sắc với tên gọi “Bản giao hưởng của gió”. Đến đây, du khách sẽ có những bức ảnh lưu niệm cực kỳ lung linh, cạnh đó, đây còn là nơi dừng chân, nghĩ dưỡng vui chơi hấp dẫn, với hàng loạt các hạng mục tổ hợp, như: khách sạn nghĩ dưỡng, dịch vụ du lịch trải nghiệm... thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Nhà công tử Bạc Liêu
Nhà công tử Bạc Liêu tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ (phường 3, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), nằm cạnh bờ sông Bạc Liêu. Ngôi nhà mang kiến trúc phương Tây sang trọng, được xây dựng từ năm 1917, hoàn thành năm 1919. Thời điểm bấy giờ, ngôi nhà là công trình có kiến trúc bề thế nhất lục tỉnh miền Tây, thường được bà con gọi là “nhà lớn”.
Công trình này do kỹ sư người Pháp thiết kế và nhiều chi tiết, vật liệu, đồ nội thất trong nhà được nhập khẩu từ Pháp. Do đó, khi vào nhà, du khách sẽ bị cuốn hút bởi những đường nét thiết kế tỉ mỉ, tinh tế, toát lên vẻ sang trọng và hào hoa, gắn liền với giai thoại Công tử Bạc Liêu Ba Huy (Trần Trinh Huy), nổi danh ăn chơi nức tiếng một thời.
Ngoài ra, Bạc Liêu còn có một số địa điểm hấp dẫn khác, như:
- Quán âm Phật đài (Mẹ Nam Hải) tọa lạc tại phường Nhà Mát, cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 7km. Tại đây từ 23-3 đến 25-3 âm lịch sẽ diễn ra lễ hội “Quán Âm Nam Hải” với nhiều nghi lễ truyền thống, như: Lễ cầu quốc thái dân an, Phật tử dâng hương cầu an, tế anh hùng tử sĩ, thỉnh thánh, thuyết pháp…
- Quảng trường Hùng Vương nằm ngay trung tâm TP Bạc Liêu, công trình khánh thành đưa vào hoạt động từ năm 2014 để chào mừng Festival Đờn ca tài tử lần thứ nhất do tỉnh Bạc Liêu đăng cai. Quảng trường chiều dài hơn 360m, rộng hơn 110m; toàn bộ sân được lát bằng đá tự nhiên màu xám nhạt xen kẽ xám đậm trông như những nốt nhạc rất sinh động.
- Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia Nọc Nạngtọa lạc tại ấp 4 xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai. Đây là nơi ghi dấu ấn lịch sử đầy máu và nước mắt trong cuộc đấu tranh kiên cường của đại gia đình nông dân Mười Chức năm 1928, gây tiếng vang lớn khắp vùng Giá Rai Bạc Liêu.