Nước Anh với những ngôi nhà mấy trăm năm không thay đổi, với sự phớt tỉnh và có phần lạnh lùng hình như chỉ là cảm giác ban đầu, đến từ những điều đã đọc. Tôi phát hiện ra điều đó trong một chiều London rất gió. Đầu tháng 10, London lạnh, tôi dựng cao cổ áo khoác và rảo bộ tìm một quán bia, tưởng như nó trôi về từ thế kỷ trước. Quán bia Swan có tuổi đời 300 năm (được mở năm 1721) và giữ nguyên đến tận giờ, với những bộ bàn ghế cũ kỹ và hương bia có lẽ cũng thế. Nhưng những vị khách Ănglê có vẻ nồng nhiệt khi nói chuyện.
Ngược lên Bắc, dọc đường đi lên Scotland, trải dài từ London lên Durham, York, New Castle và Edinburgh là những cánh đồng và những đồi lúa mạch. Ngày tôi sang, trời nhiều gió và mây xám, những lọn rơm khổng lồ được máy cuộn lại nằm trên đồi, những đàn cừu và bò ngái ngủ trong ánh hoàng hôn New Castle. Đảo quốc này nhiều gió. Nếu gió London hào phóng cuốn những đám lá sồi vàng tung lên dọc công viên Hyde Park gợi cho lữ khách sự cô đơn man mác thì những cơn gió ở Edinburgh, thủ đô Scotland lại gợi những phóng khoáng khi thổi qua những núi đồi và hải cảng.
Ghé vào một quán rượu ở thành phố Edinburgh, nơi có hàng vạn căn nhà đang được bảo tồn, nhấp một ngụm rượu khói trong chiều thu lạnh, nhìn ra những bức tường và những con đường lát đá đang đón những giọt nắng cuối ngày, cứ ngỡ như mình trôi về trăm năm xưa. Có lẽ là do khung cảnh đã mấy trăm năm rồi không đổi khác, có thể là do những bức tranh xưa trên tường, mà cũng có thể là những thành quách lâu đài của cả nước Anh và Edinburgh hội ngộ về trong ly rượu khói.
Một con đường ở York.
Nhà thờ lớn ở York.
Những vòm lá ngân hạnh ngả vàng ở Edinburgh.
Với người Scotland, Whisky single malt (mạch nha đơn cất, chỉ chưng cất trong một nhà máy duy nhất) là đỉnh cao của rượu. Họ gọi đấy là những giọt nước của sự sống. Trong buổi chiều hôm ấy, ở cái quán rượu cũ kỹ từ trăm năm, tôi và Thanh, bạn cùng đi gọi hai cốc rượu khói. Anh chủ quán đưa đến một ống thủy tinh bé xíu và như một nghệ sĩ, anh thả vào mỗi cốc rượu một giọt nước. Đa tầng hương sắc thiên nhiên, mùi gỗ sồi, mùi khói và lúa mạch được giọt nước ấy giải phóng, sực lên qua từng hơi thở, màu rượu chếnh choáng như pha cả ráng chiều hải cảng Endinburgh và những thảm lá phong, lá ngân hạnh, màu rơm vàng của những cánh đồng lúa mạch. Và hình như trong đó có cả tiếng vó ngựa xa xăm và tiếng những cơn sóng vỗ dưới chiến thuyền.
Một quán cà phê ở London.
Nhưng mùa thu Anh cũng sẽ gợi cho ta những mùa thu giảng đường xa lắc và cả những giấc mộng học trò dang dở. Nếu đến Durham, bạn sẽ thấy thành phố cổ kính với những nhà thờ xây từ ngàn năm, những trường đại học có tuổi đời như một quốc gia lại hòa quyện vào trẻ trung khi sinh viên từ khắp thế giới đổ về đây. Nó là một thành phố mà cư dân còn ít hơn sinh viên, một thành phố đại học. Durham và cả New Castle với cơn mưa nhỏ và những con dốc đầu trường đại học còn gợi cho tôi nhớ Đà Lạt với những căn nhà nhỏ đầu ngã năm Đại học. Đôi khi một chiếc lá thu rơi cũng nhắc một làn tóc nào đó thời đi học. Tôi nghĩ thế khi đứng trước cổng ngôi trường vào nửa khuya, khi phố đã tịnh bóng người.
Khác với những trận cầu cháy lửa trên sân Arsenal hay những khu tài chính sôi động, rời London một quãng thôi bạn sẽ thả mình vào thiên nhiên. Cỏ như của ngàn năm, những bầy chim nước bơi trên những con sông đào xứ York, những thảm lá đỏ vàng cho ta cảm giác mùa thu và nỗi nhớ đều đã chín. Có lẽ chưa chuyến đi nào khiến tôi nhớ nhà như thế, cả khi trải qua mùa đông lạnh giá âm 35 độ ở Jarsvo, Thụy Điển; cả những cánh rừng lạnh ở Estonia bên kia bờ Baltic, cả nửa tháng trời trôi giữa hai bờ thu Volga cũng không làm tôi nhớ thế. Có thể nỗi nhớ ấy đã chín cùng những lá vàng, lá đỏ Edinburgh, Durham. Nhưng cũng có thể nỗi nhớ ấy ngấm say được khuếch lên chếnh choáng như ly rượu khói một chiều bên con phố cổ.
Thư viện Đại học Durham.
Đi giữa mùa thu Anh quốc không chỉ là trải nghiệm về một vùng đất cổ kính của một đất nước hiện đại, không chỉ là thả hồn vào một không gian khác. Mà đi cũng là để trải nghiệm nỗi nhớ và ký ức của chính mình. Bâng khuâng giữa trời thu Anh quốc mà da diết nhớ quê nhà, dù chuyến đi không mấy dài, dù quãng đường có xa thì cũng chỉ một đêm trên chuyến bay thẳng.
Đến với mùa thu nước Anh khi đầu chớm bạc, hình như tôi gặp ký ức của chính mình.