Năm 2016 đã và sẽ có nhiều dự án giao thông lớn được hoàn thành và đưa vào khai thác. Trong số này, Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông; Dự án mở rộng sân bay Đà Nẵng… là 2 dự án khiến Tư lệnh ngành giao thông - Bộ trưởng Đinh La Thăng phải liên tục đưa ra các chỉ đạo quyết liệt.
Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang
Đầu năm 2016, ngành giao thông đã “trình làng” tin vui: Lễ thông xe Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang được tổ chức vào ngày 3/1/2016, tại TP Bắc Giang.
Dự án theo hình thức hợp đồng BOT này là phân đoạn trong tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn có chiều dài 45,8 Km, đi qua 3 tỉnh thành Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang. Với vận tốc thiết kế 100km/h thì đoạn đường từ Hà Nội đi Bắc Giang đã được rút ngắn chỉ còn khoảng 45 phút.
Dự án được thiết kết theo tiêu chuẩn đường cao tốc gồm 4 làn xe cơ giới. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 4.213 tỷ đồng. Nhờ việc sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, dự án đã tiết kiệm được gần 500 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ vận hành khai thác thử 3 tháng trước khi đưa vào khai thác chính thức từ tháng 4/2016.
Cũng trong tháng 1/2016, ngành giao thông đã khởi công 2 công trình gồm tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi ở ĐBSCL và dự án đường nối từ cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến Sa Pa ở phía Bắc.
Ngoài ra còn có 3 dự án khác được hoàn thành gồm dự án nâng cấp mạng lưới giao thông tiểu vùng Me Kong mở rộng (GMS) khu vực phía Bắc giai đoạn 1 đoạn qua Thanh Hóa; cầu Tân Phong tại tỉnh Nam Định; Quốc lộ 61 đoạn Cái Tư – Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.
Nâng cấp 44 cầu đường sắt
Dự án Nâng cao an toàn 44 cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP TP HCM được khánh thành vào ngày 14/1 có tổng mức đầu tư 9.284 tỷ đồng. Sau khi đưa các công trình của dự án vào khai thác, sẽ góp phần nâng cao an toàn chạy tàu của ngành đường sắt, nâng cao tải trọng và tốc độ chạy tàu (tốc độ thiết kế 120km/h cho tàu khách, 80km/h cho tàu hàng).
Cầu đường sắt Sông Bồ mới được khánh thành trong dự án 44 cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP HCM. (Ảnh: Internet) |
Dự án Hầm Đèo Cả
Dự án hầm đường bộ Đèo Cả có tổng chiều dài 13,4km, được thiết kế 4 làn xe (mỗi làn rộng 3,75m) nằm trên Quốc lộ 1A nối hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Trong đó, hầm Đèo Cả dài 3.900 mét, hầm Cổ Mã dài 500 mét, đường dẫn và các cầu trên tuyến dài 9km.
Khi hầm đèo Cả hoàn thành, quãng đường qua đèo sẽ giảm 1/2, thời gian qua đèo giảm 1/4, chịu được trọng tải lớn và an toàn cho các loại phương tiện giao thông.
Cuối năm 2015, trong lần cùng đoàn công tác vào Phú Yên kiểm tra tiến độ thi công dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã đề nghị Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả tập trung đẩy nhanh tiến độ hầm Đèo Cả, cố gắng đến tháng 9/2016 sẽ thông toàn bộ hai nhánh hầm với tổng chiều dài trên 8km; đồng thời, quyết tâm đưa vào khai thác toàn bộ dự án Hầm đường bộ Đèo Cả vào tháng 7/2017.
Dù chịu áp lực lớn về tiến độ, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Bộ GTVT, sự hỗ trợ của 2 địa phương vùng dự án và sự nỗ lực của các nhà thầu thông qua các giải pháp thi công phù hợp, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ.
Dự án mở rộng sân bay Đà Nẵng
Năm 2016 cũng là năm ngành giao thông gấp rút hoàn thành dự án mở rộng nhà ga quốc tế sân bay Đà Nẵng - dự án quan trọng trong tổng thể chiến lược phát triển hàng không của cả nước. Dự án này còn nhằm phục vụ cho Diễn đàn kinh tế APEC sẽ diễn ra tại TP Đà Nẵng vào cuối năm 2017.
Khẳng định đây là dự án hết sức cấp bách, cần phải được triển khai và hoàn thành sớm, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo chủ đầu tư phải khẩn trương tiến hành các bước tiếp theo để hoàn thành dự án trong quý I/2017.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Đây là dự án gây nhiều tranh cãi từ thiết kế - độ dốc, sự cố trong quá trình thi công tới việc đội vốn “khủng”. Dự án do Tổng thầu Trung Quốc thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, có hồ sơ thiết kế do tư vấn là Công ty TNHH Tổng viện nghiên cứu thiết kế xây dựng đô thị Bắc Kinh lập, đã được tư vấn thẩm tra là Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải - TEDI và chủ đầu tư là Bộ GTVT phê duyệt hồ sơ thiết kế.
Tuyến đường sắt đi trên cao dài 13 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435 mm với 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu depot rộng 19,6 ha tại Hà Đông; trang bị 13 đoàn tàu, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến, vận tốc bình quân khai thác 35 km/h.
Đến thời điểm này, dự án phải điều chỉnh vốn rất lớn với tính toán của tư vấn TEDI, được Viện Kinh tế Xây dựng – Bộ Xây dựng thẩm tra là 868 triệu USD, tăng 315 triệu USD, tức là tăng gần 1,6 lần so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
Phần lớn trong tổng số tiền vốn bị “vống” lên của dự án (248/315 triệu USD) nằm ở các chi phí thuộc hợp đồng với tổng thầu EPC (Trung Quốc).
Đến cuối năm 2015, theo báo cáo, dự án đã hoàn thành gần 70% khối lượng. Ban quản lý dự án Đường sắt đã đưa ra tiến độ hoàn thành phần xây lắp dự án trước 30/6/2016 (trừ ga Cát Linh và một phần khu depot) để ngày 30/9/2016 bắt đầu căn chỉnh, chạy thử đồng bộ, đảm bảo hoàn thành toàn bộ các hạng mục của dự án trước ngày 31/12/2016 và đưa vào vận hành khai thác từ Quý I/2017.
Để có được điều này, Bộ GTVT đã phải liên tục rà soát, kiên quyết thay thế các Nhà thầu phụ yếu kém về năng lực, kinh nghiệm đang tham gia thực hiện Dự án để bổ sung, thay thế bằng các Nhà thầu phụ có năng lực, kinh nghiệm, đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công.
Bộ GTVT còn buộc lãnh đạo của Tổng thầu Trung Quốc sang Việt Nam để trực tiếp điều hành Dự án. Hiện nay, Tổng thầu EPC đã cử một Phó Tổng Giám đốc sang Việt Nam để trực tiếp điều hành và đã bổ sung thêm 2 công ty con sang Việt Nam để tham gia thi công.
Lãnh dạo Bộ GTVT cũng đồng thời yêu cầu Tổng thầu phải kịp thời thanh toán khối lượng hoàn thành cho các Nhà thầu phụ để đảm bảo năng lực tài chính cho các đơn vị tham gia thực hiện Dự án./.