Những lưu ý khi đắp mặt nạ chăm sóc da

Công dụng của đắp mặt nạ chăm sóc da

Làm sạch: Tẩy tế bào chết và bụi bẩn trên da. Với mục đích này, mặt nạ thường được sản xuất theo hai dạng: dạng lột và dạng rửa.

Giữ ẩm: Các nguyên liệu làm mặt nạ từ đất sét, tảo biển, hoa quả, trứng... đều giúp cung cấp nước trên lớp sừng của da hoặc giúp giảm đi sự bốc hơi nước lúc đang đắp mặt nạ. Do đó bạn sẽ có cảm giác da mình mềm mại và mịn màng hơn.

Nuôi dưỡng hoặc kết hợp điều trị một số vấn đề của da: Với mục đích này, các mặt nạ được bào chế sẵn của các hãng mỹ phẩm hoặc dược-mỹ phẩm sẽ tiện dụng và hữu hiệu hơn các mặt nạ tự nhiên mà chúng ta tự làm ở nhà. Những hoạt chất đắp trên da đã được nghiên cứu theo tính năng, có công thức cụ thể nên hỗ trợ điều trị các vấn đề về da như: da khô, da dầu, mụn, nám, da lão hóa, da đang bị cháy nắng... Các loại này được đánh giá tốt hơn các mặt nạ “cây nhà lá vườn”.

Thư giãn: Nằm lim dim với mặt nạ, nghe một khúc nhạc êm ả trong hương thơm nhè nhẹ của nến, của các thảo mộc... là những gì bạn có được tại các spa, tại văn phòng hay chính ngôi nhà của bạn. Chúng xua đi những lo âu căng thẳng và giúp thăng hoa giá trị mà cuộc sống mang lại.

Những lưu ý khi đắp mặt nạ chăm sóc da ảnh 1

Kỹ thuật đắp da mặt. Ảnh minh họa: INTERNET

Tự đắp mặt nạ cho da

Bạn có thể mua mặt nạ đắp da ở nhà thuốc, cửa hàng bách hóa hay siêu thị với nhiều dạng, chủng loại và giá thành khác nhau. Cần lưu ý để việc đắp mặt nạ mang lại kết quả tốt thì chọn mặt nạ phù hợp với da và đắp mặt nạ đúng cách được xem là yếu tố cần thiết.

Đối với da dầu, bạn nên chọn mặt nạ có chứa đất sét hoặc bùn để giảm bớt lượng dầu thừa trên da mặt. Nếu da khô, bạn nên chọn mặt nạ dạng kem. Với những người có da nhạy cảm thì nên dùng mặt nạ dạng gel dịu mát. Đối với người có da hỗn hợp có thể sử dụng cùng một lúc hai loại mặt nạ, một cho vùng chữ T của mặt (gồm trán, mũi và vùng quanh miệng kể cả cằm nơi thường tập trung nhiều các tuyến nhờn) và một cho những vùng da còn lại.

Trình tự quá trình đắp mặt nạ gồm: rửa mặt và cổ, thoa một ít kem bảo vệ quanh vùng mắt và miệng, sau đó đắp mặt nạ lên mặt và cổ. Tùy thuộc vào hướng dẫn của nhà sản xuất, thời lượng đắp mặt nạ có thể từ năm phút đến trọn đêm. Đặc biệt, ở những người có làn da nhạy cảm nên thử nghiệm bằng cách cắt một phần nhỏ của mặt nạ đặt lên một vùng của da để kiểm tra da có kích ứng không.

Sau khi đắp mặt nạ, da sẽ được rửa lại với nước sạch hoặc nước khoáng. Một số mặt nạ có ghi rõ thời hạn và chu kỳ sử dụng. Ví dụ năm ngày, bảy ngày một liệu trình hoặc cứ mỗi 10 ngày thì dùng ba miếng... Nếu muốn đạt được hiệu quả tốt, người sử dụng nên tuân thủ theo các quy định đó.

Bạn cũng nên biết rằng khả năng dị ứng có thể đến từ các thành phần trong mặt nạ (kể cả mặt nạ tự nhiên), hương liệu, chất bảo quản... Ví dụ cà chua, dâu, dứa... có thể làm kích ứng da nhẹ do các chất acid trái cây.

Tự chế mặt nạ để cải thiện một số vấn đề về da

Lòng đỏ trứng, mật ong: dùng nguyên chất hoặc pha thêm vài giọt dầu ôliu, dầu hạnh nhân sẽ giúp cải thiện da khô.

Lòng trắng trứng, chất kaolin (đất sét xốp)... giúp giảm nhờn trên da.

Các acid trái cây (táo, mía, nho, thơm...), acid tartaric từ rượu vang, acid lactic từ sữa là những chất lột nhẹ tự nhiên, giúp loại bỏ lớp sừng già cỗi trên da, làm da bạn mịn màng, trơn láng hơn.

BS VÕ THỊ BẠCH SƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm