Ba thanh niên Khưu Khánh Sỹ, Trần Văn Uống, Ong Văn Sệt là những nhân vật trong loạt bài “Nhậu xong đi tè bị quy tội cướp” được minh oan sau khi Pháp Luật TP.HCM vào cuộc. Họ đã trở về cuộc sống bình thường nhưng nhớ ngày được cơ quan tố tụng mời đến nhận quyết định đình chỉ điều tra, mỗi người lại có những cảm xúc rất riêng.
1. Anh Sệt kể: “Hôm đó tôi run muốn chết…”. Anh nhận được thư của VKSND huyện Bình Chánh, TP.HCM mời đến xin lỗi vào một buổi trưa. Anh run run cầm máy điện thoại lên hẹn các bạn đi cùng cho vững tin. Nghe Sệt hẹn, Uống cũng chỉ khép nép nói sẽ đi theo.
14 giờ thứ Ba, ngày 13-12-2016 là một ngày trọng đại trong đời của họ. Vị lãnh đạo VKSND huyện Bình Chánh cùng một kiểm sát viên (KSV) bước vào phòng tiếp dân. Sệt và Uống được mời vào phòng. Tay Sệt mân mê viền áo. Uống thì luống cuống hết để tay trên bàn lại luồn xuống dưới, tay nọ bẻ ngón tay kia. Ngồi cạnh, cha Uống không ngừng động viên: “Sắp tự do rồi, nghe cho kỹ đi con!”.
“Đình chỉ mọi hoạt động tố tụng”; “Không chứng minh được… đã có hành vi phạm tội…”, giọng đọc của vị KSV đã khiến nét mặt căng thẳng của họ giãn ra. Lúc này Sệt mới tự tin ngẩng mặt lên. Nhóm PV đang tác nghiệp giơ ngón tay cái biểu tượng của chiến thắng đã củng cố niềm tin cho Sệt. Thế rồi Sệt đã cười. Anh như đã hiểu ra ý nghĩa của những câu KSV vừa đọc rằng mình đã vô tội, mình được tự do... Còn Uống khi được cha đụng nhẹ vào người thì ngẩng lên cười nhẹ. Cha Uống mừng ra mặt vì Uống được tự do, nguôi ngoai nỗi ám ảnh khi gặp công an…
Sệt nhớ lại: “em run muốn chết. Không ngờ lần này được ngồi phòng máy lạnh, có người mời nước. Nghe họ đọc em cũng hiểu hiểu nhưng ý nghĩa rõ ràng ra sao thì không biết. Khi mọi người nhìn, cười ý như mừng cho em thì em mới hiểu vậy là mình được tự do thiệt”. Tất cả ra về. Buổi chiều cuối năm mừng tủi của những người bị oan và người thân của họ khép lại đẹp như một bức tranh.
“Con cháu tôi được tự do rồi” - tiếng của cha Uống như át cả tiếng ầm ào chung quanh. Nhìn họ dắt xe ra về, lòng chúng tôi cũng ngập tràn niềm vui nỗi nhớ về một hành trình đã qua…
Anh Trần Văn Uống bật khóc trong ngày được xin lỗi oan. Ảnh: HOÀNG GIANG
2. Ở Cái Nước, Cà Mau có vụ ba chàng trai trẻ bị cáo buộc đang ăn nhậu thì thiếu mồi nên bỏ đi cướp rồi về nhậu tiếp. Cũng từ đó vụ án oan “Chiếc áo đỏ oan nghiệt” xuất hiện trên báo. TAND huyện Cái Nước đã mở nhiều phiên tòa nhưng không thể tuyên án. Sau nhiều lần tòa trả hồ sơ thì VKS cùng cấp phải ra quyết định đình chỉ vì không chứng minh được họ phạm tội. Lúc ấy cả ba mới chỉ ngoài 20 tuổi, thậm chí khi bị bắt em Lê Minh Nhựt đang học lớp 10.
Ngày 15-8-2016, VKS huyện có giấy mời Nhựt đến nhận quyết định đình chỉ, ai cũng chặc lưỡi lo lắng: “Lỡ có bề gì thì khổ”. Nhựt cũng hoang mang sợ rằng mình sẽ tan vỡ luôn giấc mơ đèn sách vừa nhen nhóm lại. em nhanh ý gọi điện thoại ngay cho vị nữ luật sư mà em đã xem như người mẹ thứ hai của mình. Được giải thích và động viên, cậu học sinh nghèo đã yên tâm đến nhận quyết định. em đã sung sướng hét toáng lên trước cổng VKSND huyện Cái Nước khi biết chắc chắn rằng mình được tự do, được đi học lại và ôm chầm lấy mẹ. Ở đầu dây bên kia, hòa cùng niềm vui chung của các em, vị nữ luật sư cũng chấm nước mắt đang nhòe mi.
3. Anh thợ sửa xe Trần Hoàng Minh ở Cần Giờ, TP.HCM, nhân vật bị oan trong vụ trộm xảy ra cách nơi anh sửa xe máy chừng 2 km, có lẽ không bao giờ quên ngày được minh oan. Bàn tay còn vướng đầy vết dầu mỡ của anh run run khi ký nhận quyết định đình chỉ oan. Hôm ấy là ngày 9-11-2015. Người thân của anh có mặt tại VKSND huyện Cần Giờ từ sớm, anh Minh cũng đến rất sớm như để chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho mình.
Chúng tôi cảm nhận được sự run rẩy của đôi bàn tay anh là chất chứa những hy vọng cho ngày mai tươi sáng hơn. Rồi đây hàng xóm láng giềng sẽ nhìn anh với ánh mắt khác. Trước đó dù anh đã được ra khỏi trại tạm giam, người ta vẫn xem anh là người có tội vì chưa cơ quan nào thừa nhận làm oan. “Lúc này tôi đã yên tâm để phát triển tay nghề sửa xe của mình, không còn phải chờ đợi trong hồi hộp nữa” - anh Minh cười thật tươi.
4. Án oan. Đó là hai từ mà không một ai muốn nhắc đến trong đời, kể cả những người tiến hành tố tụng. Không thể kể hết những cảm xúc của người bị hàm oan nhưng chúng tôi hiểu rằng cuộc sống của họ đã được tái sinh. Với cơ quan tố tụng, chắc hẳn mỗi lần xin lỗi oan cũng đều thấm thía. Trong một lần trao quyết định đình chỉ oan, một viện trưởng VKS từng thốt lên rằng: “Đó là bài học đau xót cho chúng tôi!”. Để không người dân nào phải khóc, không cơ quan tố tụng nào phải đau xót thì không còn cách nào khác là họ phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, hành xử và thực thi công vụ trên tinh thần bảo vệ quyền con người một cách cao nhất.
Luật sư bật khóc giùm khổ chủ Người ta vẫn còn nhớ khoảnh khắc luật sư Nguyễn Văn Hiếu (Văn phòng luật sư Người nghèo TP.HCM) đã bật khóc khi VKSND TP.HCM xin lỗi ông Trương Bá Nhàn vào ngày 11-8-2016. Đó có lẽ là hình ảnh xúc động nhất buổi xin lỗi ngắn ngủi chỉ diễn ra trong ít phút. Luật sư Hiếu tâm sự: “Hôm đó tôi đã không kiềm chế được cảm xúc, cổ họng cứ nghẹn lại cho đến khi bật ra thành tiếng. Cuộc đời ông Nhàn khổ cho đến tận khi được minh oan. Sau hơn 1.346 ngày bị giam oan và gần chục năm vất vả đi đòi được công nhận oan mà thời gian xin lỗi diễn ra quá nhanh, tôi thấy thương ông ấy vô cùng”. Ông Nhàn kêu oan, cũng chừng ấy thời gian luật sư Hiếu và các đồng nghiệp trong văn phòng luôn hỗ trợ ông hết mình hoàn toàn miễn phí. |