Những kỷ lục dài nhất, to nhất bị phản ứng: Chuyên gia văn hóa nói gì?

(PLO)- Những kỷ lục về bánh chưng to nhất, áo dài dài nhất và nặng nhất...được xác lập trong thời gian gần đây khiến bạn đọc cho rằng không nên phô trương và lãng phí như vậy.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua, những chiếc bánh to nhất, tà áo dài dài nhất... do các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp làm ra liên tục được công nhận kỷ lục tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc cho rằng các kỷ lục này không mang lại giá trị gì mà chỉ thấy phô trương, lãng phí. Các chuyên gia văn hóa nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Chiếc áo dài "Dấu ấn thời gian" vừa được xác lập kỷ lục áo dài dài nhất, nặng nhất

Chiếc áo dài "Dấu ấn thời gian" vừa được xác lập kỷ lục áo dài dài nhất, nặng nhất

Dài nhất, to nhất không phải là giá trị cốt lõi của kỷ lục

Trao đổi với PLO, TS Lê Thị Ngọc Điệp - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM, cho biết hiểu tổng quát thì kỷ lục là một thành tích chưa ai đạt được hoặc vượt lên trên mọi kết quả của một môn thể thao... Nó thường mang giá trị tự hào, kiêu hãnh. Kỷ lục không chỉ xét duy nhất về kích thước to như bánh mì khổng lồ,... tiêu chí này không phải giá trị cốt lõi của từ "kỷ lục".

Về việc lập kỷ lục sẽ vì nhiều lý do khác nhau, ví dụ như áo dài dài nhất nhằm gây quỹ cho người nghèo, hay món ăn, đồ vật có kích thước khủng nhằm quảng bá hình ảnh ẩm thực, du lịch,... hoặc cũng có thể vì cá nhân, tổ chức thích tạo ra cũng có thể. Do đó, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể làm nếu không đi ngược thuần phong mỹ tục.

Cũng theo TS Lê Thị Ngọc Điệp, kỷ lục ở Việt Nam hiện nay đang bị lạm dụng thuật ngữ nghĩa là cứ to nhất, dài nhất là kỷ lục và ai cũng có thể dễ dàng tự tạo nên một kỷ lục. Và khi việc đó xảy ra nhiều, đồng thời dễ dàng được tung hô sẽ mất đi giá trị vốn có.

Chia sẻ về giá trị được tạm gọi là kỷ lục (như đã nói ở trên) mang đến cho xã hội, TS Điệp cho rằng nó mang đến muôn hình vạn trạng. Ví dụ như kỷ lục về chiếc áo dài dài nhất mới đây được dùng để gây quỹ cho người nghèo, xét về tổng thể nó mang đến những điều tốt đẹp và giúp ích cho xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cần làm rõ, có thật sự là hướng tới người nghèo hay không, nghĩa là không chỉ quan tâm ở mặt tổ chức còn phải quan tâm cả giá trị được nêu ra trong mục đích kèm theo.

Đừng tạo ra sự ngán ngẩm

Phân tích vấn đề trên, TS Trần Long, nguyên giảng viên, Trưởng Bộ môn Văn hoá Việt Nam, Trường ĐH KHXH&NV, TP.HCM cho biết thông thường, mục đích của các cuộc bình chọn/đánh giá để xác lập kỷ lục hoạt động của con người là nhằm đề cao khả năng lao động sáng tạo của các cá nhân và tập thể.

Những kết quả cụ thể vượt qua các giới hạn trước đó có tác dụng động viên, khích lệ sự phấn đấu không ngừng của các cá nhân và tập thể. Điều đó là biểu hiện tính nhân văn sâu sắc, hướng con người đến chân, thiện, mỹ.

Nhìn chung, các nhà tổ chức đã nhận thức được ý nghĩa và giá trị của hoạt động bình chọn/đánh giá để xác lập kỷ lục. Cách thức lượng hoá, số hoá các tiêu chí đã tiếp cận cách làm của các nước phát triển.

Tuy nhiên, vấn đề nhiều người quan tâm là có một số kỷ lục mà sản phẩm không tương thích giữa số lượng và chất lượng (chưa đạt về chân), chưa thể hiện sự thành tâm của cá nhân và tập thể (chưa đạt về thiện), tạo ra sự ngán ngẩm trong cộng đồng (chưa đạt về mỹ).

Theo TS, nguyên nhân của những hệ quả không tốt nói trên có thể nhìn nhận từ phía người tham gia, các cá nhân và tổ chức vì lợi ích riêng, muốn khẳng định mình nhưng lại thiếu tôn trọng cộng đồng.

Cũng không loại trừ khả năng là do thiên hướng tìm kiếm tài chính, xem nhẹ mục đích tìm kiếm tài năng, trí tuệ vượt trội để nêu gương cho xã hội, xem những hoạt động tổ chức bình chọn/đánh giá kỷ lục là hoạt động phong trào, tiến hành tràn lan mọi nơi, mọi lúc.

"Tóm lại trong chuyện này, về mặt văn hoá chỉ có hai hướng, một là đem lại cho mọi người sự yêu thích, vui sướng, hai là tạo ra sự ngán ngẩm, bực bội. Phạm trù cái đẹp trong mỹ học chung quy cũng chỉ giúp mọi người nhận ra điều đó thôi", TS Trần Long chia sẻ.

Coi chừng hoang phí

Một số bạn đọc cho rằng việc xác lập những kỷ lục to nhất, dài nhất như thời gian gần đây mang lại rất ít giá trị thực mà chủ yếu mang lại danh tiếng cho những người, tổ chức, doanh nghiệp làm ra. Việc làm này tương đối hoang phí.

Bạn đọc Minh Tâm ý kiến: "Nếu làm để trích tiền từ thiện, góp vào các hoạt động xã hội... thì còn chấp nhận được. Chứ làm ra chỉ để được vinh danh, được xác lập kỷ lục để đổi lấy danh tiếng thì thật hoang phí".

Bạn đọc Tuấn Dũng ý kiến: "Ngày nay, những kỷ lục càng dễ đạt được khiến cho ý nghĩa của kỷ lục cũng dần thay đổi. Tôi thấy có nhiều kỷ lục linh tinh, kỷ lục vớ vẩn. Chuyện kỷ lục về bánh chưng trong dịp giỗ tổ Hùng Vương vào những năm trước cũng thế, đi lập kỷ lục về bánh chưng làm gì khi mà cả thế giới chỉ có nước ta nấu bánh chưng, thế nấu bánh tét to nhất cũng là kỷ lục so với thế giới sao?".

Bạn đọc Trang Trần ý kiến: "Việc lập những kỷ lục to nhất, dài nhất không phù hợp với giá trị, đặc tính chung của dân tộc ta. Và khi những nền văn hóa khác nhau, sự va chạm các nền văn hóa hoàn toàn khác biệt dẫn đến trường hợp ngộ nhận các giá trị, đặc biệt dẫn đến lầm tưởng về giá trị kỷ lục".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm