Với tôi, đi không phải chỉ để khám phá cảnh đẹp núi sông mây gió. Tôi muốn sống cùng, muốn hiểu những con người với những văn hóa lạ lùng. Đôi khi tôi vui, thỉnh thoảng tôi buồn với những trải nghiệm ấy. Sau tất cả, tôi nhận ra điều lớn lao nhất trên đời chính là một cuộc sống yên bình với những hạnh phúc giản dị. Không cần phải quan tâm người ta nghĩ gì về mình và càng không cần phải trở thành anh hùng cho nhân gian ngưỡng mộ.
Lễ hội chém đầu dê: Rùng rợn hóa ra thanhbình
“Mày đến Nepal vào đúng lễ hội Dashain, ngày lễ quan trọng nhất của người Nepal trong một năm, ý nghĩa hơn tết mừng năm mới nữa”. Bạn của tôi bảo khi nghe tin tôi sẽ trở lại nơi này. Bạn tỏ ra hết sức “tự ái” khi tôi không biết chút gì về lễ hội này và bảo tôi lên mạng đọc.
“Dashain được chọn là một trong những lễ hội độc đáo nhất thế giới. Lễ hội kéo dài hai tuần liên tiếp với những lễ nghi, hiến tế, ăn mừng để tưởng nhớ chiến thắng của nữ thần Durga trước quỷ hắc ám Mahishasura”. Đó là thông tin về lễ Dashain. Nhưng câu tiếp theo làm tôi phát hoảng: “Vào những ngày lễ Dashain, tại các ngôi đền dọc đất nước, hàng ngàn con chim bồ câu, dê và trâu bị đem hiến tế một cách tàn bạo để thể hiện lòng tôn kính tới Shakti - một hóa thân đáng sợ của nữ thần Durga”.
Trước nay tôi luôn lên án những lễ hội hiến tế động vật vì cho rằng những phong tục đó dã man, tàn bạo. Nhưng không phải lúc nào cũng có dịp tìm hiểu một phong tục lạ lùng ở xứ lạ, thế là tôi quyết định lên đường về nhà bạn đón lễ Dashain.
Những ngày tôi đến, Nepal chìm trong vực sâu khốn khó. Trận động đất kinh hoàng xảy ra chưa bao lâu thì đất nước này lại lâm vào cuộc khủng hoảng nhiên liệu do Ấn Độ đóng cửa biên giới, ngay đúng dịp lễ Dashain. Thế là hàng đoàn người phải đi bộ từ khuya ra bến xe, rồng rắn xếp hàng và chen chúc nhau trên những chiếc xe cũ kỹ để về quê. Tôi cũng chung tình cảnh đó. Đâu phải chỉ chở người, nhiều chiếc xe còn chở cả những chú dê. “Họ chuẩn bị cho lễ chém đầu dê đó”, người bạn bảo khiến tôi thêm phần hồi hộp.
Ngôi làng của bạn chừng chục nóc nhà, nằm giữa một thung lũng nhỏ trên đỉnh núi. Nepal là một trong những đất nước nghèo nhất thế giới, còn nhà của bạn tôi hẳn là một trong những gia đình nghèo nhất Nepal. Gia tài của gia đình là con trâu để lấy sữa mỗi ngày thay cho bữa ăn sáng và một bầy dê bảy con. Chỉ con dê mập mạp nhất đàn, bạn tôi bảo đó là con sẽ được chém đầu sau hai ngày nữa. Ở làng, nhà nào cũng trồng một vườn bông vạn thọ và cũng cột sẵn chú dê để chuẩn bị hiến tế.
Những ngày lễ Dashain, ngôi làng hẻo lánh rộn ràng hẳn lên. Nhà nào cũng có người thân ở xa về, trên tay lủ khủ quà từ thành phố. Phần mua cho gia đình, phần biếu láng giềng họ hàng. Chỉ là vài chai nước Coca, bịch cà chua và ít kẹo thôi, thế mà người nhận cứ trầm trồ vui thích. Dấu hiệu đặc biệt về lễ hội Dashain còn là những cái đu quay bằng tre ở những ngôi làng và cả những cái đu quay nhỏ xíu ở mỗi nhà. Lũ trẻ ở đây không phải vùi đầu học thêm như quê tôi, chúng cứ vui vẻ tung tẩy trên những chiếc đu quay suốt.
Rồi thì ngày quan trọng nhất của lễ Dashain cũng đến. Hôm ấy, mọi người trong nhà dậy sớm hơn thường lệ. Tôi được đánh thức bởi những âm thanh yên bình của làng quê: tiếng quét sân xào xạc, tiếng xuỳ xuỳ lùa đàn dê ra chuồng, tiếng trẻ con cười nói rộn ràng. Khoảng 9 giờ, bạn tôi dẫn chú dê mập mạp vào sân. Ông của bạn vẽ một hình thù kỳ lạ trên đất để chú dê bước lên. Bạn tôi bảo đã chuẩn bị đến giờ hành lễ. Dù rất sợ nhưng vì tò mò tôi cố gắng đứng xem.
Con vật được giữ chặt bởi những người khỏe mạnh trong nhà. Ông của bạn cầm nhành cây nhúng vào bình nước, lâm râm đọc những lời cầu nguyện rồi vung vẩy lên mình dê. Cậu thanh niên em của bạn tôi tay cầm sẵn chiếc dao bén ngót chờ đợi. Xong nghi thức cầu nguyện, con vật được giữ thẳng cổ rồi cậu thanh niên vung dao… Cô bé con trong nhà, như đã rất quen thuộc công việc này, tỉnh bơ nhặt chiếc đầu dê mang vào bếp thui. Thấy vẻ mặt tôi căng thẳng, cô bé còn giơ chiếc đầu dê ra dọa tôi và cười.
Chém đầu dê xong, mọi người xúm lại mổ thịt. Thịt dê được chia làm nhiều phần, lớp thì nấu tại chỗ, lớp để dành làm thịt khô. Bạn tôi xẻo một miếng thịt đỏ hỏn bên trong đùi dê, đem vào bếp hơ qua lửa rồi mời tôi ăn. Tiết dê cũng được đem vào nấu chung với thịt. Mọi người bảo nếu chém dê ở đền thờ thì người ta sẽ uống máu dê tại chỗ. “Ông của tao uống được nhiều máu dê lắm!”, cậu nhóc trong xóm khoe với tôi vẻ đầy tự hào.
Mấy ngày ở nhà bạn, hôm nay tôi mới được ăn một bữa có thịt với đủ thứ món từ thịt dê, từ cà ri kiểu Nepal đến dê nướng kiểu Việt Nam do tôi trổ tài. Một lát sau, sân nhà bạn tôi đông nghịt họ hàng đến viếng. Ai nấy xúng xính trong những bộ quần áo đẹp nhất, gương mặt rạng rỡ niềm vui. Ông bà của bạn tôi ngồi trên giường cho đàn con cháu chúc tết. Tôi cũng được gia đình cho tham gia chúc phúc. Ông bà giắt trên tóc chúng tôi lá của những cây bắp con, đắp lên trán chúng tôi những nắm hạt nếp đỏ và lầm rầm chúc may mắn. Mọi người từ lớn đến nhỏ nghiêm túc và kính cẩn quỳ gối trước cha mẹ, ông bà, trân trọng đón nhận những lời chúc. Không khí thiêng liêng và tình cảm đó làm tôi rưng rưng nước mắt.
Người Nepal thật lạ lùng. Ở trên núi cao nhưng rất nhiều người nói được tiếng Anh. Rất nhiều người trẻ cũng có Facebook, biết nhiều về thế giới nhưng họ vẫn trân trọng giữ gìn những phong tục tập quán từ xa lắc của tổ tiên. Hôm ấy, trên khắp Nepal, mọi nhà có đạo Hindu giáo đều làm lễ chém đầu một con dê như thế. Nghèo quá thì hai nhà chung lại một con. Từ đầu trên đến xóm dưới, từ làng này qua làng nọ, cánh đàn ông thì chém đầu dê và xẻ thịt, cánh phụ nữ dọn dẹp, nấu nướng. Chỉ trong ngày hôm ấy tôi đã ăn bốn lần món dê nấu cà ri kiểu Nepal. Đi đâu mọi người cũng nồng nhiệt mời tôi vào nhà cùng làm lễ, chúc phúc và đãi cho tôi ăn món dê vừa nấu.
Lễ chém đầu dê bị mang tiếng là tàn bạo trong mắt thế giới, thế nhưng những gì tôi chứng kiến lại không có một chút dã man nào. Gọi là chém dê nhưng yêu cầu ngặt nghèo là phải chém một nhát, trong một vài giây nên con vật không phải trải qua nỗi đau thể xác như một số lễ hội hiến tế động vật khác trên thế giới.
Một điều nữa khiến tôi không thể lên án việc chém dê của lễ Dashain, bởi đây là dịp hiếm hoi trong một năm, mọi người trong làng bạn tôi có cơ hội ăn thịt vì quá nghèo. Nỡ lòng nào mà lên án những giây phút sum vầy ấm áp, chan chứa tình thân của những người hiền lành, nghèo khó ở Nepal.
Phận người thì ngắn nhưng chiếc cổ lại dài
Hồi xa lắc xa lơ, khi Myanmar mới vừa he hé mở cửa với thế giới, kẻ tò mò như tôi tất nhiên không thể bỏ qua đất nước huyền bí này. Sau bao nhiêu năm đóng cửa, thời gian như ngừng lại ở Myanmar. Cái gì ở Myanmar cũng làm tôi lạ lẫm và đầy xúc động. Như là những người phụ nữ cổ dài trên hồ Inle. Tôi có chụp vài tấm ảnh lưu niệm với họ nhưng không thể chuyện trò vì bất đồng ngôn ngữ, chỉ biết họ là người Karen, đến từ một ngôi làng xa lắc xa lơ nào đó.
Người cổ dài ở Myanmar không phải là do cấu tạo cơ thể đặc biệt khác người, mà bởi họ đã mang những chiếc vòng cổ bằng đồng trĩu nặng từ tấm bé. Thực ra cổ của họ không dài ra mà do vai của họ của bị sụp xuống dưới sức nặng của những chiếc vòng mỗi lúc mỗi nặng hơn. Rất nhiều truyền thuyết về sự tích đeo vòng cổ của người Karen và đến bây giờ thì những người phụ nữ cổ dài đã trở thành biểu tượng của người Karen ở Myanmar. Số phận của người Karen cũng đặc biệt như thế. Sau những cuộc nội chiến, họ phải lưu vong ở miền biên giới của Thái Lan. Ở đó họ tạo dựng những ngôi làng cho tộc người mình, sinh con đẻ cái và sống kiếp ăn đậu ở nhờ trên đất người mà không biết ngày nào trở về cố quốc.
Phụ nữ Karen và những chiếc vòng cổ độc đáo của mình.
Nghe nói ở xa lắc phía bắc của Thái Lan có vài ngôi làng của người cổ dài đang sinh sống. Tôi mong một lần đến đó, được chứng kiến cuộc sống thực tế của họ, hiểu về họ nhiều hơn chứ không phải chỉ chụp vài tấm ảnh như lần ở hồ Inle. Thế rồi, một dịp tình cờ không định trước, tôi có dịp đến đây. Từ thành phố Chiang Mai của Thái Lan, tôi thuê xe đến ngôi làng cổ dài, cách trung tâm khoảng 50 km.
Đường đến ngôi làng cổ dài rất đẹp, qua những sườn núi cheo leo. Ở nơi heo hút xa xôi nhưng nhà cửa, quán cà phê, resort khách sạn dọc đường đi rất đẹp. Thế nhưng chỉ cách một ngã rẽ, làng của người cổ dài như một thế giới khác. Người cổ dài cùng người căng tai và một số dân tộc nữa sống tại bản này. Bên ngoài có cổng của người Thái, muốn vào phải mua vé rất đắt, những 500 bath Thái, hơn 300.000 đồng. Tôi bấm bụng mua với hy vọng số tiền này sẽ dành để giúp đỡ những người nghèo ở làng này như người bán vé nói chứ không phải chui hết vào túi của những người Thái giỏi làm du lịch. Làng của người cổ dài nằm ở xa nhất, hẻo lánh nhất của bản. Đâu có xa đường cái mấy đâu mà mọi tiện nghi và hiện đại dường như dừng lại sau cánh đồng lúa xanh. Nhà của những người cổ dài lưu lạc trên đất khách quê người là những ngôi nhà sàn nhỏ xíu, bé nhỏ đơn sơ.
Đã từng trông thấy người cổ dài trước đó, vậy mà tâm can tôi chấn động ngay khi nhìn thấy một phụ nữ nhỏ thó đang ngồi dệt vải ở đầu làng. Người phụ nữ ấy không thể đoán nổi tuổi tác, thân hình nhỏ bé lạ thường bởi cái cổ dài lêu nghêu với những chiếc vòng cổ bằng đồng sáng bóng. Nghe nói sức nặng của những chiếc vòng cổ khiến bờ vai, lồng ngực của người mang bị biến dạng như thế. Kiểu tóc và cách ăn mặc truyền thống của người Karen, nét mặt, nụ cười của người Karen cổ dài trông rất khác lạ. Không trẻ không già, không vui không buồn.
Người phụ nữ ấy nhìn tôi khẽ mỉm cười, mà phải nói là chỉ một nửa nụ cười bởi sự gò bó của những chiếc vòng trên cổ, rồi tiếp tục lặng lẽ ngồi dệt từng sợi vải như thể đã ngồi đó ngàn đời nay. Dáng vẻ ấy, nét mặt ấy như thể không thuộc về thế gian này. Vẻ vô thực đó làm tôi bàng hoàng đến nỗi không dám chạm vào, không dám mời bà đứng dậy. Chỉ âm thầm đứng ngắm bà mà tôi đã thấy đau như thể chính mình đang vác chiếc vòng nặng trĩu trên cổ.
Rồi tiếng cười đùa của trẻ thơ làm tôi bừng tỉnh. Ô hay, lũ trẻ ở đây chơi trò gì mà bé gái nào cũng đội những vòng hoa và chiếc khăn dài phía sau tóc như những cô dâu tí hon. Thú vị quá, tôi giơ máy ảnh chụp thì một em bé quay mặt lại. Bé thật dễ thương với gương mặt đầy cá tính, nghịch ngợm. Nhưng tôi lặng người khi nhìn thấy chiếc vòng cổ bé nhỏ trên cổ của em. Từng tuổi này bé đã phải làm quen với phong tục của tổ tiên, ông bà mà không kịp hiểu chuyện gì đang và sẽ xảy ra cho mình tiếp theo. Em không thể nào thoát khỏi số phận đã được định sẵn, không thể quyết định mình có muốn hay không khi lớn lên đã mang theo sẵn chiếc vòng trên cổ…
Ở làng Karen, tôi quen một cô gái nhỏ, dĩ nhiên cũng đang mang vòng cổ như bao cô gái khác. Vẻ đẹp trong trẻo và hiền hòa của cô bé làm tôi cảm động. Tôi ghé nhà em chơi thật lâu. Với vốn tiếng Anh bập bõm, em kể em 15 tuổi và đã năm năm mang vòng cổ. “Em không bao giờ mở vòng cổ ra kể cả khi tắm. Lúc ngủ thì em nằm nghiêng như thế này. Em sẽ mang vòng suốt đời, không bao giờ tháo ra”, em giải thích bằng cử chỉ.
Dẫn tôi lên nhà, em chỉ nơi em ngủ và kia là phòng của ba mẹ. Ngôi nhà trống trơn, sàn tre mong manh. Tôi nhìn khắp nhà, thở dài khi thấy tài sản quý giá nhất là mấy con cá suối đang nướng trên bếp. Muốn trải nghiệm cảm giác làm người Karen, tôi mượn chiếc vòng cổ nhỏ nhất và chỉ đúc một nửa mặt trước (chắc là quà lưu niệm bán cho khách cho dễ mang) mang lên cổ. Em dịu dàng cột tóc, cài hoa và đắp bột thanaka truyền thống của Myanmar lên mặt tôi. Mẹ em với chiếc cổ dài thật dài đang dệt vải gần đó, thỉnh thoảng nhìn chúng tôi mỉm cười hiền lành. Lại một nụ cười mỉm, không phải vì thói quen sở thích mà bởi những vòng cổ dài quá cằm vướng víu không cho người ta cười tự nhiên. Mang vòng một chút thôi mà tôi đã bị đau không thể nào chịu nổi. Gỡ vòng ra hồi lâu mà vẫn còn dư âm hồi lâu. Vậy mà những người Karen cổ dài đã phải gắn suốt cuộc đời mình với những chiếc vòng nặng hơn gấp bao nhiêu.
Người phụ nữ nhỏ bé lặng lẽ ở đầu làng, mẹ của cô bé xinh đẹp này, và cả em nữa, có đau không với những chiếc vòng nặng trĩu trên cổ? Tôi nhìn thấy những tấm khăn lót dưới cằm để giảm sự va chạm của vòng vào cằm, vào mặt. Phải rồi! Họ cũng như tôi, cũng như mọi người trên cuộc đời cũng biết đớn đau khi những việc trái tự nhiên hành hạ xác thân. Đau thì đau, họ vẫn không rời những chiếc vòng cổ mỗi ngày mỗi nặng, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Em bé nhỏ hôm nay sẽ là cô bé xinh đẹp như cô bạn của tôi trong tương lai. Rồi thì em cũng như mẹ, như người phụ nữ trầm buồn một mình dệt vải đầu ngõ. Em sẽ lấy chồng, một anh thanh niên hiền lành, nghèo khó trong làng. Rồi em cũng ngồi bên hiên nhà ngày ngày dệt vải nuôi con, chờ chồng làm nương bắt cá trở về. Cuộc đời em sẽ lặng lẽ trôi đi, chỉ có những chiếc vòng trên cổ là ngày một nặng hơn…
* * *
“Em thích mang vòng cổ không?”, tôi hỏi cô bé. Em gật đầu. Không biết em có hiểu câu hỏi của tôi hay không, hay là em thật sự thích nhưng tôi nghe buồn nao lòng. Tôi hiểu mình không được quyền nhận xét những nền văn hóa khác biệt, những phong tục tập quán lạ đời. Tôi biết mình không thể lấy quan điểm cá nhân để giải thích và kêu gọi người khác về hạnh phúc, về tự do. Thế nhưng tôi cũng tin tưởng sâu sắc chỉ những gì làm người ta được mạnh khỏe, hạnh phúc và tiến bộ cả về thể chất lẫn tinh thần mới là những giá trị đẹp đẽ cần được trường tồn.